Cửu Long – (VNTB) – Đầu tháng Năm, toà án tỉnh Hoà Bình sẽ mở phiên toà xử sơ thẩm bà Cấn Thị Thêu và con trai của bà là Trịnh Bá Tư, với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’, quy định tại Điều 117 của Bộ Luật Hình sự.
***
Gia đình bà Thêu, một gia đình thuần nông dân ở Dương Nội, Hà Nội, bị mất đất sau khi nhân danh Nhà nước để ‘quy hoạch’ cho ‘dự án phát triển đô thị’. Họ đã đi khiếu kiện hàng chục năm sau khi thu hồi đất cho dự án, và trở thành những người nông dân ‘bất đồng chính kiến’.
Bà Thêu cùng con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư đã dùng mạng xã hội để lên tiếng về các vấn đề đất đai, và các vụ việc khác mà họ cho là bất công trong xã hội.
Không ít người liên tưởng gia đình bà Cấn Thị Thêu đến bộ phim từng chiếu trên truyền hình Sài Gòn với tên Việt ngữ là “Jacquou, người nông dân nổi dậy” (tiếng Pháp: Jacquou le Croquant). Đây là bộ phim sử thi của điện ảnh Pháp sản xuất từ năm 2005, công chiếu từ tháng Giêng năm 2007, dài 150 phút, được đề cử hai Giải César. Bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Eugène Le Roy. Phim do Laurent Boutonnat đạo diễn, nói về lịch sử Pháp từ 1815.
Một nhà phê bình điện ảnh ở Sài Gòn phân tích rằng chữ ‘Croquant’ vừa có nghĩa là nông dân, vừa có nghĩa chỉ nông dân nổi dậy dưới triều Henri IV và Lui XIII, và cả thời gian sau đó.
Tại Nga, tên phim được dịch là “Người nghèo trả thù” hay “Jacquou báo thù” (Месть бедняка), hay “Jacquou nghèo khổ” (Жак – бедняк).
Trong khi đó tại Trung Quốc, phim được dịch ra các tên khác nhau: 乡巴佬雅克 hoặc 乡下人雅克 hoặc 乡巴佬雅古.
Cái tên 乡巴佬雅克 có nghĩa “Jacquou quê mùa”, 乡下人雅克 có nghĩa là “Người nông dân Jacquou”.
Trên thực tế từ ‘Croquant’ lấy từ các cuộc nổi dậy của nông dân năm 1594-1595, từ ngôi làng Crocq, vùng Creuse, Nouvelle-Aquitaine; sau này là cuộc nổi dậy năm 1637 tại Angoumois và Perigord (liên quan đến các địa danh Bergerac, Sauvetat d’Eymet, Monpazier, Abzac, Saint-Mayme de Pereyrols,…), chống thuế.
Tuy nhiên ở Mỹ từ ‘Croquant’ lại hay được hiểu là trả thù, vì thế phim được hiểu là “Jacquou trả thù”. Cũng có người dịch tên phim là “Jacquou khổ sở”. Ở Ba Lan nó còn có tên là “Tôn vinh lòng dũng cảm”.
Như vậy dù hiểu theo cách diễn dịch nào ở những quốc gia khác nhau, thì đều có điểm chung, là một khi người nông dân bị dồn nén đến cùng cực, họ sẽ nổi dậy với tất cả sự khốc liệt, sự dữ dội đủ để đi vào lịch sử của một chế độ.
Gia đình bà Cấn Thị Thêu là một đơn cử.
Cái “oan” của những nông dân như Cấn Thị Thêu là hoàn toàn bị gạt ra ngoài quy trình lập quy hoạch, lên phương án và kế hoạch thu hồi đất. Họ cũng không được ai hỏi ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Chính quyền cũng không tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho những người nông dân này sau khi lấy đi nguồn sinh kế của họ. Không những vậy, đất đai mồ mả của tổ tiên họ cũng bị san ủi mà không có thông báo di dời.
Có nhận xét, Cấn Thị Thêu và những người con trai của bà, là đại diện sống động cho những ai đang đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi xác lập quyền sở hữu tư nhân chính đáng của mỗi người dân đối với đất đai của mình.
Cuộc xoay vần nào của đất nước Việt Nam từ xưa đến nay cũng đều gắn bó mật thiết với đất đai. Cấn Thị Thêu cùng những người con của bà đang ném mình vào tuyến đầu của một cuộc xoay vần kế tiếp.
Leave a Comment