Cánh Cò – RFA
Ai cũng biết người cộng sản rất tự hào họ được những gia đình cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã nuôi dưỡng, giúp đỡ họ chiến thắng và kiểm soát đất nước trong nhiều chục năm qua. Khuôn mặt chung của những gia đình được gọi là cách mạng là có con theo kháng chiến, gia đình ở lại làm hậu cứ cho cách mạng bằng cách tuyên truyền, kháng cự, vận động thậm chí cầm súng chống lại chính phủ thời Pháp hay thời đệ nhất và đệ nhị VNCH.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, người dân những tưởng hình ảnh gia đình cách mạng sẽ không còn trong thời bình nữa, nhưng với tính chất toàn trị, người cộng sản đã và đang tái lập những “gia đình cách mạng” thời mới, thời mà mọi áp bức của chính quyền cũ đã đi vào quá khứ nhường lại mảnh đất khô cằn dân chủ cho chính quyền mới, một chính quyền luôn tự hào của dân, do dân và vì dân.
Những gia đình cách mạng đúng nghĩa này được sinh ra từ chính sách đất đai của chính quyền mới, chính sách được định nghĩa đậm mùi cộng sản và nằm chễm chệ trên hiến pháp: “đất đai được sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”.
Toàn dân sở hữu nhưng phải được nhà nước đóng dấu “quản lý” trên những phần đất mà họ đã làm chủ từ trước khi bị giải phóng, hay suốt thời gian chiến tranh mà trên phần đất ấy gia đình họ đã đổ xương máu ra khai phá, gìn giữ và sản xuất hạt gạo cho chiến tranh giải phóng. Nhà nước đã quản lý rất tốt để đến nỗi hầu hết những vuông đất nông nghiệp màu mỡ của họ trở thành tài sản riêng của tập đoàn này, doanh nghiệp nọ…còn người dân mất đất dần dà trở thành người dân oan, chống đối trong vô vọng và mọi kêu cứu của họ với chính quyền như hạt muối giữa đại dương.Nơi nào có bất công, nơi ấy có tranh đấu. Vậy là những gia đình cách mạng bất đắc dĩ được hình thành.
Nếu kể riêng từng gia đình một thì có lẽ phải cần một cuốn sách mới liệt kê đầy đủ nạn nhân mất đất trong thời bình, tuy nhiên ba vụ điển hình nhất đã đi vào lịch sử và vẫn còn đọng lại trong trí nhớ lẫn sự thương cảm của người dân là vụ án gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, gia đình cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm và gia đình bà Cấn Thị Thêu ở Dương Nội. Cả ba vụ án đều từ đất đai mà ra và cả ba vụ đều được cả gia đình tập hợp lại để chống đối sự trí trá, giả tạo và lừa dối của chính quyền đối với gia đình, hàng xóm của họ.
Nếu anh em nhà Đoàn Văn Vươn gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ trực tiếp chống lại lực lượng công an lẫn quân đội trong cái mà tướng công an Đỗ Hữu Ca gọi là “trận đánh đẹp” thì trong vụ án Đồng Tâm cụ Lê Đình Kình bị bắn bỏ và cả gia đình cụ bị tru di theo hình thức giam giữ gồm Lê Đình Công, Lê Đình Chức và hai cháu nội Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy theo lệnh của Đảng.Gia đình cách mạng thứ ba hiện vẫn còn gây xáo động dư luận là gia đình bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương đang bị giam giữ và sáng hôm 5 tháng 5 đã bị kêu án tại một phiên tòa không có công lý hiện diện.
Nếu Đoàn Văn Vươn đấu tranh cho tài sản, mồ hôi nước mắt của cả gia đình bỏ vào đầu tư tại Cống Rộc bị nhà nước bắt ép phải giao trả thì gia đình của cụ Lê Đình Kình không những chỉ tranh đấu cho riêng phần đất của mình bị nhà nước đòi giao nộp mà còn là người đại diện cho dân oan cả làng Mỹ Đức Đồng Tâm chống lại sự đàn áp của chính quyền vì miếng đất mà cả đời họ đã bỏ công ra khai phá.
Với gia đình bà Cấn Thị Thêu tuy chưa ai đổ máu như nhà cụ Kình nhưng không ai dám chắc rằng họ sẽ không bị trả thù trong nhà giam với bản án mới nhất dành cho hai mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư lên đến 16 năm tù giam. Mà họ tội gì đến nỗi phải nhận một bản án kinh hoàng đến vậy. Xin thưa, họ có tội vì là “gia đình cách mạng” thời cộng sản.
Họ không cầm súng chống lại chính quyền nhưng họ góp sức vào tiếng nói đấu tranh của hàng trăm gia đình tại Dương Nội đã và đang vật vã chống lại áp bức của nhà nước. Vũ khí của gia đình họ là tiếng nói, là phát biểu trên những gì mà họ có, là thái độ hiên ngang trước tòa án và sức ảnh hưởng của họ với 350 gia đình người dân Dương Nội không thể đo lường cho hết.
Tướng độc nhãn Moshe Dayan của Israel từng tuyên bố muốn thắng cộng sản phải để cộng sản chiến thắng (*). Sự thật ấy ngày nay đã được minh chứng, hầu hết những gia đình cách mạng nổi tiếng thời @ đều xuất thân là cách mạng nòi, và sau khi biết được bộ mặt thật của cộng sản thì họ đã trở thành ngọn cờ đầu vạch trần những gì mà cộng sản đã che giấu trong suốt hơn 70 năm qua.
Nếu những gia đình cách mạng thời xưa từng được báo chí dòng chính tuyên truyền không mệt mỏi nhưng không lôi kéo được người dân thì những gia đình cách mạng thời @ không ngớt lấy đi sự kính trọng, lòng căm phẫn, nỗi tiếc thương của người dân đối với họ. Mạng xã hội là phương tiện truyền đi những việc họ đã làm cho một vùng đất mới trong tương lai, vùng đất được tạo nên từ những năm tù tội, những xương những máu đổ ra và mồ hôi nước mắt cùng với máu ấy sẽ vĩnh viễn làm cho lý tưởng cộng sản sụp đổ, không chóng thì chày.
- canhco’s blog
(*) CTMM: May cho nước Do Thái không phải thử nghiệm câu nói này của Moshe Dayan!
Leave a Comment