Hiện tượng đô la mạnh lên và tình trạng yếu kém nền kinh tế VN

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Thâm hụt ngân sách nghĩa là chính phủ chi nhiều hơn thu, hay nói cho dễ hiểu là tiền từ chính phủ rót ra ngoài xã hội. Thâm hụt ngân sách càng tăng thì tiền chảy ra xã hội càng nhiều. Thâm hụt cán cân vãng lai (trong cán cân vãng lai có cán cân thương mại) cho biết hiện ngoại tệ chảy ra nước ngoài theo nhiều con đường khác nhau như con đường ngoại thương, con đường tài trợ, con đường gởi tiền nuôi con ăn học ở nước ngoài vv… Thâm hụt kép là tình trạng đất nước đó vừa bị thâm hụt ngân sách vừa bị thâm hụt cán cân vãng lai.

Được biết, năm 2020 Mỹ bị thâm hụt ngân sách lên tới gần 15% GDP và dự đoán sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2021. Cùng với đó, thâm hụt tài khoản của Mỹ đã ở mức khoảng 3,5% GDP và cũng có nguy cơ tăng lên. Nghĩa là năm 2020, nước Mỹ xảy ra hiện tượng thâm hụt kép. Nếu là Việt Nam mà xảy ra hiện tượng thâm hụt kép thì tiền nội tệ thừa mà ngoại tệ thì thiếu do chảy ra ngoài, điều đó rất dễ gây ra hiện tượng mất giá đồng nội tệ. Tuy nhiên khi nước Mỹ xảy ra thâm hụt kép thì điều gì xảy ra?

Đối với nước Mỹ, thì chính phủ chi tiêu cho ngân sách dùng đô la Mỹ, khi trao đổi buôn bán với thế giới họ cũng dùng đô la Mỹ, trả nợ nước ngoài họ cũng dùng đô la Mỹ, viện trợ cho nước ngoài họ cũng dùng đô la Mỹ vv.. Nói chung đối với nền kinh tế Mỹ thì không có sự phân biệt giữa nội tệ và ngoại tệ. Chính vì vậy, khi xảy ra thâm hụt kép thì đồng đô la chảy từ chính phủ ra ngoài xã hội nước Mỹ, và từ bên trong nước Mỹ đô la lại chảy ra thế giới. Nói chung dòng chảy đô la được khai thông, và từ đó người ta dự đoán đồng đô la sẽ mất giá trên thị trường thế giới.

- Quảng Cáo -

Dự đoán là thế, nhưng sang quý 1 và đầu quý 2 năm 2021 đồng đô la Mỹ vẫn mạnh lên và tăng giá trên thị trường thế giới, hoàn toàn ngược với dự đoán. Vì sao vậy? Vì nguyên nhân là sự yếu kém của các nền kinh tế mới nổi.

Lấy ví dụ như nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế nhìn vào con số thì thấy rất năng động nhưng bên trong rất yếu kém với trụ cột là FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Vì nền sản xuất còn yếu nên khi nhà nước bơm tiền thì đồng tiền đó chảy vào lĩnh vực sản xuất rất ít vì nền sản xuất Việt Nam không đủ sức để “ăn hết” số tiền đó, vì thế phần lớn tiền sẽ chảy vào bất động sản và chứng khoán, và từ đó hiện tượng thổi giá bất động sản hoặc thổi giá chứng khoán bùng lên. Được biết, kể từ tháng 3 thì cơn sốt đất diễn ra khắp nơi rồi mà chính quyền CS chưa biết khi nào hạ nhiệt.

Khi sốt đất lên cao quá, nhiều nhà đầu tư sẽ lo ngại xảy ra hiện tượng vỡ bong bóng, và từ đó một số nhà đầu tư chuyển sang dùng tiền nhàn rỗi mua đô la dự trữ để đề phòng rủi ro. Điều đáng nói là khi cảm thấy nền kinh tế đang gặp cảnh như thế thì nhà nước cũng cần dự trữ nhiều đô la hơn nữa để phòng rủi ro cho nền kinh tế. Tình trạng Việt Nam như vậy thì các nền kinh tế mới nổi khác cũng tương tự. Chính vì thế mà nhu cầu đô la trên thị trường thế giới tăng cao hơn lượng đô la bơm ra, kéo theo đó là nguy cơ đồng đô la sẽ tăng giá.

Đó là cái yếu kém của nền kinh tế Việt Nam qua hiện tượng đồng đô la tăng giá trái với dự đoán. Hiện nay sốt đất đang diễn ra tràn lan khắp Việt Nam, nó gián tiếp tố cáo sự yếu kém của nền kinh tế, không biết ông tân thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cách gì kìm sốt đất trước mắt và làm sao để nền sản xuất trong nước mạnh lên đây? Đấy là những bài toán đang đợi ông tân thủ tướng giải quyết./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vneconomy.vn/dong-usd-leo-thang-noi-lo-cua-cac…

https://baoxaydung.com.vn/sot-dat-khap-noi-lam-the-nao-de…

https://vtc.vn/khi-nao-con-sot-dat-ha-nhiet-ar605077.html

#nềnkinhtếvn #đồngđôla

- Quảng Cáo -