Tăng giá để cải thiện đời sống

- Quảng Cáo -

Xuân Sơn Võ|

Chủ trương làm phòng mạch ra đời là để cải thiện đời sống cho các bác sĩ. Ban đầu, chỉ có các bác sĩ “chế độ cũ” mới được cải thiện đời sống, có lẽ vì họ sống sướng quen rồi. Về sau, cứ là bác sĩ, lương y, hoặc có bài thuốc gọi là gia truyền, đều có thể mở phòng mạch. Ai cũng có nhu cầu sống cả.

Thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cũng cải thiện đời sống bằng cách kêu học sinh về nhà dạy thêm. Ban ngày dạy ở trường, buổi tối dạy ở nhà. Thầy cô giáo làm việc bằng hai, bằng ba lần công sức mới đủ sống. Học sinh phải học gấp hai, gấp ba lần mới có cơ hội ra đời để sau này còn làm phòng mạch hoặc dạy thêm cho đủ sống.

Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra một mức độ đãi ngộ “công bằng”, khi lương của ai cũng không đủ sống. Các nhà lãnh đạo XHCN kêu gọi “chí công vô tư” và phân bố những đồng lương chết đói, rồi mở ra những cơ chế để thoát khỏi sự “công bằng” mà họ tạo ra, để người lao động có thể tự nuôi mình. Thực chất, mĩ từ “cải thiện đời sống” đã che lấp một thực tế, rằng người lao động bị vắt kiệt sức để kiếm ăn, mà lại giải quyết một phần “nhiệm vụ chính trị” của các nhà lãnh đạo.

- Quảng Cáo -

Con người ta quen dần với việc “chân trong chân ngoài”. Ngay từ trong tư duy, họ đã cho rằng cái phần “chân trong” là đáng trân trọng, còn cái phần “chân ngoài” chẳng qua chỉ là để kiếm sống mà thôi. Cứ thử trả lời khi người ta hỏi bác sĩ làm việc ở đâu xem, giữa Bệnh viện A, B, C gì đó, và ở phòng mạch. Hoặc giáo viên, giữa dạy ở trường X, Y, Z nào đó, với dạy ở nhà, mà ngay từ cách gọi đã thấy rất thứ cấp: dạy thêm.

Thế rồi, người ta quen dần với việc khám bệnh “dịch vụ”, mổ “dịch vụ”, nằm giường “dịch vụ” trong bệnh viện công, cho con cái học thêm ở các thầy cô đang có trách nhiệm chuyển tải kiến thức trong khung giờ giảng trên lớp. Họ luôn nghĩ rằng, điều đó làm tốt cho họ. Họ không nghĩ rằng, tất cả những thứ đó được lập ra, cho dù được ngụy trang dưới các mĩ từ như “phục vụ”, “cao cấp”… nhưng thực chất chỉ là những kiểu kiếm sống mà thôi.

Bản thân sự “công bằng XHCN”, và sự “tái công bằng” mà các nhà lãnh đạo XHCN đang làm, chỉ tăng thêm rối ren và bất định. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy kiếm sống. Họ khai thác bất cứ thứ gì có thể để kiếm sống, từ đó gây biến tướng các dịch vụ công. Dịch vụ công, về nguyên tắc phải phục vụ cho mọi người dân, đang dần trở thành dịch vụ chỉ cho người có tiền.

Trong bối cảnh đó, sách giáo khoa lên giá là chuyện rất bình thường. Các thầy cô giáo không trực tiếp đứng lớp, cũng phải “cải thiện đời sống” chứ. Còn việc cha mẹ học sinh có tiền mua sách hay không, đâu phải việc của họ. Việc có đủ tiền mua sách hay không lại phụ thuộc vào khả năng kiếm sống của phụ huynh.

Chẳng thấy mấy ai đặt câu hỏi, tiền thuế của chúng ta đi đâu, mà cái gì người dân cũng phải móc bóp ra trả? Và số tiền phải trả đang ngày càng nhiều lên một cách vô tội vạ?

#tănggiásáchgiáokhoa #cảithiệnđờisống

- Quảng Cáo -