Trân Văn – VOA
Trước nay, diện mạo và sắc thái của dân chủ ở Việt Nam vốn luôn rất khác với thiên hạ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn lý giải, nguyên do nằm ở chỗ dân chủ ở Việt Nam là… dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Chưa rõ tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc, tân Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam miệt thị diện mạo, sắc thái dân chủ không phải… dân chủ XHXN là… dân chủ tào lao nhưng ông và đảng của ông vẫn đeo đuổi, tận tình tán tỉnh… lũ… “tào lao” ấy?
***
Ở Hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 10 của TP.HCM (bao gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi), trong vai Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử này, ông Phúc tuyên bố: Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu “dân chủ tào lao”, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn (1).
Dẫu ông Phúc – Thủ tướng và ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vẫn là… một người nhưng nhận thức và hành vi lại rất khác, thậm chí mâu thuẫn nhau hết sức gay gắt.
Singapore không có dân chủ XHCN và theo quan điểm của ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có thể suy ra Singapore cũng thuộc nhóm… dân chủ tào lao! Vậy thì tại sao thuở còn làm Thủ tướng, ông Phúc lại hâm mộ quốc gia… dân chủ tào lao ấy một cách đặc biệt? Năm 2016, ông Phúc – Thủ tướng từng yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải thử nghiệm những mô hình tăng trưởng mới, phải xây dựng Đặc khu Vân Đồn không thua kém… Singapore (2). Năm sau (2017), ông Phúc – Thủ tướng đòi Đà Nẵng phải trở thành thành phố nổi trội hơn những thành phố khác ở Việt Nam để có thể cạnh tranh với… Singapore (3). Đến 2019, ông Phúc – Thủ tướng tiếp tục yêu cầu chính quyền Hải Phòng phải cố gắng để Hải Phòng phát triển như… Singapore (4). Vì sao miệt thị… dân chủ tào lao nhưng lại lấy… “tào lao” làm mẫu mực để phấn đấu?
Không phải chỉ có ông Phúc tỏ ra mâu thuẫn như thế. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng mâu thuẫn y hệt như vậy. Rất khó lý giải tại sao các cá nhân lãnh đạo những hệ thống này vừa vỗ ngực tự hào vì dân chủ ở Việt Nam cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản (5), lại vừa tha thiết bày tỏ khát vọng… làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai (6)?
Năm 2018, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Phúc – Thủ tướng khoe với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng, bảo vệ tốt môi trường cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân. Giờ, ông Phúc công khai bày tỏ với dân chúng Việt Nam sự khinh bỉ dân chủ tư sản, dân chủ phi XHCN là… dân chủ tào lao. Ông Phúc đã thay đổi, từ khi nào?
Nếu đối chiếu với sự tự hào vốn hết sức nhất quán về chuyện dân chủ của “ta” gấp vạn lần dân chủ tư sản thì sự miệt thị đó chính là… nhận thức chung của lãnh đạo đảng “ta”, quốc hội “ta”, nhà nước “ta”, chính phủ “ta” chứ không chỉ riêng ông Phúc.
Lấn cấn duy nhất là “ta” vừa khinh bỉ nhận thức, nỗ lực bảo vệ, thực thi dân chủ của thiên hạ, xem đó là… “tào lao”, vừa cam kết với thiên hạ sẽ tự chuyển hóa để dân chủ ở “ta” thăng tiến theo… tiêu chuẩn… “tào lao” ấy!
Tháng trước nhiều cơ quan truyền thông chính thức của “ta”, chỉ trích kịch liệt những nơi, những người cho rằng Việt Nam không xứng đáng tham dự Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 (8).
Nếu đặt những chỉ trích này bên cạnh sự miệt thị… dân chủ tào lao của ông Phúc, chẳng riêng thiên hạ mà đa số nhân dân ta đều hoang mang. Đã xem là… “tào lao” thì vận động ứng cử, kiếm cho bằng được một ghế trong những định chế… “tào lao” ấy làm gì? Đó chẳng phải là làm chuyện… tào lao hơn cả… “tào lao” sao? Khi nhận thức và hành động về… tào lao lộn xộn như vậy thì ai, thứ nào mới đích thực là… tào lao?
Chú thích
(3) https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=25600&_c=3,33
Leave a Comment