Trần An-Bee – VOA
Tôi giật mình khi nghe cô cháu gái, đang học lớp 3, vô tư kể về nhóm bạn của bé tại trường. Bé kể: có mấy bạn muốn tham gia vào nhóm của con, nhưng bạn đứng đầu nhóm nói với các bạn kia là: “tụi bay mà muốn tham gia thì phải giang hồ hơn, chứ hội chị em của chúng tao không muốn những ai hiền hiền khờ khờ đâu”. Tôi thấy hoảng, nhưng muốn xem cô bé hiểu như thế nào về câu nói trên, tôi hỏi: mà giang hồ là sao con?– Bé trả lời: giang hồ là phải biết nghịch ngợm, là phải dữ dằn lên. Tôi hỏi: thế con có phải là giang hồ không? – Bé đáp: không. Con không thích làm giang hồ nhưng mà các bạn ấy cứ bắt con phải làm giang hồ thôi.
Sau một hồi trò chuyện và gợi cho bé những ý tưởng sáng tạo để bé có thể tự mình vẽ vời cắt dán, để tạo ra các sản phẩm mà bé có thể dùng để đem tặng người thân, bạn bè nhân dịp sinh nhật; tôi thấy bé hồ hởi hơn với những ý tưởng này. Tuy vậy, trong lòng tôi là một nỗi buồn lo cho những tâm hồn đơn sơ như bé đang bị vẩn đục vì những ngôn ngữ và hành vi trên. Ngôn ngữ mà cô bé và bạn bè sử dụng, tưởng chừng vô thưởng vô phạt này, và vì những người lớn quanh bé cho rằng “chúng chỉ là con nít” thôi mà; thế nhưng, nếu điều này cứ tiếp diễn, đó là thứ có thể huỷ hoại tương lai của chúng sau này.
Chúng ta đã nghe quá nhiều về những điều tiêu cực trong xã hội và văn hoá Việt Nam. Đặc biệt là khoảng 5 năm gần đây. Đáng chú ý nhất là những tin tức, câu chữ, lời phê bình, lên án… liên quan đến giáo dục và môi trường, văn hoá và giao thương. Ví dụ như, tiêu cực trong thi cử; học trò đánh nhau bầm dập nhưng không ai can ngăn; những dòng sông đang bị bức tử; bún chửi; v.v… Chúng ta cũng đã nhiều lần nghe chuyện các thầy cô giáo, phụ huynh và xã hội chỉ quan tâm đến kết quả thi cử, còn những vấn đề liên quan đến sức khoẻ thể lý và tinh thần của học trò thì hầu như là con số không. Kể tội thì dễ, lên án cũng dễ. Cái khó là làm sao nhận diện được cái xấu, biết nguyên do khách quan và chủ quan gây nên cái xấu, rồi thì bắt tay vào tìm hướng giải quyết. Có hướng thực hiện rồi thì sẵn sàng bắt tay hành động; đó mới là cái khó và đòi hỏi nhiều hy sinh.
Tất cả những ai quan tâm đến công tác giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ đều có thể thấy rằng chúng ta cần thực hiện những thay đổi để cải thiện những giá trị sống mà chúng ta theo đuổi. Từng cá nhân, từng đơn vị nhóm hay tổ chức, từ người thường dân cho đến lãnh đạo các cấp đều cần phải cùng nhau hướng đến các giá trị này.
Để hỗ trợ cho sự thay đổi và tiến đến sự cải thiện, không gì khác và tốt hơn là chúng ta phải thay đổi cách chúng ta nói về những vấn đề hay những khủng hoảng xã hội, giáo dục ấy. Chúng ta cần chuyển từ giọng điệu buộc tội sang hùng biện dựa trên giải pháp và bắt đầu nói về cách nhận diện mặt tốt, điều hay đã có để tôn vinh và phát triển. Ngay cả khi nói về cái xấu, ngôn ngữ ta chọn lựa để nói về nó cũng cần phải thể hiện sự tích cực và công bằng, cũng như có thể khơi gợi lên sự thúc đẩy thay đổi. Chẳng phải các nghiên cứu đã cho thấy rằng, tinh thần và tư duy tích cực đem lại kết quả tích cực nhiều hơn so với những tâm lý và tư duy tiêu cực đấy chăng?!
Áp dụng các phương pháp giáo dục và đào tạo hướng đến sự phát triển trong tất cả các ngành nghề trong xã hội. Từ gia đình, nhà trường, ngành nghề kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hay phục vụ nâng cao chất lượng sống, ngôn ngữ tích cực ngày càng được ưa chuộng và trở thành ngôn ngữ chủ đạo để giúp con người nâng cao hóc-môn tạo năng lượng tích cực cho cuộc sống.
Ở Việt Nam, hiện đang có một vài người đã và đang đi đầu trong công việc truyền cảm hứng và các giá trị tích cực này đến với người khác. Như cô giáo trẻ Nguyễn Minh Ngọc với những khóa học 0 đồng để nhằm giúp đưa giá trị sống vào lớp học. Thầy Trương Tịnh Hà, người đã sáng lập công ty Mind Coach Vietnam; và thành công trong việc áp dụng các phương pháp mới trong huấn luyện đội ngũ giáo viên, nhân viên của các công ty, đoàn thể để biết dùng tư duy, ngôn ngữ tích cực để phát triển lãnh vực hoạt động của mình.
Phải thay đổi. Đó là sự chủ động đến từ chúng ta. Và sự thay đổi đầu tiên cần được nhân rộng đó là sự thay đổi trong ngôn từ mà ta nói hàng ngày.
Thay vì nói “một nền giáo dục mục rỗng”, hãy nói, “văn hoá và môi trường làm việc trong sạch là đích đến cho một hệ thống giáo dục vững vàng. Và chúng ta chính là các tác nhân tạo nên văn hoá và môi trường trong sạch ấy”.
Thay vì nói “giáo viên tha hoá và chỉ quan tâm đến vấn đề kinh doanh giáo dục,” chúng ta sẽ nói “tiếng nói của giáo viên là tiếng nói có trọng lượng nhất để chỉ ra những điều phải được cải thiện để đem đến một nền giáo dục chất lượng cho con em chúng ta. Vì chỉ có giáo viên, những người trực tiếp biết các phương pháp sư phạm và sử dụng các phương pháp ấy cách hợp lý và hiệu quả nhất, họ mới chính là người có khả năng đem lại sự cải thiện tích cực trong tâm hồn và kiến thức của học sinh. Chúng ta, mỗi người một tay để cùng với họ phân tích cái hay, cái chưa hay của giáo dục, hoặc của phương pháp giáo dục và tìm cách làm cho chúng tốt hơn. Chúng ta sẽ đi bên các gia đình để giúp họ và giúp con em của chúng ta nữa.”
Thay vì nói, “các doanh nghiệp, nông dân đã bị đồng tiền thao túng và không quan tâm đến sức khoẻ của người dân. Họ đã cố tình sử dụng hoá chất để làm cho sản phẩm của họ đẹp màu, nhưng nguy hại đến sức khoẻ của thế hệ tương lai”; Chúng ta sẽ nói “chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa được đánh giá cao và chúng ta cũng không tạo được thương hiệu cho các sản phẩm của mình, điều đó phải là cơ sở để ta nhìn lại các phương pháp ta đã thực hiện. Các thất bại này không phải là bản chất của ta, nhưng ta cần phải tìm kiếm phương pháp mới để không phải làm việc vất vả hơn, nhưng làm việc thông minh, hiệu quả và uy tín hơn. Chúng ta, những ai có chuyên môn, kiến thức và có tấm lòng, đều phải cùng ngồi lại để giúp tạo nên thương hiệu bền vững cho Việt Nam.”
Công việc thay đổi của chúng ta đôi khi đòi hỏi rất nhiều hy sinh và can đảm. Nhìn ra cái sai không khó, nhưng tìm được giải pháp để giải quyết cái sai cần một cái đầu thông minh và tấm lòng độ lượng. Để biến giải pháp thành hành động thực tế lại khó hơn khi nó cần một sự gọt dũa cái tôi, khiêm tốn và sẵn sàng dấn thân. Chạy theo đám đông thì dễ. Đứng một mình và đứng hiên ngang mới khó.
Chắc chắn sẽ có nhiều người cho rằng, chúng ta sẽ không làm được gì vì …đủ mọi lý do. Nhưng vượt qua chính cái lý do đang hiện hữu trong đầu chúng ta và cản trở chúng ta suy nghĩ, hành động đã là một sự vượt qua chính mình. Ngôn ngữ là ở nơi ta. Ta tin thế nào thì ngôn ngữ của ta sẽ thể hiện ra như thế. Bản thân ta không thay đổi ngôn ngữ mà ta sử dụng và cải thiện chúng từ tiêu cực đến tích cực, thì ai có thể làm thay ta điều đó? Và chắc chắn rằng, nếu ta không thay đổi bản thân, ta cũng không thể thay đổi người khác.
Trong giáo dục, để chuyển đổi từ ngôn ngữ tiêu cực sang tích cực khi nhận xét các vấn đề liên quan đến học sinh, các nhà giáo thường nhắc nhở nhau triết lý giáo dục căn bản là:
“Chúng ta đang nhận xét vấn đề học tập, những sự việc cụ thể, những thái độ hành vi cụ thể; chúng ta không vơ đũa cả nắm từ việc gom kết quả học môn này môn kia, với thái độ ứng xử thiếu tôn trọng, hay sự yếu kém trong khả năng giao tiếp của học trò, rồi kết luận về bản chất của con người học trò đó. Do đó, việc gì sai, ta đánh giá cái sai đó; thái độ ứng xử nào cần điều chỉnh, ta đưa ra cách để điều chỉnh; sự yếu kém nào cần nhận diện, ta cần xem xét và tìm kiếm phương pháp để hỗ trợ; Chỉ có như thế ta mới khách quan và thực hiện tròn trách nhiệm của bản thân trong vai trò mà mình đang đảm trách.”
Để thực hiện nỗ lực thay đổi, điều mà ta có thể làm ngay bây giờ và nơi chính bản thân mỗi người là bắt đầu thay thế các ngôn ngữ từ tiêu cực sang tích cực. Hơn nữa, chúng ta cần bắt đầu nói về gia đình, con cháu và những người xung quanh ta bằng những từ ngữ đem lại năng lượng để thể hiện giá trị cốt lõi của văn hoá Việt Nam ta: một văn hoá biết quan tâm và đầy lòng tự trọng. Ta tự trọng vì ta dám nhận ra cái chưa hay của bản thân và dám đối diện, sửa đổi. Muốn thay đổi chính là bước đầu thể hiện sự quan tâm của ta với chính mình và với người khác. Thực hiện sự thay đổi chính là thể hiện sự quan tâm đó ra bằng hành động.
Thế thì còn chờ gì nữa?
Leave a Comment