Nguyễn Huỳnh – (VNTB) – Ngày 10-5, Việt Nam ghi nhận 125 ca mắc Covid-19 trong nước và là ngày có số ca bệnh nhiều nhất từ trước đến nay.
***
Bộ Y tế tối 10-5 cho biết trong 7 giờ qua, Việt Nam phát hiện thêm 17 ca mắc mới Covid-19, trong đó 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh và 16 ca mắc ghi nhận trong nước đều là các ca ghi nhận trong khu vực đã được phong toả tại Hưng Yên (6), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1). Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 2.028 ca ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 458 ca.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã đưa ra nhận định là về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch.
Theo đó, có thể xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2; nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào.
Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố trong nước. Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng do thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời nên số ca nhiễm mới đều là F1 được cách ly từ trước, nguồn lây ra cộng đồng được ngăn chặn…
Theo các chuyên gia, biến chủng mới của virus Sars-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…, vì vậy việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ý kiến là các địa phương chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…
“Nguy cơ dịch toàn quốc hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn để ngăn chặn dịch bệnh”, người đứng đầu Chính phủ, ông Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu như vậy.
Cũng theo ông Chính, “Theo thống kê của các nhà khoa học, cứ 10 người vào viện điều trị trên một triệu dân thì được coi là nước có dịch. Việt Nam chưa tới mức độ như vậy nhưng nếu cứ lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, không tự giác thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng có dịch, phải giãn cách xã hội thì rất nguy hiểm”.
Phía Bộ Quốc phòng cho biết đã lên phương án tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, mở thêm các khu cách ly tập trung mới chuẩn bị cho với kịch bản 30.000 người mắc Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao triển khai các biện pháp phối hợp với lực lượng phía Campuchia trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát biên giới…
Về chiến lược chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ có một số nơi, một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược nhưng như các chuyên gia phân tích, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi.
Theo ông Đam, đầu tiên, phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như người tại trung tâm cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo rất cụ thể, bây giờ phải thực hiện thật nghiêm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó thủ tướng cho rằng, phải có khám, sàng lọc, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, các chỗ tập trung đông người.
Trong một kịch bản đang được hoàn thiện, hiện tại để giảm bớt lượng người, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển bớt bệnh nhân nội trú về tỉnh, còn lại khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, để bảo vệ lượng máu cho điều trị, Trung tâm Truyền máu khu vực phía Nam của Bệnh viện Chợ Rẫy được chia luồng đi riêng, để ngay cả trường hợp khi bệnh viện bị phong tỏa, hoạt động của nơi này không bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, nếu xảy ra bị phong tỏa, sẽ có khoảng 5.000 người buộc phải ở lại bên trong bệnh viện. Để chuẩn bị cho trường hợp không mong muốn này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị các phương án chia tua trực, quần áo, vệ sinh, thức ăn. Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho tất cả bệnh nhân có chỉ định điều trị nội trú.
Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây đều có phương án sắp xếp mọi chuyện để sẵn sàng ở lại bệnh viện nếu không may trường hợp bị phong tỏa – ví dụ như các bác sĩ, nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đồ dùng cần thiết trong vali để người nhà gửi vào nếu trường hợp bệnh viện bị phong tỏa.
Việt Nam đang rất căng thẳng về dịch bệnh Covid-19 nên mọi vấn đề liên quan đến chuyện ‘phản biện chính trị’ dường chừng đang là thứ yếu…
Leave a Comment