Mấy hôm nay dư luận ồn ào về việc Thủ tướng cho phép chuyển mục đích 156 ha đất rừng để FLC làm sân golf ở Gia Lai.
Điều đáng nói là vào ngày 14/10/2017, tại hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây”. Điều đặc biệt đáng lo ngại là hiện nay tốc độ phát triển sân golf đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường sân golf hóa trên phạm vi cả nước.
Chính vì thế mà với việc cho Tập đoàn FLC chuyển đổi 160 ha đất rừng làm sân golf, có người đã gọi đó là “Hốt cú chót”, để rồi sau này với cương vị mới, ngài lại dạy người ta về đạo đức và trách nhiệm bảo vệ rừng.
Liên hệ quá khứ: Ngày 20/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, vì chỉ trong vòng 5 năm (từ 2010 – 2014), trữ lượng rừng khu vực Tây Nguỵên giảm hơn 57 triệu m3. Tính đến ngày 31/12/2014, tổng diện tích rừng của 5 tỉnh Tây Nguyên giảm 180.000 ha so với năm 2010.
Nghĩa là lệnh đóng cửa rừng được ban ra sau khi về cơ bản trên cả nước, rừng đã …phá xong.
Nói về sự phát triển ồ ạt sân golf hiện nay, Báo Tuổi Trẻ ra ngày 5/4/2021 có bài: “Cứ 2 tuần, có thêm 1 sân golf được cấp phép ở Việt Nam”.
Theo đó: “Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, thời gian gần đây, ước tính cứ 2 tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Sắp tới, dự kiến mỗi năm Việt Nam có thể có thêm 50 – 100 sân golf”.
Vì vậy mà có người đã chua chát bình luận rằng:
“Bao nhiêu tích cực trồng cây
Chỉ một chữ ký thổi bay cánh rừng
Khóc cười nước mắt rưng rưng”.
Vậy mà…..
Năm 2015, Thủ tướng tuyên bố: “không vì kinh tế mà hi sinh môi trường”, như báo Tuổi trẻ ra ngày 01/7/2016 đưa tin.
Ngày 23/2/2021, báo Nhân Dân điện từ đưa tin: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động Tết trồng cây tại Tuyên Quang”.
Ngày 5/4/2021, tờ (Chinhphu.vn) đưa tin:“Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh.”……………….
Theo một tính toán:
Trung bình sân golf 18 lỗ tiêu thụ 5.000 m3 nước sạch mỗi ngày. Lượng nước này đủ cho hàng chục ngàn hộ gia đình sử dụng. Nước được khai thác từ nguồn nước ngầm, sau một thời gian gây sụt lún đất, do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất từ sân golf là không thể tránh khỏi và không thể khắc phục.
Để duy trì thảm cỏ phi tự nhiên xanh mượt phải sử dụng rất nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu độc hại. Máy phun phát tán 90% độc chất vào không khí. Đặc biệt, các sân golf nằm gần sông, đầu nguồn hay gần khu dân cư thì hiểm họa không thể đo đếm nổi. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ EPA thống kê trên mỗi ha sân golf sử dụng trung bình lượng hóa chất gấp 3 – 5 lần số hóa chất cho canh tác nông nghiệp. Các độc chất này ngấm vào đất, nước ngầm, không khí.
Sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm “ngốn” 189,468 tấn phân hóa học; 8,88 tấn thuốc trừ sâu, khử trùng… Sân golf dùng chlorpyrifos, diazinon, isazofos, axit silic, oxit nhôm, oxit sắt… Trong đó, acrylamide cực độc với sinh vật và con người.
Chính vì thế mà Ủy ban Tổ chức thế vận hội quốc tế IOC từ lâu đã bác bỏ đưa golf vào danh mục thi đấu do sự độc hại mà sân golf đem tới cho môi trường.
Toàn cầu đã có phong trào chống lại sân golf “The Global Anti-golf”, ngày 29/4 hàng năm được chọn là ngày thế giới không có golf “World-No-Golf Day”.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 123 sân golf chiếm tổng diện tích khoảng 38.445 héc ta, trong đó diện tích dành cho chơi golf khoảng 27.000 héc ta (chiếm 70%), như báo VE conomy ngày 27/5/2018 đưa tin.
Hầu hết diện tích này là từ chiếm dụng đất bờ xôi ruộng mật đang trồng lúa và cả phá rừng nguyên sinh.
Nói về lý do “teo tóp” của sân bay Tân Sơn Nhất: Báo Công an Nhân Dân ra ngày 23/08/2019 có bài:“Diện tích sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn bằng 1/5 so với năm 1975.
Người ta giải thích lý do là do đô thị hóa mà không dám nói thẳng là do chiếm dụng. Hiện sân bay chỉ còn 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ.
Đó là nguyên nhân của tình trạng máy bay phải xếp hàng trên đường băng Tân Sơn Nhất. Là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn kinh khủng, đến nỗi khách vào sân bay phải bỏ xe xách va li chạy bộ cho kịp chuyến bay. Và sau những trận mưa lớn thì sân bay biến thành “sân bơi” vì nước không có lối thoát.
Với việc cho phép phá 160 ha rừng làm sân golf, thì hậu quả là: khi rừng còn, thì đó là tài sản chung của chúng ta, mọi người dân ai cũng được quyền tới để ngắm để nhìn, đề chụp ảnh đẹp. Nhưng một khi nó được đưa cho tập đoàn phá làm sân golf thì nó thành tài sản quản lý của tập đoàn đó. Người dân lao động làm gì có tiền để vào chơi những nơi này khi mà thẻ vào chơi cả tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí khác.
Vì golf là môn thể thao quý tộc, với các khoản chi phí được tính theo đô la. Chỉ những kẻ “xài tiền chùa” do vơ vét được, mới vào đó thư giãn đốt tiền tại sân golf.
Khi rừng đã mất, rồi hạn hán, rồi ruộng không còn làm được 2 vụ lúa nữa, cây trồng không có nước tươi, dân không có nước uống. Dân mình khổ đói lại phải sang tận Campuchia và Lào để làm thuê kiếm tiền.
Sự tác động của phá rừng là không kể hết: lũ lụt, xói mòn, hạn hán, dân đói khổ do thiên tai, ô nhiễm môi trường…Những trận lở đất và lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung năm 2020 vừa qua đã chứng minh điều đó.
Với việc cho phép tàn phá 160 ha rừng làm sân golf, và tốc độ phát triển sân golf ồ ạt như hiện nay, cho thấy nhóm lợi ích đã khuynh đảo và “lay động” đến “thượng tầng kiến trúc”. Và chúng đã thâu tóm, chia chác các tài nguyên và nguồn lực quốc gia để làm giàu cho phe nhóm mình.
Sau này lịch sử sẽ nhắc tên, nguyền rủa, và ghi “công trạng” những ai đã tiếp tay những dự án phá rừng kiểu này./.
#sângolf #nguyễnxuânphúc #tậpđoànFLC
Leave a Comment