S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – RFA
Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền cho biết hiện có 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Nhà đương cuộc Hà Nội đối xử với họ ra sao?
Tồ Chức Ân Xá Quốc Tế nhận định: “Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá đông và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Vietnamese jails are notoriously overcrowded and fail to meet minimum international standards.”
Muốn biết chính xác xem số tù nhân “đông” tới cỡ nào, và họ sống dưới “tiêu chuẩn tối thiểu” bao xa, xin nghe qua lời của năm ba nhân vật đã từng sống qua những năm tháng ở những chốn này.
- Đặng Thị Huệ: “Chị Huệ nói rằng phòng của chị là 80 mét vuông nhưng mà có những lúc đến 70 người ở hoặc nhiều hơn. Bản thân chị thì chỉ được một góc ngồi bằng một chiếu cá nhân nhỏ, độ khoảng hơn một viên gạch một tí, có nghĩa là khoảng 50 cm. Tất cả đồ đạc và chỗ nằm chỗ ở như thế rất là khổ, không bằng chỗ ở của một con chó!” (Giang Nguyễn. “Thêm Tù Nhân Lên Tiếng Về Tình Trạng Các Quyền Trong Trại Giam Bị Xâm Phạm” – RFA 03/28/2021).
- Phạm Thanh Nghiên: “Thuở tôi bị giam ở Trần Phú (2008 – 2009) mỗi xuất nằm trên sàn trung tâm giá từ hai đến ba triệu đồng. Sàn đối diện rẻ hơn một chút, dao động từ một đến ba triệu, tùy vị trí. Chỗ nào gần quạt treo tường sẽ đắt tiền hơn. Mỗi sàn có một quạt treo tường. Bây giờ, mọi thứ đắt đỏ, chắc chỗ trong tù cũng đã lên giá.” (Phạm Thanh Nghiên. Những Mảnh Đời Sau Song Sắt. Fall Church, VA: Tiếng Quê Hương, 2017).
- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: “Mẹ Nấm-Nguyễn Như Quỳnh đã từng tuyệt thực 15 ngày để phản đối bị dối xử một cách hà khắc, như chế độ ăn uống và không cho mặc đồ lót hay dùng băng vệ sinh. (Hoà Ái. “Tình Cảnh Nữ Tù Nhân Lương Tâm Trong Trại Giam” – RFA 01/03/2018).
- Tạ Phong Tần: “Đội 10 làm công việc cạo hột điều. Tức là lấy con dao nhỏ cạo cho sạch vỏ chung quanh hột điều cho tróc hết lớp vỏ lụa bên ngoài, hột điều trở nên trắng hết mới được. Mới lên trại học làm thì giao cho cạo một ngày bảy ký lô, sau khoảng nửa tháng thì tăng lên mười lăm ký lô một ngày. Ai cạo không nổi thì bị kiểm điểm, kỷ luật (tức là nhốt vô xà lim), không được xét giảm án.
Tụi nó nói xưởng làm việc ẩm thấp, tối tăm, mái lợp tôn thấp lè tè, nóng hừng hực, tù nhân phải tự bỏ tiền ra mua quạt máy, mua bóng đèn neon gắn lên chỗ ngồi của mình quạt cho đỡ nóng mới ngồi làm việc được, nếu không thì nóng chịu không nổi. (Tạ Phong Tần. Đứng Thẳng Làm Người. Westminster, CA: Thiên Thu, 2019).
Có thể nói mà không sợ quá lời là hệ thống lao tù hiện tại ở Việt Nam là nơi dùng để bóc lột sức lao động của tù nhân, và trấn lột tiền bạc của thân nhân của họ bằng nhiều hình thức.
T.N.L.T Phạm Thanh Nghiên đặt câu hỏi: “Hãy đặt mình vào vị trí của kẻ ‘không gia đình’, tức là không có người thăm nuôi, không được tiếp tế, bạn sẽ xoay sở thế nào để tồn tại nếu không có sự cưu mang của bạn tù? Bạn tù, tức là những người cũng khốn khổ như mình, có điều hàng tháng hoặc thi thoảng họ được gia đình tiếp tế để không phải ngửa tay đi xin từng cuộn băng vệ sinh, cái bàn chải đánh răng hay ít dầu gội đầu.”
Những kẻ không có gia đình” (hay còn gọi là đám con bà phước) đầy nhóc trong mọi trại tù. Sự thiếu thốn những vật dụng cần thiết tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày của họ khiến bất cứ ai còn chút lương tri đều cảm thấy ít nhiều áy náy. Bởi thế, từ lâu nay vẫn có nhiều cá nhân – trong cũng như ngoài nước – vận động quyên góp để có thể giảm thiểu phần nào nỗi khổ cực của những nhân vật bất đồng chính kiến, đang bị giam cầm.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người chủ trương Quỹ 50 K, là một trong những người này – theo tường thuật của Tạp Chí Luật Khoa:
Phương châm của Quỹ 50k là giúp đỡ những trường hợp khó khăn ít được công chúng biết đến. Tên gọi của quỹ là nhằm khuyến khích những người dân bình thường đóng góp một số tiền nhỏ, thay vì suy nghĩ phổ biến rằng làm từ thiện thì phải đóng góp nhiều hơn 50 nghìn đồng. Số tiền này cũng đủ nhỏ để giúp những người muốn đóng góp bớt sợ bị công an sách nhiễu…
Ý nghĩa của Quỹ 50k vượt xa những hỗ trợ vật chất thông thường cho tù nhân lương tâm. Nó đánh thức những tấm lòng, động viên những người dân bình thường quan tâm đến chính trị, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi vô hình bủa vây tâm trí. Quỹ 50k, vô hình trung, bình thường hoá những gì bị cho là “chính trị”, là “nhạy cảm”, mang những hoạt động đấu tranh đến với người dân với tất cả sự trong sáng và ý nghĩa đẹp đẽ của nó.
Là người yêu cái đẹp và sự lãng mạn, Nguyễn Thuý Hạnh vẽ nên một nét dài đầy tươi sáng của phong trào dân chủ Việt Nam.
Nét tươi sáng này, tiếc thay, không giữ được lâu. Phu quân của bà Hạnh, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết:
“…khi vụ Đồng Tâm nổ ra, chúng tui như ở trong tù, không được bước ra khỏi cửa, thực phẩm phải do đứa cháu mang đến rồi nhân viên an ninh mang lên, có thể bị bắt bất cứ khi nào, nhưng nghe Trịnh Bá Phương gọi đến, cô đứng ra nhận giúp tiền phúng điếu viếng tang cụ Kình, Hạnh mở loa ra cho tui nghe vừa đưa mắt nhìn tui, rồi trả lời đồng ý với Phương ngay, khi thấy tui gật đầu.
Nếu lúc đó tui lắc đầu, thì Hạnh đã không bị bắt như ngày hôm nay. Nhận lời đưa tài khoản cho Phương rồi, Hạnh và tui mới ngồi bàn và lường hết hậu quả, biết sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng không thể không chia lửa cho Phương, nó cũng đang bị bao vây chặt và bị bắt bất cứ lúc nào vì liên lạc được vài dân oan Đồng Tâm để liên tục đưa tin cập nhật sự kiện, nó lại chỉ một mình, còn chúng tui có hai người, không thể nào để cho nó cô đơn…
Rồi tui bắt đầu ngửi ra mùi căng thẳng, tui bảo Phương và Hạnh tuyên bố đóng ngay tài khoản, ngưng nhận tiền phúng điếu. Tuy vậy tiền vẫn tiếp tục đỗ về. Do tui và Hạnh quá cẩn trọng, không để nhập nhằng với quỹ 50K nên hỏng việc, nếu dùng tài khoản của quỹ 50K, có I banking, Hạnh có thể chuyển tiền đi được trước khi bị phong tỏa. Tài khoản VCB bỏ lâu không dùng đến nên không làm I banking. Còn chúng tui bị giam trong nhà nên không ra ngân hàng rút tiền được.
Hạnh day dứt, mất ăn mất ngủ vì để mất khoản tiền quá lớn của mọi người, Hạnh cứ thấy mình có lỗi, tui khuyên giải gì Hạnh cũng không vơi đi, luôn nghĩ ra cách để lấy lại. Mới đây, sau khi xử phúc thẩm Đồng Tâm xong, Hạnh ủy quyền cho luật sư Ngô Anh Tuấn viết đơn yêu cầu bộ công an giải tỏa tài khoản phúng điếu.
Luật sư gởi đơn lên bộ vài ngày thì Hạnh bị bắt. Nhiều bạn bè cho rằng lá đơn đòi tiền đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước vốn cân bằng do sự tính toán cân đo hơn thiệt của nhà cầm quyền trước việc bắt hay không nên bắt Nguyễn Thúy Hạnh. Tui cũng đồng quan điểm đó…
Chỉ có cái tâm trong sáng và tấm lòng vị tha như Hạnh mới làm cho quỹ 50K thành công vượt mức mong đợi và gây lo ngại cho nhà cầm quyền. Ban đầu tài khoản của Hạnh nhận phần lớn tiền từ các nhà hảo tâm nước ngoài, số người trong nước còn ít và còn dè dặt, chỉ gởi số tiền rất nhỏ và thường là ẩn danh. Nhưng càng về sau, số bà con hảo tâm trong nước đông dần lên, vượt qua số nhà hảo tâm là kiều bào, vượt qua sợ hãi, công khai tên tuổi, gởi số tiền càng ngày càng lớn hơn. Chính điều này làm nhà cầm quyền e ngại nên quyết ngăn chặn Hạnh.”
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, BBC có bài viết ngắn (“Phản Ứng Các Giới Trước Vụ Nhà Hoạt Động Nguyễn Thúy Hạnh Bị Bắt”) thu thập ý kiến của những tổ chức quốc tế và nhiều vị thức giả (khắp nơi) về sự kiện này.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kêu than: “Một phụ nữ như thế ai không ngậm ngùi và căm phẫn thay khi chịu lao tù?”
Leave a Comment