Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn

- Quảng Cáo -

Phạm Lê (VNTB)

Bộ trưởng Y tế dường như đang nhìn thẳng vào sự thật, khi ông nói rằng cần chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn trong chuyện bùng dịch Covid-19 ở cộng đồng…

“Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Biến chủng virus Sars-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hôm 10-5.

Tiếc là phát ngôn này của ông Bộ trưởng Y tế phải chi được nói trước hôm ‘nghỉ lễ’ hồi cuối tháng tư thì có lẽ mọi chuyện không đến nỗi cuống quýt như hiện tại.

- Quảng Cáo -

Cùng cách nghĩ như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ trưa ngày 10/5, thành phố đã tái kích hoạt toàn bộ biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất; sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn.

Ông Phong đã yêu cầu tái lập 62 chốt kiểm dịch Covid-19 với 16 chốt chính, 46 chốt phụ tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Hai tuần trở lại đây, dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, với các ca mắc bệnh gia tăng nhanh chưa từng có. Đặc biệt, trong ngày 10/5 đã đánh dấu một “kỷ lục” mới trong diễn biến dịch khi ghi nhận lần đầu tiên các trường hợp mắc Covid-19 vượt ngưỡng ba con số/ ngày, ở mức 129 ca mắc mới.

Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ tháng 1/2020 đến nay, sau đợt dịch đầu tiên vào tháng 3 – 4/2020, đợt dịch thứ hai vào tháng 7 – 8 liên quan Đà Nẵng, đợt dịch thứ ba diễn ra vào tháng 1 – 2/2021 liên quan Hải Dương.

Một “kỷ lục buồn” nữa của đợt dịch thứ 4 là số lượng bệnh viện/cơ sở y tế bị phong tỏa, cách ly vì phát hiện các ca dương tính với Sars-CoV-2 lên tới con số 10 bệnh viện. Trong số này có 2 bệnh viện lớn tuyến cuối phải tạm đóng cửa vì ghi nhận hàng chục ca mắc Covid-19.

Thế nhưng có vẻ ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’, khi ở buổi họp Chính phủ hôm 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính bất ngờ đưa ra ý kiến, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Cụm từ mệnh lệnh: “chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”, là khó hiểu vì Việt Nam cho đến nay vẫn ở thế bị động về nguồn vắc xin, ‘lực bất tòng tâm’ trong chế phẩm sinh học đủ để xét nghiệm đại trà trong toàn dân…

“Tinh thần lấy phòng là chính. Nếu phát hiện có ca nghi nhiễm phải thần tốc truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng cách ly, dập dịch, sẵn sàng chủ động ứng phó mọi tình huống chống dịch như thời gian qua chúng ta đã chống dịch rất tốt” – Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo như vậy hôm 30/4 lúc ông cùng đoàn cán bộ y tế đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Ở lần bùng dịch Covid-19 hiện tại, tính đến tối 10/5, chưa thấy tuyên bố nào liên quan ‘chỉ đạo’ của người đứng đầu Bộ Chính trị. Những ngày trước đó, theo tường thuật của báo chí, ông chỉ quẩn quanh các sự kiện mang tính kỷ niệm, hay các lễ nghi xã giao; thậm chí việc tiếp xúc cử tri, ông cũng chọn phương thức an toàn nhất cho bản thân là ‘trực tuyến’ thay cho ‘trực tiếp’.

Không rõ ẩn tình gì chăng khi chiều 10/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 tại Sư đoàn 317, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, ông đã nhấn mạnh rằng: “Không thể làm chính sách trong phòng lạnh”.

Phải chăng tiếp xúc cử tri “trực tuyến”, đến dự “trực tiếp” hội nghị ngân hàng là một biểu hiện của “chính sách trong phòng lạnh”?

#nguycơlâynhiễmcovid-19

- Quảng Cáo -