Phạm Phú Khải – VOA
Nhân ngày 30 tháng Tư năm nay, tôi đã liên lạc sáu bạn trẻ, đều là những người quan tâm sâu xa về các vấn đề Việt Nam. 2 bạn sinh ra và lớn lên từ miền Bắc, 4 sinh ở miền Trung, nhưng có 2 bạn sống phần lớn ở miền Nam.
Onyx thuộc thế hệ Z, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thập niên 2000s; đang sống và học tập tại nước ngoài.
Thảo Nguyên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thập niên 1990s, học luật; một nhà hoạt động đấu tranh cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam.
Nguyễn sinh ra tại miền Trung Việt Nam, thập niên 1990s; đang sống và học tập tại nước ngoài.
Đặng Quân sinh ra tại miền Trung Việt Nam, thập niên 1970s; một Blogger của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền; đang sống và làm việc trong nước.
Nhất Tâm sinh ra tại miền Trung Việt Nam, thập niên 1990s; một người hoạt động dân quyền trong nước.
Trung Nguyen sinh ra tại miền Trung Việt Nam, thập niên 1980s; một người hoạt động dân chủ trong nước.
Tôi đã hỏi 6 bạn bốn câu: một, các bạn có nghĩ giới trẻ nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử này không; hai, thái độ của các bạn ra sao trước những phức tạp của vấn đề gặp phải; ba, có nhu cầu hòa giải giữa người Việt với nhau không; bốn, đâu là bài học thích hợp đối với giới trẻ về tiến trình hòa giải cho dân tộc.
Câu trả lời của các bạn tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có cách nhìn ở góc độ khác nhau. Đặng Quân thì chia sẻ rất chi tiết các trải nghiệm của mình, như một thầy giáo. Nhất Tâm thì nhìn vấn đề thực tiễn của một người chuyên về vận hành. Onyx thì chia sẻ rất nhiều cảm xúc khi được tiếp cận với một không gian mới. Nguyễn thì vừa sâu sắc vừa thực tiễn: nếu không hiểu vấn đề thì làm sao giải quyết nó. Trung Nguyen đi thẳng vào vấn đề và đặt câu hỏi ai mới là người phải có trách nhiệm trước các vấn đề quốc gia hôm nay. Thảo Nguyên thì rất thẳng thắn và độc lập trong mọi vấn đề tiếp cận.
Có bạn trả lời ngắn, có bạn trả lời dài. Tôi định rút ngắn một số câu trả lời để độ dài không quá chênh lệch, nhưng nghĩ lại thấy có nhiều trải nghiệm cá nhân khá lý thú, nên để nguyên như vậy. Tôi chia bài ra làm hai kỳ để quý bạn đọc dễ theo dõi.
Câu hỏi số 1: Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã xảy ra cách đây 46 năm. Theo bạn, thế hệ trẻ sinh sau biến cố này có nên hay không tìm hiểu về biến cố lịch sử này? Tại sao?
Các bạn đều đánh giá cao về tầm quan trọng của việc tìm hiểu lịch sử, kể cả sự kiện 30 tháng Tư. Quá khứ, hiện tại và tương lai gắn liền chặt chẽ với nhau. Riêng Onyx thì cho rằng những gì học từ môn sử trong nước chẳng để lại gì trong mình, còn những gì được tiếp cận để lại dấu ấn trong lòng. Nguyễn quan niệm không nên tránh né lịch sử, dẫu có buồn đến mấy.
Thảo Nguyên: Trước hết tôi không muốn gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là “biến cố”. Mỗi người sẽ có những cách gọi khác nhau về sự kiện này. Đối với bên thắng cuộc thì gọi ngày này là “Ngày Giải phóng độc lập”. Đối với bên thua cuộc thì gọi ngày này là “Ngày Quốc Hận”. Còn đối với tôi- một người trẻ sinh sau ngày 30/4/1975, tôi chỉ coi ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử. Tôi gọi như vậy bởi vì tôi không được tham dự vào sự kiện này, tôi chỉ nghe các thế hệ đi trước hoặc bên thắng cuộc kể lại. Do đó, tôi chưa có những đánh giá khách quan, toàn diện, đúng đắn để đặt một cái tên phù hợp nhất cho sự kiện ngày 30/4/1975.
Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau biến cố này nên và cần tìm hiểu về sự kiện 30/4/1975. Bởi tôi cho rằng đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu “bước ngoặt” của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nói riêng cũng như vận mệnh của đất nước và tương lai dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó, các bạn trẻ quan tâm đến chính trị có thể học được những bài học thành công và thất bại từ cả hai bên Cộng sản miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài ra, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tự do, non trẻ. Các bạn sẽ biết được về những mặt tích cực, hạn chế của thể chế chính trị dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hoà có thể không phải là một thể chế chính trị hoàn hảo nhất nhưng ít nhất người dân sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cũng đã từng được hưởng không khí của nền tự do thực sự, trong đó có quyền lập hội và quyền biểu tình – những quyền mà ngày nay, chúng ta bị chính quyền hạn chế tối đa.
Đặng Quân: Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau năm 1975 cần phải tìm hiểu kỹ biến cố lịch sử này. Chính nhờ lịch sử mà các thế hệ nối tiếp học được các bài học thành bại của quá khứ. Lịch sử là tấm vé một chiều, không thể có chuyện vãn hồi dĩ vãng; nhưng giới trẻ buộc phải nhìn về quá khứ để rút ra bài học xương máu và cũng là dùng lịch sử làm nền tảng suy tư và hành động trong thời hiện tại.
Một thế hệ trẻ không biết gì về lịch sử nước nhà là coi như mất gốc. Đặc biệt là ngay trong biến cố chỉ mới xảy ra cách đây 46 năm. 46 năm chả là gì nếu so với dòng lịch sử. Nhưng xét trong đời người nó đã là một chặng đường dài. Và nó đã trực tiếp và ít nhiều liên hệ đến cuộc đời của chính ông bà, cha mẹ và anh chị em trong gia đình mình. Bỏ qua không tìm hiểu hoặc chỉ lười biếng không nghiên cứu kỹ, chỉ nghe theo thông tin một chiều và sai sự thật, mà không chịu xét lại lịch sử theo nhiều góc cạnh khác nhau, phân tích, nhận định và so sánh với các biến cố tương tự đã diễn ra với các nước khác cũng là sai lầm to lớn. Bởi vì muốn rút ra bài học lịch sử chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là đối với hiện tình chính trị Việt Nam.
Nhất Tâm: Một nhà văn Mỹ đã nói rằng: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai.”. Người Việt đã trải qua nhiều cuộc nội chiến khác nhau trong lịch sử nhưng Biến cố 30 tháng 4 là một sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư và cảm xúc của bất cứ ai quan tâm đến hiện tình đất nước. Có thể nói người Việt chỉ có thể phát triển toàn diện khi ký ức về cuộc biến cố này được khai thông.
Onyx: Mình nghĩ mình may mắn khi có trí nhớ không tốt vì khi học lịch sử ở trong nước, dù sách giáo khoa và giáo viên Lịch Sử đều có giọng điệu huy hoàng tới đâu, thì mình cũng không thể nào nhớ gì về “câu chuyện của các cụ” (tức môn lịch sử) đã được truyền dạy.
30 tháng Tư năm 1975 là một sự kiện mà mình phải đi ra khỏi nơi vùng an toàn ấm êm của mình ở Việt Nam để được biết thêm những mảnh ghép khác của câu chuyện. Đằng sau những từ ngữ hào nhoáng của phía thắng cuộc trong các cuốn sách họ viết cho thế hệ về sau là bao nhiêu thương tổn, hiu quạnh tâm hồn của bên chịu mất mát, thiệt thòi. Câu chuyện của họ chạm tới mình nhiều hơn những gì giáo viên Lịch sử bắt mình thuộc lòng để kiểm tra.
Trung Nguyen: Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau năm 1975 rất nên tìm hiểu về lịch sử của dân tộc nói chung, cũng như lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc nói riêng. Khi hiểu quá khứ của dân tộc thì chúng ta mới hiểu được hiện tại của dân tộc, và từ đó mới có thể có hành động để định hình tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.
Biến cố 30/4/1975 là một sự kiện vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến hiện tại của dân tộc, đến tư duy của người Việt trong nước lẫn hải ngoại, đến chính sách của đảng cộng sản cầm quyền. Do đó, người trẻ càng nên tìm hiểu về sự kiện này.
Nguyễn: Nếu mỗi cá nhân thường coi những trải nghiệm trong quá khứ là bài học cho chính họ ở hiện tại và tương lai, thì mỗi quốc gia cũng cần gìn giữ trang sử của riêng nó – trước nhất là để đừng lặp lại sai lầm, và sau nữa là để tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng.
Bốn mươi sáu năm có thể được coi là dài với một đời người, song chỉ như một tích tắc đối với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc-quốc gia. Rõ ràng, những vết thương từ cuộc nội chiến 1954-1975 vẫn chưa hề được chữa lành, nếu không muốn nói là đã bị phớt lờ và rồi dần trở nên lở loét qua nhiều thế hệ. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt thận trọng khi tôi gọi “ông Hồ Chí Minh” thay vì “Bác Hồ”. Đứa em tôi nhíu mày, rồi lặng lẽ unfriend, khi thấy một người bạn đăng lên Facebook hình xe tăng kỷ niệm ngày “giải phóng”. Có những biểu hiện của sự đứt gãy như thế, tuy âm thầm, nhưng đã luôn đẩy chúng tôi – những đứa trẻ sinh vào thời bình – ra xa nhau.
Ai sẽ là người chữa lành những vết thương đó, nếu không phải là người trong cuộc? Cần phải tìm biết chuyện gì đã xảy ra trước đã. Không có lý do gì để chúng ta né tránh lịch sử, dẫu đó có là một trang sử rất buồn.
Câu hỏi số 2: Chiến tranh Việt Nam là một sự kiện chính trị/lịch sử khá phức tạp. Không dễ gì để tìm hiểu về nó một cách khách quan, trung thực, hay đầy đủ, cho dầu có muốn. Bạn đã làm gì, và chọn thái độ nào, về vấn đề này trong những năm qua?
Hầu như tất cả các bạn đều thấy được sự phức tạp của sự kiện 30 tháng Tư. Nguyễn nghĩ rằng khi viết sử nên tránh thao túng cảm xúc con người. Đặng Quân phải thường xuyên nhờ cậy vào gia đình lúc còn bé để thấu hiểu được các khía cạnh của môn sử được dạy ở trường. Trung Nguyen phải tiếp cận nhiều nguồn khả tín khác nhau. Onyx thì quan niệm cần tiếp cận lịch sử một cách toàn diện. Còn Thảo Nguyên biện luận cần phải đọc với óc phán xét, tư duy độc lập và phản biện.
Nguyễn: Tôi nghĩ ít ai dám nhận rằng họ hiểu về cuộc chiến này một cách vẹn toàn.
Quả vậy, những trang sử viết về cuộc nội chiến 1954-1975 dẫu đang được nhiều bên nỗ lực lấp đầy, song hãy còn rải rác và khó tìm đọc một cách đầy đủ, nhất là trong bối cảnh giáo dục lịch sử ở nhà trường bị kiểm duyệt và sửa đổi thành ra méo mó. Ấy là chưa kể, dù tôi đã lục lọi khắp nhiều thư viện từ Bắc chí Nam, vẫn khó lòng tìm ra những tài liệu dám thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Những cuốn hồi ký của nhiều cây viết hải ngoại, có lẽ, đã giúp lấp dần vào chỗ hổng kiến thức lịch sử của thế hệ tôi, những người sinh sau đẻ muộn. Song lối kể chuyện tường thuật của nhiều tác giả không tránh khỏi khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, mà tôi e rằng không phải là một điều kiện tốt cho việc tìm hiểu lịch sử – bởi bên cạnh mặt lợi là chúng cho phép ta tưởng tượng và trải nghiệm những gì đã diễn ra trong quá khứ, thì chúng cũng có khả năng thao túng cảm xúc con người. Trong vai trò một độc giả, tôi không là ngoại lệ. Dầu cố gắng giữ cho bản thân một thái độ khách quan, song tôi nhận ra rằng ý muốn này dần trở nên phi thực tế, khi tôi đọc phải những câu chuyện đau thương và đầy phẫn uất về những gì mà người Việt đã đối xử với nhau và về thân phận của chính người Việt mình.
Đặng Quân: Tôi sinh ra và lớn lên giữa những cảnh tem phiếu, đói ăn dẫu cho tất cả các thành viên gia đình phải đầu tắt mặt tối. Bản thân tôi từ lớp 4 đã phải phụ các chị lo việc nhà, tưới rau lang trồng quanh nhà để có thêm bát canh cho mỗi bữa ăn vốn chỉ toàn những thứ ngày nay dành cho gia súc… Lớp 6, tôi đã phải một buổi đi học, một buổi đi đóng sách cho một tiệm đóng sách gần nhà, may lại những tờ giấy thừa đóng lại thành tập bán cho người mua.
Và tôi được bà ngoại, ba mẹ, các anh chị lớn trong gia đình kể lại những thời khắc trước trong và sau năm 1975. Trước những lời chứng của người thân trong nhà, và diễn biến sự việc tôi phải đi làm sớm luôn đặt tôi vào cuộc sống hiện tại với nhiều thắc mắc: tại sao các bạn bè con cán bộ quan chức có xe đạp, xe máy để đi học, áo mới để mặc? Các bạn ấy chả bao giờ có vẻ thiếu ăn, luôn trông có da có thịt, riêng con nhà có đạo và con ngụy quân ngụy quyền chúng tôi luôn rách rưới, áo lò xo, quần thủng lỗ chỗ, đứa nào cũng gầy còm, đen đủi… đi học mong cho hết giờ về đi làm.
Tôi đã không ngừng hỏi bà ngoại và được bà kể cho nghe nhiều chuyện thật hay về cuộc sống trước đây. Mỗi khi kể như thế, bà tôi phải hạ thấp giọng, nói thủ thỉ đủ nghe. Tôi đã quyết tâm tìm hiểu thêm, thế nhưng suốt thời trẻ, tôi chỉ biết được biến cố thống nhất Nam Bắc qua lời kể trực tiếp từ chính những người trong gia đình và các giờ lịch sử ở trường học. Hai nguồn thông tin đều trái ngược nhau: lời kể và sách vở từ nhà trường khiến tôi bối rối. Học được điều gì về lịch sử năm 1975, tôi đều về hỏi lại bà và ba mẹ. Nhờ đấy, tôi nhận ra một điều rằng chả có nhiều sự thật trong các sách giáo khoa tôi được học. Chính người thân yêu trong gia đình tôi, những nhân chứng sống đã xác nhận điều đó. Và tôi quyết định phải tìm hiểu kỹ lưỡng về bối cảnh lịch sử, diễn biến sự kiện năm 1975 ra làm sao và rút ra những kết luận cho cá nhân mình.
May mắn hơn là sau này, tôi được tiếp cận và đọc thêm các sách vở hải ngoại để hiểu rằng: Một miền Bắc nghèo khổ đã xóa sổ một nền kinh tế miền Nam tiếp cận được với đời sống khoa học, kỹ thuật hiện đại và phát triển của thế giới. Một nền dân chủ bị xóa sổ khỏi miền Nam để rồi cả dân tộc Việt Nam phải chịu ý thức hệ cộng sản độc tài áp chế. Mọi quyền lợi chính đáng của người dân không được tôn trọng… Những hộ khẩu, khai tạm trú tạm vắng, công an, các tổ chức đảng, đoàn, đội chỉ là những tổ chức theo dõi người dân sát sao, không cho bất cứ ai được tự do đi lại; hoặc kềm kẹp, kiểm soát những ai tỏ ý chống đối.
Hiển nhiên, tôi biết rằng trước sau gì, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng, nhưng những người trẻ cần phải tìm hiểu và dành thời gian cho biến cố lịch sử năm 1975 này. Đó là một phương thế giúp hiểu và hành động nhanh chóng hơn trong thời hiện tại. Người trẻ cần làm gì để biến cố ấy không trở thành dĩ vãng chợt nhớ chợt quên hoặc chỉ để hoài niệm. Nhưng nó phải là một cú hích để người trẻ đưa đất nước đi theo đúng quỹ đạo dân chủ, tự do và phát triển chung trên thế giới, chứ không thể mãi sống trong thể chế độc tài, độc đảng nắm giữ mọi vận mệnh dân tộc với mọi thứ tham nhũng, cửa quyền và chà đạp con người.
Nhất Tâm: Tôi chọn thái độ quan sát và tự tìm hiểu các tài liệu liên quan đặng rút ra các bài học cho tương lai. Đây cũng là chủ đề tôi thường xuyên sử dụng làm case study trong các buổi thảo luận với các nhóm bạn trẻ đặng mở ra một góc nhìn toàn diện nhất có thể.
Onyx: Mình không nhớ ngày tháng năm hay chi tiết cụ thể và thứ tự xảy ra của các sự kiện lịch sử ra sao. Nhưng mình nhớ sự tò mò lặp lại của mình mỗi lần mình đọc về các chiến công, các anh hùng và các cụm từ miêu tả chiến thắng như “oanh tạc”, “lừng lẫy”, “vẻ vang” trong sách giáo khoa Lịch Sử. Những câu chuyện và sự tò mò lặp lại đó không vương vấn trong đầu óc mình những tháng năm lớn lên ở Hà Nội vì dù chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ đi chăng nữa, tốt đẹp hay xấu xa thì mình cũng đang ở đây, lớn lên tại Hà Nội, Việt Nam mà mình biết quý trọng vì được sinh ra. Cho tới khi mình đi du học.
Câu chuyện của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, của những thanh thiếu niên đang độ đi học, làm việc vì đam mê ở một đất nước cùng tên Việt Nam khác mà mình không hề được biết tới. Những cái tên, những ước mơ, những mảnh đời của những người Việt Nam bị trùm lên bằng những ngôn từ đắng ngắt như “Lính Ngụy”, “phản động”, “ba sọc” làm mình giận tím người. Giận vì mình bị nói dối và giận vì người lớn không dám nói cho bọn nhỏ mình sự thật. Giận vì hằng năm khi mình và gia đình được nghỉ ở nhà vào ngày 30 tháng Tư thực ra không phải là “Ngày Giải Phóng Miền Nam”.
Có thể trí nhớ mình không tốt nhưng mình sẽ nhớ lí do tại sao mình giận. Giận và thương.
Vậy nên mình mong các bạn bằng tuổi mình, là lứa sinh sau các xích mích của thể hệ trước, tìm hiểu về những gì đã xảy ra vì câu chuyện sẽ không thể nào đầy đủ được nếu chỉ nghe từ một phía. Nhất là khi cả hai phía đều là người Việt, câu chuyện này càng phải được tiếp cận một cách toàn diện, quang minh hơn.
Trung Nguyen: Để tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, tôi luôn cố gắng đọc càng nhiều sách và càng nhiều bài viết càng tốt từ càng nhiều bên tham gia càng tốt để có được cái nhìn đa chiều. Tôi đặc biệt chú trọng đến việc đọc sách của các nhà khoa học như chính trị học, sử học,… vì những người làm khoa học đã được đào tạo để sưu tầm tư liệu và có cái nhìn càng khách quan càng tốt về vấn đề nghiên cứu. Tôi cũng tiếp xúc với càng nhiều người ở tất cả các bên càng tốt để nghe họ kể lại cuộc đời của chính họ.
Về sách khoa học thì tôi hay đọc sách của giáo sư Tường Vũ đại học Oregon, giáo sư Lê Xuân Khoa,… Trước đây tôi có đọc nhiều tư liệu trên trang talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài, rồi các sách của các bác Bùi Tín, Vũ Thư Hiên,…
Sau khi tìm hiểu thì tôi có quan điểm rõ ràng rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc đi theo hai chủ thuyết chính trị khác nhau, lồng trong đó là cuộc chiến giữa hai khối tư bản (tự do, dân chủ) và khối xã hội chủ nghĩa (độc đảng toàn trị) trên bình diện thế giới.
Thảo Nguyên: Tôi chọn thái độ khách quan, tư duy độc lập trong mọi vấn đề khi tìm hiểu về các sự kiện chính trị/lịch sử của Việt Nam. Từ ngày nhỏ đến giờ, tôi không bao giờ tin hết tất cả những gì sách giáo khoa lịch sử viết vì đây là sách do bên thắng cuộc kể lại. Lớn lên khi quan tâm chính trị, lịch sử Việt Nam, tôi đọc nhiều, nghe nhiều những bài phân tích về lịch sử, chính trị từ những thế hệ đi trước đến những chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tôi không tin ai hoàn toàn khi chưa tự tìm hiểu, so sánh, đối chiếu để tự đánh giá về tính đáng tin cậy từ những nguồn tin tôi có được.
Tôi cho rằng, đôi khi những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy chưa chắc đã đúng chứ đừng nói đến việc nhận định những vấn đề lịch sử, chính trị xảy ra từ lâu. Do đó, khi đánh giá bất cứ một vấn đề gì, tôi khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, biết suy nghĩ và hành động độc lập.
Xin mời quý vị xem phần hai vào bài tới.
Leave a Comment