Buộc giáo viên làm thêm: Gửi báo cáo cho Facebook rằng facebooker nào đó… “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” để Facebook hoặc “che” status có thông tin, nhận định, hình ảnh nguy hại… cho đảng, hoặc đóng những trang facebook thuộc loại… “trung ngôn, nghịch nhĩ” là… sáng kiến mới nhất của hệ thống tuyên giáo và hệ thống… tác chiến trên không gian mạng tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam! Đây có lẽ là sáng kiến mới nhất, chứng tỏ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đang ở giai đoạn… thảm nhất!
***
Thái Hạo – một trong những facebook phát giác và chỉ trích kịch liệt việc buộc giáo viên làm… “biệt kích mạng” – vừa thông báo, hai status mà ông viết về vấn đề này đã bị Facebook “che” không cho người khác xem hai status này vì… “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” (1). Thái Hạo đã viết những gì để số lượng người gửi báo cáo cho Facebook nhiều tới mức Facebook phải quyết định “che” cả hai status ấy? Hôm 6 tháng 4, Thái Hạo đưa lên trang facebook của ông status như thế này…
Chuyện đùa về “nhiệm vụ chính trị mới” của giáo viên
Một người bạn cũ đã lâu ngày không liên lạc, tối nay bỗng gọi, nói luôn “vừa đi đánh trận về”. “Đánh trận gì?”. “Đánh Facebook”.
Hỏi một hồi mình mới hiểu ra. Nhưng đến giờ vẫn chưa tin rằng đó là sự thật. Vì nó giống một chuyện tiếu lâm nhiều hơn.
“Đánh sập các trang Facebook theo lệnh của cấp trên” – đó là nhiệm vụ chính trị mới của người giáo viên! Có rất nhiều đội tác chiến, mỗi đội khoảng 50 đến 100 người là giáo viên và cán bộ, công nhân viên chức nói chung. Cứ đến bảy giờ tối là cấp trên sẽ gửi khoảng hai đường dẫn đến trang facebook nào đó cho đội và toàn đội sẽ tác chiến (báo cáo) cho đến khi nó sập. Đánh từ 7 giờ tới 9 giờ tối, khi nào hai tài khoản facebook ấy sập thì thôi. Không sập là “không hoàn thành nhiệm vụ”, sẽ bị “xử lý” bằng khiển trách, hạ thi đua hay các hình thức khác.
Hắn nói: “Mệt mỏi lắm, đã đánh bốn tháng nay rồi, cứ thứ hai – tư – sáu hàng tuần, đúng 7 giờ là tác chiến mà hầu hết các trang ấy đều là trang nói thật, nhiều bài viết hay lắm… Ai cũng ngao ngán cả, có ai muốn đánh đâu… nhưng không làm thì không được. Cẩn thận đấy, Facebook của mi có thể bị đánh sập đó. Sập thì tiếc lắm, tao không bỏ sót bài nào, dù không dám like…”.
Tôi hỏi: “Chỉ giáo viên mỗi tỉnh của ông thôi hay tỉnh khác cũng làm thế?”. “Không biết, thấy hai tỉnh lân cận cũng làm thế, còn các tỉnh khác nữa thì không rõ. Mà tôi tưởng ông phải biết chuyện này chứ?”. “Ai giao danh sách các Facebook cần đánh cho các ông?”. “Không biết, cứ đến 7 giờ là gửi cho nhóm”. “Rồi ai kiểm tra?”. “Trường kiểm tra, báo cáo kết quả lên huyện…”.
Tự dưng nhớ tới bài của Phùng Gia Lộc, “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”. Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Và giáo dục Việt Nam đang làm cái gì vậy? Thầy cô giáo đang phải gánh vác nhiệm vụ đi tiêu diệt những tiếng nói thẳng thắn thật thà. Tiêu diệt những tâm tư tình cảm và bao nhiêu nỗi lòng của đồng bào mình. Thầy cô đang bị buộc phải chà đạp lên nhân quyền và dân quyền trong tối nay để sáng mai lên dạy cho học sinh làm người. Có lẽ nó đã hết thuốc chữa thật rồi. Muốn văng tục một câu quá (2).
Sau đó, Thái Hạo viết thêm một status nữa vì người bạn đã kể ông nghe câu chuyện giáo viên có… nhiệm vụ chính trị mới đề nghị… đính chính: Không phải là đánh từ 7giờ tới 9 giờ mà có thể chỉ một lúc là xong. Nhiều trang cũng cực đoan lắm chứ không phải trang nào cũng hay. Không phải là “đi” đánh mà chỉ cần ngồi nhà cầm điện thoại. Làm gì thì làm nhưng xin đừng để ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bạn ông. Tôn trọng bạn, Thái Hạo chấp nhận… đính chính nhưng bởi đã từng là giáo viên, ông nhắn các đồng nghiệp: Nhiệm vụ của giáo viên phải tiêu diệt. Việc của các bạn là dạy. Nếu vì người ta bắt làm mà làm thì họ bắt mình ăn… cái gì mình cũng ăn ư? Làm người và nhất là làm thầy thì không thể bạc nhược như thế được. Hèn quá không đủ tư cách dạy người đâu. Tốt nhất nên tìm nghề khác phù hợp hơn… Thái Hạo nhấn mạnh: Cộng đồng cần biết sự thật. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói ra (3).
Hôm sau, 7 tháng 4, Thái Hạo viết “Lần cuối về việc giáo viên tham gia đánh facebook”: Tôi có mười năm đi dạy ở Bình Phước nhưng chưa từng nghe hay thấy giáo viên bị huy động tham gia “tác chiến mạng”. Vì vậy, nó gây sốc khi biết có những địa phương khác đang làm việc này. Tôi không bao giờ chấp nhận chuyện dập tắt những tiếng nói trái chiều, nhưng nếu có thực hiện việc ấy thì dứt khoát không được đưa giáo viên vào, dù nhiều người hay chỉ một người. Sứ mệnh của một nhà giáo là tôn trọng sự thật cùng giáo dục thẩm mỹ và điều thiện cho thế hệ tương lai. Khi nhà giáo vi phạm nguyên tắc cao cả này thì họ không thể hoàn thành được trọng trách thiêng liêng ấy nữa. Đó là chưa nói tới những cái sai về pháp lý (vi phạm luật lao động và luật giáo dục) khi điều động giáo viên làm công việc trái với hợp đồng lao động.
Đánh phá các trang facebook là có thật, ai cũng biết điều này, nhưng việc giáo viên phải tham gia thì ngoài sức tưởng tượng. Sự việc này (giáo viên tham gia) có lẽ chưa phải đã trở nên phổ biến trong mọi địa phương trên cả nước. Nhưng nếu một khi nó đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” thì giáo dục coi như bị phá hủy từ gốc bằng cách phá hủy người thầy. Tuyệt đối không được phép để điều ấy trở thành sự thật. Nền giáo dục cần được bảo vệ và xây dựng, mà việc có thể làm ngay bây giờ là chấm dứt tình trạng này. Cần phải có chỉ đạo khẩn trương từ các cấp cao nhất, yêu cầu các địa phương đang tiến hành việc này phải rút ngay giáo viên ra khỏi lực lượng kia. Và giáo viên cũng hãy tự bảo vệ sự tôn nghiêm của bản thân bằng cách bất tuân trước những yêu cầu và áp đặt vô lý như thế.
Với trách nhiệm của một công dân ý thức được vai trò to lớn của nhà giáo và ý nghĩa quyết định của giáo dục đối với sự phát triển con người cũng như tương lai đất nước, tôi đề nghị chấm dứt sự điều động này. Tôi tin rằng, đó cũng là yêu cầu của đa số những người Việt trưởng thành biết lo lắng cho con trẻ và tiền đồ nước nhà (4).
Bất bình và đề nghị dẫu được nhiều người xem là chính đáng ấy chắc chắn đã lọt vào cả mắt lẫn tai của những viên chức hữu trách nhưng chúng không có đường đi lên não của họ. Chỉ trong vòng một ngày, cả hai status viết về chuyện ép giáo viên làm “biệt kích mạng” của Thái Hạo đã bị facebook “che”. Không rõ có bao nhiêu người đã tham gia “báo cáo” hai status này… “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, trong số đó có bao nhiêu người là giáo viên?!.
***
Thật ra, Thái Hạo không phải là người đầu tiên phát giác và cảnh báo về việc giáo viên bị buộc phải làm… “biệt kích mạng” để tiêu diệt thông tin, nhận định, hình ảnh trên những trang facebook của những cá nhân mà đảng xác định là… kẻ thù của đảng. Hồi đầu tháng trước, Lan Le – một facebooker khác đã đề cập đến tình trạng này, theo đó, khi đến Mộc Châu, có dịp trò chuyện với Hiệu trưởng và một số giáo viên của một ngôi trường, bạn của Lan Le hết sức ngỡ ngàng trước việc họ phải làm “xung kích mạng” ba tối mỗi tuần – cùng tấn công đánh sập trang facebook nào đó. Bạn của Lan Le nhận định, việc ép các cô giáo vùng cao phải… làm thêm ngoài giờ, không trả lương, nếu không làm sẽ… trừ điểm thi đua là… mất dạy. Theo bạn Lan Le, do các cô giáo kêu quá nên nay đã giảm còn hai tối mỗi tuần và đó là lý do tại sao nhiều trang facebook rụng như sung (5).
Từ những bí mật được… bật mí, Mai Pham nhận định, hàng chục ngàn dư luận viên không đủ sức chống đỡ sự cuồng nộ của công chúng và Tuyên giáo chỉ còn một cách, huy động giáo viên làm… “biệt kích mạng” để đánh sập các trang facebook bất lợi cho đảng. Cô nhắn giáo viên: Các thầy cô những nơi nào khác nữa đang làm du kích mạng xin làm ơn, bằng cách này hay cách khác, lên tiếng. “Chữ tin còn một chút này”, thưa các “thầy cô” (6)!
Cũng bàn về thực trạng tuyên giáo và hệ thống tác chiến trên không gian mạng đang điên cuồng chống đỡ cho đảng, Nguyễn Anh Tuấn lưu ý: Không phải chỉ giáo viên mà còn cán bộ, công chức cấp thấp ở các ban ngành, đoàn thể cũng được huy động làm… nhiệm vụ chính trị kiểu này. Đây không phải sáng kiến của Việt Nam mà là bài, học của Trung Quốc. Nhiều người tưởng nhầm Dư luận viên Trung Quốc (còn gọi là đảng năm xu – ngũ mao đảng) là lực lượng riêng được thuê nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy, đa số họ là công chức cấp thấp, không được trả lương cho công việc này. Bên cạnh đó Trung Quốc còn duy trì lực lượng dư luận viên cao cấp – dạng này được thuê – là các giáo sư đại học, nhà báo, KOLs với những đãi ngộ riêng. Việt Nam chắc cũng không khác mấy. Muốn nhận diện loại này không khó. Thử vào BBC Tiếng Việt, dưới một bài có quan điểm trái chiều (chẳng hạn gần đây là những bài về bầu cử) tìm các bình luận chửi bới BBC được nhiều likes, sẽ thấy đa số tài khoản không có thông tin thật về nhân thân, không có bao nhiêu bạn bè, chỉ đăng vài post, không thấy ai thân quen tương tác (7).
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=969499297192592&id=100023975920044
(2) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=967302360745619&id=100023975920044
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=967773617365160&id=100023975920044
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=968268143982374&id=100023975920044
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2868436660039319&set=p.2868436660039319&type=3
(6) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=10157895911711937&id=726626936
(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=967302360745619&id=100023975920044
Leave a Comment