TẠI SAO VIỆT NAM THẤT BẠI TRONG MỤC TIÊU TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP VÀO NĂM 2020?
“Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp đang mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Trên đây là trích phát biểu của cựu TBT Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4, Ngày quốc tế lao động 1-5 và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ngày 28-4-2006.
Hôm nay là ngày 14/4/2021, quá thời điểm mục tiêu của Đại hội X – là lúc thực tế khẳng định mục tiêu trên hoàn toàn thất bại.
Tại sao lại thất bại? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xin liệt kê 3 nguyên nhân quan trọng sau đây.
- PHÁT TRIỂN CHỆCH TRỌNG TÂM
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lãnh đạo của Đại hội III vẫn biết phải lấy công nghiệp nặng làm nền tảng của nền kinh tế. Nhưng từ sau Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển sai định hướng, coi nhẹ công nghiệp nặng, dựa vào dich vụ, thương mại và khai thác tài nguyên như là các trụ cột của phát triển kinh tế.
- CHƯA CÓ LÃNH ĐẠO HIỂU BIẾT VỀ KINH TẾ VÀ THAM VỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Tại sao phát triển chệch trọng tâm? Tại sao coi nhẹ công nghiệp nặng? Tại sao chạy theo dịch vụ, thương mại và khai thác tài nguyên? Là vì người đứng đầu không giỏi về kinh tế, không khát khao phát triển kinh tế, không có tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế. Từ Đại hội VI, lãnh đạo cao nhất đơn thuần là nhà chính trị. Càng về sau càng đơn thuần chính trị.
- KHI BỘ TRƯỞNG CÒN LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ KHÔNG CẦN BIẾT CHUYÊN MÔN
Việt Nam sẽ không thể vươn lên vào nhóm hùng cường khi các bộ trưởng còn là nhà chính trị, không cần biết về chuyên môn. Nếu tiếp tục đường lối rằng cứ UVTƯ thì làm được bí thư tỉnh, làm được bộ trưởng, làm được phó thủ tướng, làm được thủ tướng, làm được nguyên thủ – thì đó là rào cản của sự phát triển và sẽ không tránh được các sai lầm to lớn tiếp theo.
ĐẾN NĂM 2045 VIỆT NAM CÓ PHẢI LÀ NƯỚC CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI?
Thế nào là nước công nghiệp hiện đại? Trong văn kiện Đại hội XIII không đưa ra các mục tiêu bằng con số để thể hiện rằng Việt Nam đúng là nước công nghiệp hiện đại. Chúng ta đang dựa vào những tiêu chí chung chung là GDP và tỷ trọng khu vực công nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đó không phải là các tiêu chí phản ánh đúng thực lực của nền công nghiệp.
Chẳng hạn, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP của Việt Nam đạt mức 38,8% năm 2020 – không phản ánh khả năng công nghiệp của Việt Nam. Bởi vì trên thực tế, Việt Nam không sản xuất được sản phẩm công nghiệp nào quan trọng. Việt Nam chưa sản xuất được TV, điện thoại, xe máy, ô tô… Tất cả chỉ là lắp ráp và dịch vụ.
Các sản phẩm công nghiệp ở Việt Nam hiện nay là của nước ngoài. Các xí nghiệp khu vực FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng lại chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu. Trong các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thì người Việt nam chỉ là công nhân làm thuê. Người Việt Nam không học được gì về các sáng chế nguồn của các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta đang trở thành người làm thuê cho người nước ngoài trên đất nước chúng ta.
Biết rằng, trong thời đại tích hợp toàn cầu thì các sản phẩm chứa đựng các cấu thành là phát minh của các nhà sản xuất khác. Nhưng không sở hữu sáng chế nguồn thì vĩnh viễn là kẻ dịch vụ và theo sau. Trong các sản phẩm công nghiệp quan trọng, Việt Nam chưa sở hữu sáng chế nguồn.
Các xí nghiệp nước ngoài đến Trung Quốc chỉ sau một thời gian thì phải nhường thị phần cho sản phẩm của chính người Trung Quốc. Bao giờ thì Việt Nam chấm dứt số phận công nhân làm thuê trong các xí nghiệp nước ngoài trên đất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp? Đó là lúc Việt Nam có các bộ trưởng công nghiệp giỏi chuyên môn.
Tiếp tục đà phát triển như bây giờ, khi các bộ trưởng là nhà chính trị UVTƯ, khi Thủ tướng không được tự mình lựa chọn bộ trưởng, thì Việt Nam không thể trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045. Mục tiêu năm 2020 là bài học cụ thể./.
Leave a Comment