Một dự thảo tuyên bố được lưu hành một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về cuộc khủng hoảng Myanmar có nói về việc phóng thích các tù nhân chính trị và đó là một trong những điểm “đồng thuận”, theo ba nguồn thạo tin biết về tài liệu này.
Nhưng trong tuyên bố cuối cùng vào cuối cuộc họp hôm 24/4, ngôn ngữ về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị đã bất ngờ bị loại bỏ và không có lời kêu gọi mạnh mẽ về việc trả tự do cho họ, hai trong số các nguồn tin cho biết.
Việc không có quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này đã gây thất vọng cho các nhà hoạt động nhân quyền và những người phản đối cuộc đảo chính, làm dấy lên những lời chỉ trích của họ rằng cuộc họp đã đạt được ít kết quả nhằm kiểm soát các nhà lãnh đạo quân nhân của Myanmar.
Các nhà hoạt động theo dõi tình hình ở Myanmar cho biết rằng 3.389 người đã bị quân đội bắt giữ trong các cuộc trấn áp những tiếng nói phản đối kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai, và gần 750 người đã thiệt mạng.
“Sự đồng thuận 5 điểm” trong tuyên bố của chủ tịch ASEAN khi kết thúc cuộc họp của hiệp hội này không đề cập đến việc trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, tuyên bố đề cập riêng rằng hội nghị thượng đỉnh “đã lắng nghe những lời kêu gọi” trả tự do cho họ. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo chính quyền quân nhân Myanmar Min Aung Hlaing.
Trong số những người bị quân đội bắt giữ có bà Aung San Suu Kyi, sau khi đảng của bà giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước cuộc đảo chính, cũng như tổng thống dân cử của Myanmar và các nhà lập pháp khác.
Sau hội nghị thượng đỉnh, xuất hiện sự trái quan điểm vì một số nhà lãnh đạo và ngoai giao có bình luận về việc đã đạt được sự đồng thuận về chuyện kêu gọi thả các tù nhân chính trị.
Hai nguồn tin, vốn đã xem bản thảo các điểm đồng thuận và yêu cầu được giấu tên, nói với Reuters rằng họ rất ngạc nhiên khi ngôn ngữ đã được thay đổi, nhưng không cho biết nó được thay đổi như thế nào và khi nào. Reuters cho biết chưa thấy bản thảo.
Không có phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận của Reuters từ Bộ Ngoại giao Brunei, nước chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, đêm 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN.
Phía Việt Nam cho biết rằng “lãnh đạo các nước ASEAN đều bày tỏ quan ngại cho rằng tình hình đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh mạng của người dân, yêu cầu các bên kiềm chế, chấm dứt sử dụng vũ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm giải pháp hòa giải, hòa bình, ổn định cho tương lai của Myanmar”.
“Các Nhà Lãnh đạo nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò và tận dụng các cơ chế sẵn có để hỗ trợ Myanmar, trên tinh thần đoàn kết ASEAN và không can thiệp vào công việc nội bộ, nhưng cũng không bỏ rơi Myanmar trong lúc khó khăn; cụ thể là cử đại diện của ASEAN tới Myanmar tìm hiểu tình hình, tiếp xúc với các bên liên quan, đề xuất cách thức, tìm kiếm biện pháp thúc đẩy đối thoại, hòa giải thực chất và bao trùm”, theo VGP News.
Leave a Comment