Sau khi gửi bản “Chương Trình Cải Cách Ruộng Đất” đến Stalin để xin chỉ dẫn, bắt đầu từ tháng Giêng năm 1953, Đảng và Nhà Nước phóng tay phát động quần chúng để thực hiện cuộc Cải Cách (long trời lở đất) ở miền Bắc Việt Nam.
Hệ quả (hay hậu quả) là hàng vạn nông dân bị hành hình. Tiếng kêu thương, rên xiết của nạn nhân vang lên đến tận Cửu Trùng nên đến tháng 2 năm 1956 thì Hội Nghị Trung Ương (lần thứ 9) ban hành lệnh sửa sai.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa I, Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ nhận mọi khuyết điểm. Người vừa nói vừa lấy khăn tay lau nước mắt khiến thiên hạ vô cùng xúc động, và quên hết những “sự cố đáng tiếc” đáng tiếc vừa qua.
Vậy là kể như … huề!
Vụ Cải Cách Ruộng Đất vừa tạm lắng thì nổ ra Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ngày 14 tháng 12 năm 1956, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh mới về báo chí, nghiêm cấm báo tư nhân. Phong trào này bị dập tắt vào tháng 6 năm 1958.
Sau đó, vài trăm văn nghệ sỹ bị đưa đi chỉnh huấn, lao động cải tạo. Vài chục bị rút phép thông công, bị bao vây kinh tế, và cô lập trong vài thập niên liên tiếp. Không ít kẻ còn vướng vào vòng lao lý, với tội danh bịa đặt, và những bản án nặng nề.
Đó là chưa kể “… đến cả chục ngàn ‘Nhân văn xóm’, ‘Nhân văn huyện’, ‘Nhân văn tỉnh’, những người bị bắt, bị giam, bị xét hỏi, bị ghi vào sổ đen… do đã tàng trữ, truyền tay, tán thành ủng hộ các tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm” (Thành Tín, sđd 161). [Thành Tín, Mặt Thật (Garden Grove, CA: Turpin Press), 1993,159).
Nửa thế kỷ sau, vào năm 2007, thánh đế (bỗng) hồi tâm. Bốn tác giả còn sống sót của Nhân Văn được trao tặng Giải Thưởng Nhà Nước. Mỗi người lãnh 60 triệu đồng VN (tương đương với cỡ USA 2,500 dollar) coi như một cách đền bù và tạ lỗi … bằng tiền.
Một trong những người nhận giải, nhà thơ Lê Đạt, tuyên bố: “Giải thưởng này là một cử chỉ đẹp.” Đẹp đến thế nên mọi chuyện cũ đều coi như là … chuyện nhỏ, và kể như … huề hết!
Mười ba năm sau, trong tinh thần đổi mới và hoà hợp hoà giải dân tộc, nhà nước CHXHCNVN lại vừa có thêm một “cử chỉ đẹp” (như mơ) nữa – theo bản tin của báo chí nước nhà (“Bàn Thảo Về Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam Trước 1975”) đọc được vào hôm 12 tháng 8 năm 2020 :
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Nguyễn Thế Kỷ nói ông đã giao cho một số thành viên của hội đồng nghiên cứu, sau đó có thể tổ chức các bàn tròn văn học, các hội thảo, tọa đàm về văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975…
Cái này hội đồng phải làm. Nhưng nhanh hay chậm, thuyết phục hay không thuyết phục thì cần năng lực, trách nhiệm, thái độ trách nhiệm với lịch sử, với đất nước, với nhân dân, làm sao để cởi bỏ những khúc mắc, hóa giải hận thù.
Thiệt là quí hoá!
Vậy là kể như thêm một chuyện đáng tiếc nữa cũng sắp huề tới nơi. Huề thì cũng tốt thôi nhưng riêng “dzụ này” thì tôi được chứng kiến từ A đến Z (lại gặp bữa rảnh rang, sáng giờ trưa có ai rủ nhậu) nên xin được phép thưa thốt đôi lời cho rộng đường dư luận :
Dù đất nước bị chia đôi nhưng tác phẩm của những tác giả ở bên kia chiến tuyến, kể cả những vị đang nắm giữ chức quyền, vẫn được tự do phổ biến ở miền Nam: Huy Cận, Văn Cao, Đoàn Văn Cừ, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Quang Dũng, Hoàng Giác, Tế Hanh, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Trần Hoàn, Vũ Đình Liên, Hữu Loan, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Lưu Hữu Phước, Thanh Tịnh, Anh Thơ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tý, Chế Lan Viên … Tất tần tật đều được in ấn và phát hành thoải mái. Chả có ai thắc mắc hay bận tâm chi về chuyện vùng miền hay quan điểm chính trị gì hết ráo.
Ấy thế nhưng vào năm 1975, ngay sau khi vừa đặt chân vào được miền Nam, phe chiến thắng đã vội vàng ra lệnh … phần thư :
– “Sách báo trên kệ sách trong nhà của tư nhân bị các thanh niên đeo băng đỏ lôi ra hỏa thiêu không thương tiếc. Tại các cửa hàng kinh doanh, sách báo bị thu gom để thiêu hủy, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp lẫn con người những cá nhân có liên quan…” (Nguyễn Ngọc Chính – “Góp Nhặt Buồn Vui Thời Điêu Linh: Đốt Sách”).
– Các cháu ngoan bác Hồ… quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.” (Nguyễn Văn Lục, “Sách cũ Miền Nam 1954 – 1975”).
Cùng lúc, quí vị trí thức (nhân sĩ, nhà văn, nhà báo) của bên thắng cuộc cũng cần mẫn ghi chép và hoàn thành những “công trình biên khảo” để đưa bọn cầm bút thuộc phe bại trận ra … trước toà án lương tâm & dư luận :
- Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy (2 tập) nhiều tác giả, NXB Văn Hóa 1977
- Nọc độc văn hóa nô dịch,Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 2 cuốn :
Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ, NXB TPHCM 1983
b. Lại bàn về nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ, NXB TPHCM 1987 - Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới,Hà Xuân Trường, NXB Sự Thật 1979
- Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy,Lê Đình Kỵ, NXB TPHCM 1987
- Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN,Lữ Phương, NXB Văn Hoá 1985
- Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa/ tư tưởng (2 tập) Nhiều tác giả, NXB Thông tin lý luận 1980
Cái đám “biệt kích” này, tất nhiên, bị “xử lý” tới nơi tới chốn. Lớp bị giam cầm vô thời hạn mà không cần qua một phiên toà nào ráo. Lớp được phóng thích để kịp về … chết tại nhà:
“Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè. Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm.” (Mai Thảo. Chân Dung. Westminster, CA: Văn Khoa, 1985).
Số còn lại thì đều bầm dập, te tua, tơi tả:
“Sau biến cố 75, Lê Xuyên cũng bị liệt vào hàng ngũ ‘biệt kích văn hóa’ và bị cộng sản nhốt tù 7 năm. Được tha ra khỏi tù, ông làm đủ mọi nghề không tên để kiếm sống, và công việc cuối cùng ông làm được nhiều năm, cho tới lúc chết là ngồi bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn…
Từ khi ra khỏi tù, Lê Xuyên sống không hộ khẩu, không được cấp bất cứ một thứ giấy tờ hộ thân gì, khi chết phải nhờ những người sống lâu năm trong xóm làm chứng mới xin được giấy khai tử để mang thiêu. (Nguyễn Đình Toàn. Bông Hồng Tạ Ơn, 2nd ed. Westminster, CA: T &T, 2012. Vol.2).
Hoàn cảnh của Trúc Phương, xem ra, còn tệ hại hơn nhiều – như chính ông tâm sự:
“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng… thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…”
Trong chương trình phát thanh “Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam,” nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam cho biết thêm: “Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.”
Dù vẫn còn tại thế e Trúc Phương cũng không có cơ hội để dự buổi toạ đàm (“Sự Trở Lại Của Văn Học Đô Thị Miền Nam”) vào ngày 19 tháng 4 vừa qua. Ban Tổ Chức làm sao gửi thiệp mời đến một kẻ vô gia cư, sống ở đầu đường xó chợ được chớ?
Mà lỡ có được ai quen biết nhắn tin về các buổi hội thảo (tọa đàm về văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975) chăng nữa, chưa chắc ông Nguyễn Thế Kỷ – Chủ Tịch Hội Đồng Lý Luận, Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật – đã đồng ý cho phép Trúc Phương đến tham dự với đôi dép nhựa dưới chân.
Tâm địa thì ác độc, lòng dạ thì hẹp hòi (chắc chỉ nhỏ như sợi chỉ hoặc cỡ cây tăm là hết cỡ) mà tính chuyện hoà hợp hay hoà giải thì hoà được với ai, và huề sao được chớ!
Tưởng Năng Tiến
5/2021
Leave a Comment