Lynn Huỳnh – (VNTB) – “Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, “lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện”
Bác sĩ Cao Xuân Minh nói rằng nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay đã công nhận chính thể Việt Nam Cộng Hoà, những yếu nhân của thời điểm này đều đóng vai trò trong lịch sử đất nước dù có khác biệt thể nào.
“Vùng Tri Thuỷ – Dư Khánh của huyện Ninh Hải, thành phố Phan Rang là quê hương của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thời Việt Nam Cộng Hoà, một địa điểm du lịch nếu được bảo tồn nó như một địa chỉ của du lịch, văn hoá, lịch sử (dù có khác biệt).
Lúc tôi còn làm nhà nước, tôi có hỏi thì lãnh đạo có nói đưa ra bàn nhưng “Mấy-Ông-Già” không chịu… Thời gian trôi, chắc mấy-ông-già cũng không còn nữa. Thời đó thật sự là khó, giờ mọi thứ có chi mà lo, dàn lãnh đạo mới trẻ trung, năng động, có trình độ… Tôi nghĩ sẽ thoáng hơn nhiều.
Một nơi, có thể xem dấu ấn của quê nhà tổng thống là nhà nghỉ mát ở Ninh Chữ, trường cao đẳng sư phạm Ninh Thuận, được xây dựng những tháng ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, nghe nói từ trên không nhìn xuống các toà nhà xếp hình chữ ‘Thiệu’. Nghe đâu trường đã giao cho Đại học Nông Lâm, sẽ có nhiều thứ được đập phá đi không còn nữa.
Một nơi ở Ninh Thuận mà tôi thấy sự trân trọng và gìn giữ bảo tồn quá khứ rất tốt là Nhà máy Thuỷ Điện Đa Nhim. Đến đây sẽ thấy bảng hiệu ghi thời điểm xây dựng, ai phát lệnh khởi công thời Việt Nam Cộng Hòa… một cách trang trọng và được gìn giữ.
Một chút cuối tuần lăn tăn” – bác sĩ Cao Xuân Minh, viết.
Chuyện khác cũng xa gần dính dáng đến “ông Thiệu nói”.
Nhà báo Ái Mỹ kể về một lần ‘công cán’ xứ Lào: “Buồn cười mỗi lần nhớ lại cảnh Đô trưởng Vientiane tiếp Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, nghi thức ngoại giao trang trọng, thông dịch từng câu từng ý qua về. Xong. Chị em chỉnh tề khăn áo đứng dậy chụp hình lưu niệm. Đô trưởng bèn hỏi thăm rành rọt bằng tiếng Việt: “Thế các chị định đi tham quan, mua sắm ở đâu chưa?”.
Đêm, tiệc đãi khách, tui được xếp ngồi bàn với các cô các chị doanh nhân Lào, họ đa phần lớn tuổi, thụ hưởng giáo dục thời l’Indochine nên nói tiếng Pháp như tiếng Lào. Tui nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “ngoại giao”. Sau khi ăn là đến múa, múa lăm vông trên nền nhạc… Việt. Bỗng dưng, các cô các chị lần lượt rời bàn, lên sân khấu, bắt nhịp hát… “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Khi họ quay về bàn, họ nói tiếng Việt như tiếng Lào.
Một chị trẻ nhất trong bàn, quay qua tui nói: “Em mới từ Huế về, em làm dâu bên nớ!”. Tui há hốc. Nói luôn “Huế ngữ”.
Rồi hôm trước khi về, có dịp ngồi cà phê với bạn tuyên giáo Lào, đang qua Việt Nam để làm nghiên cứu sinh. Bạn thường đi giảng nghị quyết ở cơ sở. Nói chuyện một hồi, tui hỏi nhỏ: “Khi bạn giảng bài cho các đồng chí cơ sở, bạn có tin là họ tin thật sự vào điều bạn giảng hay không?”. Cô nhìn tôi, tin cậy, đáp: “Ít lắm. Nhưng cũng như mình thôi, điều đó cần cho cuộc sống mỗi người, như em phải nói và họ phải nghe, ai cũng cần phải vậy thôi chị!”.
Một chuyện khác không kém thời sự, đó là tuyên bố của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, “Chính phủ phải lắng nghe ý kiến phản biện”.
Báo VnExpress viết: “Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, “lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như trên tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự, ngày 15/4”.
Chưa biết lần này “ông Thiệu nói” còn trúng không, nhưng tạm hy vọng là tân Thủ tướng nói được, làm được qua việc ông sớm ‘đề nghị’ tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký lệnh đặc xá ở dịp 30 tháng tư sắp tới, hoặc Quốc khánh 2 tháng 9, hoặc có thể là ngày nào đó được chọn gọi là “chào mừng thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV” chẳng hạn, đối với tất cả những người trong chốn lao tù về tội danh theo cáo buộc ở Điều 117, Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Leave a Comment