Tôi tên là Thắng, sinh ở Hà Nội năm 1975. Trên toàn cõi miền Bắc này vào cái năm ấy dễ phải đến hàng chục ngàn đứa trẻ sinh ra được đặt tên là Thắng. Khi học phổ thông, ngay trong lớp tôi lúc nào cũng có độ bốn năm đứa cùng tên là Thắng.
Toàn Thắng.
Chiến Thắng.
Đức Thắng.
Minh Thắng.
Quyết Thắng.
…
Đến khi thi đại học, số người tên là Thắng phải bố trí đến 2 phòng mới đủ được. Nhắc đến chuyện đó để các bạn thấy rằng đã có lúc sự kiện 30/4/1975 là niềm tự hào của rất nhiều gia đình, nhất là ở miền Bắc.
Nhưng rồi khi Việt Nam mở cửa, internet xâm nhập, những luồng thông tin khác lạ từ thế giới, đặc biệt là từ cộng đồng người Việt hải ngoại đã đem đến một nhận thức mới cho những người ở trong nước.
Tuy nhiên trước các thông tin ồ ạt từ bên ngoài, không phải ai cũng đủ thời gian hay cơ duyên để thẩm thấu hết các sự kiện đó. Đặc biệt là những người trẻ, những người còn phải cắm mặt vào sách vở nhà trường hay lo mưu sinh kiếm sống hàng ngày. Vì thế chúng ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ tham gia vào việc chửi bới đe doạ những ý kiến trái chiều với truyền thông nhà nước.
Làm thế nào để những người trẻ hiểu đúng về lịch sử, về những sự kiện đang còn bị che giấu? Tôi cho rằng cần phải có phương pháp đúng.
Một là, đừng chửi rủa những bạn trẻ đang còn nhận thức chưa tới. Hãy đặt câu hỏi về sự khác biệt của kết quả giữa các mô hình nhà nước. Ví dụ như Bắc và Nam Triều Tiên… Cuba… các quốc gia tách khỏi Liên bang Xô Viết…
Hai là, cung cấp các tài liệu chân thực về các sự kiện ngoài phạm vi của cuộc chiến tranh Nam Bắc, ví dụ như các phong trào đấu tranh chống đô hộ của thực dân Pháp; số phận của các đảng phái lúc đầu tham gia chính phủ của ông Hồ Chí Minh năm 1945; cải cách ruộng đất; nhân văn giai phẩm; chống xét lại; cuộc chiến chống Trung Quốc 1979; cuộc chiến ở Campuchia; hội nghị Thành Đô; các vấn đề về Trường Sa – Hoàng Sa…
Ba là, kêu gọi sự công nhận việc hi sinh xương máu của cả hai bên chiến tuyến, không phân biệt Bắc Nam; thúc đẩy sáng kiến để bù đắp và hoà giải cho những nạn nhân sau cuộc chiến, bất kể là phe nào!
Triết gia người Mỹ George Santayana đã viết rằng: “Những kẻ không thể nhớ nổi quá khứ sẽ bị buộc phải lặp lại nó”. Càng hiểu biết về quá khứ, bạn càng sẵn sàng chặn đứng những điều tồi tệ trong tương lai. Nhưng chỉ mình bạn là chưa đủ, nếu tất cả hiểu rõ quá khứ chúng ta có thể ngăn ngừa thảm hoạ cho dân tộc này.
Yêu thương tất cả!
Leave a Comment