Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 5 tháng Tư vừa qua, báo Tuổi Trẻ đăng lại một báo cáo vào năm 2019 của Tổng Cục Thống Kê về điều tra lao động và việc làm, theo đó Việt Nam có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm. Trong số này, có 42,1% là thanh niên tuổi từ 15 đến 25, tương đương 466.000 thanh niên đang trong tình trạng thất nghiệp. Đây là một tỷ lệ làm cho người ta phải giật mình, vì so ra nó cao gấp 6 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên.
Việt Nam có câu “thanh niên là rường cột của nước nhà.” Câu nói này gần như là chân lý, trong hai ý nghĩa thời chiến và thời bình. Trong thời chiến, thanh niên là thành phần nồng cốt nhất trực tiếp đem xương máu ra bảo vệ tổ quốc trước mọi cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Điều này được chứng minh rất nhiều lần qua những cuộc chinh chiến cam go qua nhiều thế hệ.
Thời bình, cũng chính tầng lớp thanh niên sẵn sàng đem ý chí và sức lực tuổi trẻ để kiến thiết quốc gia, phát triển đất nước và xã hội. Đó là tầng lớp đầy năng lực, có kiến thức nên sự đóng góp của họ phần lớn là để xây dựng một xã hội văn minh, phú cường về tinh thần cũng như vật chất.
Nhưng muốn tập thể thanh niên làm được nhiệm vụ này, chính quyền của bất cứ quốc gia nào cũng phải trang bị cho họ một nền tảng giáo dục căn bản, đủ để phát triển về thể chất và trí tuệ. Và nhất là phải nhìn thấy rõ thanh niên là tấng lớp có trách nhiệm với đất nước và xã hội họ đang sống.
Ở đây chúng ta không cần đề cập hay bàn về số lượng người thất nghiệp của Việt Nam, vì thống kê của các nước xã hội chủ nghĩa không bao giờ chính xác, do nhu cầu phục vụ chính trị. Chúng ta nên nhìn trên hiện tượng “thanh niên thất nghiệp” để từ đó nhận diện ra bản chất của vấn đề.
Trước hết, con số 42% thanh niên trong lứa tuổi từ 15 đến 25 thất nghiệp cho thấy một điều mâu thuẫn đáng lo ngại. Thật sự đó là độ tuổi chưa phải bươn chải lao động kiếm sống theo nghĩa bình thường mà là lứa tuổi phải được đến trường học tập, rèn luyện trước về kiến thức tổng quát cũng như chuyên môn. Thế mà thế hệ thanh niên ấy phải sớm rời ghế nhà trường bước vào môi trường lao động để kiếm sống. Nó cũng cho thấy một cách rõ ràng sự thất bại và bế tắc của nền giáo dục chân chính là xây dựng một thế hệ tương lai đủ sức gánh vác trách nhiệm kiến tạo đất nước.
Mặt khác, những thành phần trẻ tuổi từ 15 đến 25 thất nghiệp cao hơn người lớn tuổi còn minh chứng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng gia công. Nói cách khác, đó là sử dụng lao động không cần tay nghề mà Bộ Lao Động Việt Nam gộp chung vào nhóm lao động phổ thông. Trong môi trường ấy, sức chịu khó và sự chăm chỉ trong công việc của những người trẻ làm sao so sánh được với công nhân lớn tuổi có tay nghề. Vậy là sau hơn 30 năm mở cửa với hàng trăm tỷ đô-la tài trợ của nước ngoài, Việt Nam vẫn loay hoay ở ngưỡng làm công bằng sức lao động chân tay hơn là chú trọng phát triển nhân dụng theo nền kinh tế vận dụng trí óc.
Không thể nói gì khác hơn đây là sự thiếu trách nhiệm của những người lãnh đạo. Một xã hội mà tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao cho thấy họ không được chính quyền quan tâm giáo dục, đào tạo, huấn luyện và nhất là uốn nắn theo một định hướng phát triển quốc gia có chiều sâu. Vậy làm sao và chờ đợi gì vào những sự đột phá trong tương lai để Việt Nam trở thành quốc gia có mức phát triển cao?
Hiện nay lãnh đạo Việt Nam đang lên đồng tập thể về vụ chuyển đổi số, coi đây là lá bùa thiêng với khả năng thần thánh. Nói một cách đơn giản là chính quyền và xã hội phải chạy theo công nghệ Internet do Bộ 4T phát động rầm rộ bằng những lời bay bổng trên mây. Họ mong ước chuyển đổi số sẽ là bước đột phá ngoạn mục để Việt Nam hóa rồng vào năm 2045 theo chỉ tiêu đảng CSVN đề ra trong văn kiện đại hội đảng lần thứ XIII.
Câu hỏi đặt ra là nếu Việt Nam hóa rồng nhờ chuyển đổi số thì liệu tình trạng 42% thanh niên thất nghiệp có được giải quyết tốt đẹp không? Hay con số 42% ấy lại gia tăng khi chuyển đổi số chỉ tập trung sử dụng vào một số nhân sự có đủ trình độ vì được may mắn đi học.
Vì thế, nguyên nhân gây ra con số 42% thanh niên thất nghiệp, về căn bản không phải do nền kinh tế quá khó khăn hay trì trệ mà chính là do nền giáo dục và những định hướng về phát triển kinh tế của nhà cầm quyền CSVN không ăn nhập gì đến sự mong muốn hay quan tâm của người dân.
Đó mới là bài toán chính và cấp bách cần phải giải quyết.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment