RFA|
Ngành giáo dục phải thực hiện các nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’… Tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu vừa nêu khi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây.
Theo ông Chính, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm của cả nước… do đó cần thiết phải ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’…
Điều vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu lên không phải là mới khi bệnh thành tích vẫn đeo bám ngành giáo dục nhiều chục năm nay. Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục nào khi lên đảm nhận chức vụ cũng kêu gọi ‘nói không với bệnh thành tích’… nhưng sau đó bệnh lại nặng thêm.
Liệu làm thế nào để ‘học thật, thi thật, có nhân tài thật’ như lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính… khi những người dám nêu lên sự thật có thể bị trù dập, đuổi việc, thậm chí có người còn có thể phải vướng vòng lao lý?
Trao đổi với RFA từ Nha Trang hôm 12/5, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:
Tức là, theo nhà báo Võ Văn Tạo, các nước cộng sản hay tuyên truyền không đúng sự thật, chuyện đấy là có. Ông cho biết giáo dục cũng thế, bản thân ông cũng từng là nạn nhân của bệnh thành tích. Ông Tạo khi ở quê nhà Nam Hà, vì phong trào hai tốt ‘dạy tốt, học tốt’ mà ông lại giỏi văn, nên đã bị đi tập trung mấy tháng trời chỉ để học môn văn làm ‘gà nòi’ thi quốc gia, còn các môn khác thì bỏ. Ông nói tiếp:
“Bệnh thành tích trong giáo dục Việt Nam chắc phải nửa thế kỷ và ngày càng nặng, đến nỗi học sinh lớp 6 mà chưa đọc viết rành được…. đó là học không thật. Còn thi cử thì ném bài, đề bài mẫu, đủ trò hết… Thậm chí Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín – Hà Nội đã khốn khổ vì chuyện này, thầy muốn phản ánh chuyện thi gian lận, muốn có kỳ thi thật… Ông Nguyễn Thiện Nhân hứa gỡ rắc rối cho Thầy Khoa nhưng có làm được đâu, trong khi ông Nhân hồi đó cũng nêu là ‘học thật’. Ngành giáo dục cũng đã từng cố làm, nhưng kết quả mà xuống thì lại sợ.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nếu làm như vậy thì không thể nào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Và từ học không thật thì làm sao có nhân tài thật:
“Ở một chế độ mà người ta lấy nói dối thành tích làm cơ bản, thì tôi nghĩ không thể nào yêu cầu ngành giáo dục làm việc đó được. Tôi từng viết trên Facebook ‘Liệu có thể học thật, thi thật khi cứ thù ghét và bỏ tù người nói thật’. Đó là thực tế tại Việt Nam, bạn tôi rất nhiều trí thức lên tiếng nói thật thì bị ghép tội tuyên truyền cống nhà nước thế nọ thế kia. Cái đó là rất dở, làm như thế thì đất nước sẽ mãi bị kìm hãm.”
Không chỉ Thầy Đỗ Việt Khoa gặp rắc rối khi tố cáo tiêu cực… Trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc. Mới nhất là trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5 năm 2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Tuy nhiên cho đến nay, cô T vẫn chưa được giải quyết vụ việc.
Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Phú Yên, yêu cầu giải quyết và xử lý tiêu cực. Nhưng cô không được giải quyết, mà ngược lại, ông Tá còn chỉ đạo lãnh đạo trường xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.
“Theo tôi thì mong muốn học thật thi thật của Thủ tướng thì ai cũng muốn thế, chứng tỏ Thủ tướng cũng quan tâm đến giáo dục. Thế nhưng thật sự mà nói thì một mình Thủ tướng không thể làm được. Bời vì ngành giáo dục xưa nay vốn là một hệ thống quản lý phức tạp qua nhiều tầng, từ THCS trở xuống do huyện quản lý, THPT và Cao đẳng thì do tỉnh quản lý, Bộ giáo dục chỉ quản lý vài trường đại học, còn một loạt đại học khác thuộc các bộ khác. Nó rất phức tạp nên cái lề lối gian lận vẫn cứ còn, dù không ném bài nhưng họ vẫn có cách khác như nâng điểm, cứ đậu đại học thì sẽ tốt nghiệp… không thanh lọc ở đại học như một số nước khác.”
Vì vậy, theo Thầy Khoa, muốn làm được phải có sự đồng bộ từ trên xuống dưới, phải có người Bộ trưởng cứng rắn, lãnh đạo các tỉnh cũng phải nghiêm khắc, thầy cô trên cả nước cũng phải đồng lòng, phụ huynh phải chấp nhận… Thế thì theo thầy Khoa, nó phụ thuộc quá nhiều nguồn, cho nên nó phụ thuộc toàn xã hội có làm quyết liệt hay không?
Không chỉ ngành giáo dục, những ngành khác cũng xảy ra tương tự. Như trường hợp ông Lương Xuân Bình từng là Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội – MRB. Vào năm 2017, ông Bình khi còn đương chức đã tố cáo có nhiều sai phạm xảy ra tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn – ga Hà Nội.
Vụ việc sau đó được đưa lên Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo để làm rõ. Đến cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 2234 cho biết nhiều tố cáo của ông Bình là có cơ sở. Thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông Bình lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA hôm 12/5 nhận định:
Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, thầy chưa bao giờ thấy những vị lãnh đạo trả thù, vùi dập người tố cáo… mà bị xử lý thích đáng. Theo Thầy Khoa các cấp chính quyền bao che bưng bít cho nhau, và ông cũng nhận thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo./.
##giáodụcvn
Leave a Comment