Tân Phong – Việt Tân
“Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh túy, tinh hoa, đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần túy – Dương Trung Quốc.”
Ngày 26 tháng Ba, 2021, tại kỳ họp tổng kết của nhiệm kỳ Quốc Hội khóa 13, người ta được chứng kiến những phát biểu mang nhiều cảm xúc của một vài đại biểu thể hiện được chính kiến, nêu những bức xúc, vướng mắc, bất công trong xã hội trên nghị trường. Quốc Hội Việt Nam – nơi vai trò của những người được coi là “đại biểu nhân dân” và nắm “quyền lực cao nhất” chỉ là vật trang trí của chế độ. Trong tuyệt đại đa số hơn 500 những ông bà “nghị gật”, phải ghi nhận khách quan rằng vẫn có những cá nhân dù rất lẻ loi, nổi bật với những ý kiến phản biện sắc sảo, có tính khách quan và thẳng thắn. Đó là những đại biểu như Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc, Phạm Thị Minh Hiền, Ksor H’bơ Khăp, Sùng Thìn Cò, Lê Thanh Vân, Đỗ Văn Sinh…
Điều gây nhiều tiếc nuối cho đông đảo người dân khi trong buổi làm việc cuối của nhiệm kỳ Quốc Hội khóa 13, những đại biểu mà dư luận kỳ vọng đã nói lời chia tay với nhiều lý do khác nhau. Đại biểu Dương Trung Quốc nghỉ với lý do tuổi tác, đại biểu Ksor H’bơ Khắp nghỉ vì muốn tập trung chuyên môn, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền không có trong danh sách ứng cử dù rất muốn tiếp tục… Tất cả những đại biểu này, dù bất cứ lý do gì, tự nguyện hay do áp lực sắp đặt của hệ thống “đảng cử, dân bầu,” không thể tiếp tục nói lên tiếng nói đại diện quyền lợi người dân thì đều là mất mát và tổn thất của một xã hội càng ngày càng bị bó hẹp thông tin, kiểm soát về ngôn luận và độc tôn quyền lực chính trị phe đảng.
Ông Dương Trung Quốc có thâm niên 20 năm trong Quốc Hội, với tư cách là một nhà sử học, nhà báo và đồng thời là một người tham gia biên soạn nhiều tài liệu về “lịch sử Quốc Hội” đã có một bài phát biểu sâu sắc và sử dụng nhiều ẩn ý so sánh khi nhắc đến những “đỉnh cao phía sau lưng” của tổ chức được hiến định là “ý chí và quyền lực cao nhất của nhân dân.”
Ông Quốc cho rằng, nếu để so sánh về chất lượng nhân sự, tư duy thời đại và đặc biệt là các qui định và phương thức làm việc đảm bảo tính “dân chủ và công khai” của Quốc Hội hiện tại – tổ chức dân cử cao nhất trong hình tháp quyền lực của chế độ (về lý thuyết là như thế) thì có thể nói là hoàn toàn thua kém so với Quốc Hội 1946.
“Đỉnh cao phía sau lưng” – Quốc Hội khóa 1, sau cuộc tổng tuyền cử ở một nước thuộc địa, phong kiến vừa giành độc lập – được ông Dương Trung Quốc nhắc đến đặt trong một bối cảnh xã hội hết sức phức tạp, trên nền móng của một đất nước vừa trải qua đổ vỡ, chiến tranh và đói kém triền miên. Ông Dương Trung Quốc cũng nhắc những dự luật như luật biểu tình, lập hội – những quyền đã được hiến định… đã bị hoãn lại nhiều thập kỷ mà không có một lời giải thích thỏa đáng, cũng như việc chưa bao giờ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội “được” chất vất về hiệu quả làm việc…
Là người đã có dịp làm việc và tiếp xúc với ông Quốc, người viết đánh giá cao tầm vóc tri thức và tinh thần tôn trọng sự thực, các giá trị dân chủ và pháp quyền ở nơi ông. Đã có lúc, là một kẻ hậu bối còn nhiều lúc bốc đồng, người viết đã có những lời không phải và chê trách ông. Ông cũng không giận, không giải thích những uẩn ức, những áp lực đe dọa mà ông phải chịu đựng. Có thể nói, ông Quốc là một trí thức hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay có khả năng của một sử gia, một nhà xã hội học, một nhà báo… và thể hiện điều đó trong vai trò đại biểu quốc hội hết sức thành công.
Ở tuổi 75, ông vẫn có thể là một diễn giả quyến rũ, thể hiện tri thức phong phú, uyên viễn, chứ không giống như đám viên chức chỉ biết cắm đầu vào đọc một văn bản được cấp dưới soạn sẵn. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định “đến tuổi thì phải nghỉ vì sự minh mẫn không thể song hành cùng tuổi tác.” Một thông điệp rất ý nhị nhưng rõ ràng tới những “đại biểu” vừa lú, vừa lẫn nhưng vẫn quyết bám chặt quyền lực. Câu nói cuối cùng của bài phát biểu dài hơn 10 phút cuối cùng ở nghị trường, nơi ông đã thực hiện vai trò là người đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước suốt 2 thập kỷ, mới thực sự gây ngỡ ngàng.
Chúng ta phải coi Quốc Hội là tinh túy, tinh hoa, đừng coi Quốc Hội là sức vóc thuần túy!
Vẫn biết rằng quốc hội ở một xã hội toàn trị như Việt Nam chỉ là vật trang sức (sức vóc), lừa mị, nơi mà những “nghị gật” chỉ đóng vai trò duy nhất là những con rối, hợp thức hóa các bộ luật sai trái. Họ chính là những kẻ đào huyệt, đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài những giá trị dân chủ và nhân quyền ở một quốc gia cộng sản chuyên chế. Tuy vậy, chưa từng có một ai, có thể đứng giữa nghị trường, nói ra thực tế đó. Quốc hội – thứ “sức vóc” cho chế độ nhưng là gông ách đối với xã hội và người dân. Kinh phí hoạt động của tổ chức giả hình này mỗi năm khoảng 1,5 – 2,5 tỷ Mỹ Kim. Đối với một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở nhóm dưới cùng của Đông Nam Á (chỉ cao hơn Myanmar, Đông Timor, Cambodia…) như Việt Nam, đó là một gánh nặng quá mức.
Chi phí thường xuyên hàng năm cho bộ máy công quyền khổng lồ ở Việt Nam luôn chiếm tới 80% nguồn thu ngân sách. Trong khi, mỗi đồng đầu tư cho hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế luôn luôn phải ngửa tay đi vay nước ngoài nhưng “đảng và nhà nước” có thể chi hơn 1 tỷ Mỹ Kim cho những vở tuồng dân chủ giả cầy ở chốn nghị trường Quốc Hội. Đó quả thực là một thứ “sức vóc” đắt đỏ nhưng vô giá trị với người dân cũng như xã hội.
Tuy vậy, trong số hơn 500 “nghị gật” vẫn còn những con người có lương tri và tri thức, họ không chấp nhận chỉ “gật” hoặc “bấm.” Họ có tiếng nói riêng, nổi bật giữa bầy đàn u tối, vô nhân xưng. Tiếng nói của họ khiến đám chóp bu e ngại, những gã bộ trưởng “bò một nắng” quen thói lưu manh “cả vú lấp miệng đại biểu” bối rối bởi những câu hỏi, chất vấn sắc sảo. Dù vậy, những tiếng nói đáng quí ấy, lạc loài và dần rơi rụng, chìm lấp trong bầu không khí quyền lực vô nhân xưng, hắc ám.
Trong suốt một thời gian dài, người viết theo dõi và ghi nhận những tiếng nói của những đại biểu như Dương Trung Quốc, Phạm Thị Minh Hiền, Ksor H’bơ Khăp, Sùng Thìn Cò, Lê Thanh Vân, Đỗ Văn Sinh… với một sự tâm đắc, tôn trọng. Đặc biệt với hai nữ đại biểu là Phạm Thị Minh Hiền và Ksor H’bơ Khắp đã để lại ấn tượng sâu sắc cho hàng triệu cử tri.
Trong một bài viết phóng sự tổng hợp, người viết đã nhờ phương tiện truyền thông gửi đến đại biểu Ksor H’bơ Khắp về hiện trạng và nguyên nhân suy thoái nghiêm trọng của rừng Tây Nguyên cũng như những vấn nạn xã hội xuất phát từ việc di dân, phá rừng, phát triển nông lâm nghiệp thiển cận và hủy hoại văn hóa bản địa… Việc hai nữ đại biểu này không tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ Quốc Hội tới, quả thực là một sự hụt hẫng, đáng tiếc.
Những kỳ họp Quốc Hội Việt Nam – những tấn tuồng vô bổ và đắt đỏ sẽ vẫn tiếp tục với kịch bản định sẵn, đám đông vô nhân xưng, chỉ biết gật, lắc và bấm nút theo sự chỉ đạo của phe đảng mạnh nhất trong hệ thống quyền lực sắt máu tới chừng nào hệ thống cai trị vẫn hiệu quả trong việc bóp nặn và đàn áp người dân. Những tiếng nói phản biện ngày một thưa thớt, lẻ loi và đến lúc hoàn toàn biến mất. Khi một hệ thống quyền lực cai trị vắng bóng những tiếng nói trí tuệ và lương tri thì đó là một hệ thống quyền lực đã hoàn toàn phản động và không còn chút chính nghĩa.
Một định luật muôn đời là không một thể chế nào có thể tồn tại quá lâu khi nó không còn chính nghĩa. Khi phản kháng xã hội bùng nổ, chúng ta thấy những gì đang diễn ra ở Hong Kong hay Myanmar. Đám đông không bị dẫn dắt và lừa mị, người dân ý thức sâu sắc giá trị của Tự Do và nhân phẩm, họ sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ những giá trị và quyền lợi đó. Dù bị đàn áp nhưng họ có Hy Vọng. Xã hội có Hy Vọng. Tại Việt Nam – tuy đa số vẫn còn đang cúi đầu chấp nhận sự cai trị độc ác của một thiểu sống thống trị, nhưng người viết tin tưởng rằng một ngày nào đó ánh sáng của Tự Do, Dân Chủ sẽ mang đến niềm Hy Vọng cho ngày quật khởi của hàng triệu con dân nước Việt.
Quốc Hội Việt Nam nhiệm kỳ 13 kết thúc với những lời chia tay, những tâm nguyện, day dứt của những đại biểu có lương tri, tri thức, dũng khí gửi gắm đến những người còn ngồi lại ở cái hội trường mênh mông, hoành tráng nhưng vắng bóng dân. Tòa nhà Quốc Hội đã từ lâu không phải là diễn đàn cho những tiếng nói của Nhân Dân và vì Nhân Dân.
Người viết chợt nhớ đến “người đàn bà đẹp” Nguyễn Thị Kim Ngân với ấn tượng duy nhất bà ta để lại trong suốt thời gian làm “chủ tịch quốc hội” là series những mẫu thời trang áo dài cầu kỳ, lộng lẫy, vô cùng xa hoa. Bà Ngân chưa bao giờ cất lên tiếng nói của riêng bà ta, tiếng nói của người dân. Việc làm duy nhất của bà ta trong 5 năm là diễn những chiếc áo dài như một con malocanh vô hồn, bấm nút và đọc những diễn văn có sẵn, những lời mời phát biểu….
Cũng giống như bầy đàn vô nhân xưng, bà ta sẽ được lưu lại trong lịch sử về sự phù phiếm và thói điếm nhục trước ngoại bang. Quốc Hội khóa 13 do bà Ngân làm chủ tịch đã “mời” Tập Cận Bình phát biểu trước toàn thể đám “đại biểu nhân dân” để quân kẻ cướp họ Tập lớn tiếng chỉ đạo việc thúc đẩy “đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau” giữa hai đảng, nhà nước và quốc hội. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi hành động điếm nhục này của Quốc Hội Việt Nam khóa 13 của đảng CSVN.
Như một qui luật ngàn đời, thứ “sức vóc” đắt đỏ nhưng vô dụng này sẽ bị ném vào sọt rác của lịch sử, cũng giống như 300 bộ áo dài của bà Ngân, tới một lúc nào đó sẽ được trưng bày ở một bảo tàng chứng tích lịch sử minh chứng cho một chế độ tham nhũng và đớn hèn nhất trong mấy ngàn năm lịch sử của quốc gia này.
Tân Phong
Leave a Comment