J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA
Ngày 29/03/2021, Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, Hà Tĩnh xác nhận đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh và Sở Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí để sửa chữa một số hạng mục cho cơ quan Huyện Ủy Hương Sơn hết 3,2 tỷ đồng.
Điều này đã ngay lập tức gây phẫn nộ cộng đồng mạng và dư luận nhân dân.
Một nhà vệ sinh bằng 13 ngôi nhà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng
1 tỷ đồng cho một nhà vệ sinh của cơ quan đảng một huyện, đó là đề tài mà người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước xôn xao. Trong khi “Khu vệ sinh phục vụ cán bộ tại huyện mới sửa chữa từ năm 2018” là lời ông Bí Thư huyện ủy đã khẳng định. Nghĩa là khu vệ sinh Huyện ủy mới sử dụng chưa được 3 năm, giờ xin 1 tỷ đồng xây dựng khu vệ sinh mới cho quan đảng với số lượng chưa đến 30 đảng viên sử dụng.
Lý do được Bí thư huyện ủy nêu ra, đó là do: “Hương Sơn đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, một trong các tiêu chí thì trung tâm của huyện phải đảm bảo chuẩn đô thị văn minh. Vì thế, tất cả các cơ quan, công sở đóng trên địa bàn trung tâm huyện phải đạt công sở văn hóa”.
Như vậy, chỉ vì cái tiêu chuẩn lạ đời là “Huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới” mà thị trấn phải xây dựng lại để đạt “công sở văn hóa” nên phải xin cả tỷ đồng để xây mới nhà vệ sinh.
Nghe câu giải thích của Bí thư huyện ủy, người ta thấy cứ lùng bùng trong lỗ tai chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Tại sao lại đang Thị trấn, thị xã, thậm chí thành phố, thủ đô lại đua nhau thi đua để đạt “Tiêu chuẩn nông thôn mới”? Có phải chăng nông thôn mới nó khác với nông thôn cũ và nó văn minh, hiện đại hơn thành phố, hơn thủ đô nên bây giờ tất cả đều phấn đấu thành nông thôn?
Cái gọi là “Văn hóa” được sử dụng một cách bừa bãi khắp Việt Nam bao năm nay, là một sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và định nghĩa ngôn ngữ Tiếng Việt. Khắp nơi nơi, từ thôn văn hóa, đến làng văn hóa, xã văn hóa và bây giờ là công sở văn hóa… Chính quyền Việt Nam đã mặc định văn hóa là một cái gì đó nó mới mẻ, xa lạ mà chỉ có đảng mới có thể đem đến hoặc xây dựng được văn hóa mà thôi.
Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam – Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 1998, thì: “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử”.
Vậy thì có cơ sở nào, nông thôn nào và làng xã nào không có văn hóa? Và cái văn hóa đang được hô hào kia là loại văn hóa nào? Phải chăng là nói theo cách nói dân gian: Việt Nam đã qua văn hóa thời kỳ đồ đá, đồ đồng và nay xây dựng văn hóa thời kỳ đồ… đểu?
Còn cái gọi là “công sở văn hóa” thì ý nghĩa của nó là gì? Như thế nào thì gọi là công sở văn hóa và loại công sở nào thì không văn hóa?
Phải chăng từ xưa đến nay, mọi công sở đều vô văn hóa? Hay ở đó đang xây dựng kiểu văn hóa cả làng, cả họ làm quan, cái kiểu văn hóa nịnh trên nạt dưới, phe cánh và tham nhũng là văn hóa mới chưa từng xuất hiện phổ biến trong lịch sử Việt Nam: Văn hóa độc tài?
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, theo báo cáo của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh, đến hết tháng 11/2020 Hà Tĩnh tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được 10.943 tỷ đồng. Trong khi chi ngân sách năm 2020 là cả năm là 17.716 tỷ đồng. Nghĩa là hàng năm, con số thu của Hà Tĩnh vẫn là số âm đến 7.000 tỷ đồng. Dù Hà Tĩnh đã được khen là “điểm sáng về thu ngân sách” – nghĩa là hệ thống thuế má ở đây đã làm nhiều cách khắc nghiệt để tận thu bằng được từ người dân từng đồng cắc bằng nhiều cách, thậm chí là bất minh, trái luật nhưng thu vẫn không thể đủ chi tiêu.
Vậy nhưng, nghèo đâu phải là yếu tố để cơ quan đảng không xài sang và lãng phí.
Khi Huyện ủy sửa nhà vệ sinh cả tỷ đồng, thì số tiền đó nói lên nhiều vấn đề khác nhau về mặt xã hội.
Số tiền 1 tỷ đồng mà Huyện ủy Hương Sơn xin để xây dựng nhà vệ sinh cho chưa đến 30 người sử dụng, bằng số tiền xây 13 ngôi nhà cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).
Bằng chứng là cuối năm 2017, số tiền Bộ đội biên phòng quyên góp được 70 triệu cùng với 10 triệu do đoàn thể địa phương góp đã xây được ngôi nhà cho Bà mẹ VNAH Phạm Thị Minh tại thôn 4, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Đó còn là một sự may mắn cho Bà mẹ VNAH Phạm Thị Minh, còn được hỗ trợ xây nhà khi đã chết.
Bởi còn có những bà mẹ VNAH khác ngay tại Hương Sơn như bà Lê Thị Tám, ở thôn Bình Sơn, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn và 3 con trai liệt sĩ Hồ Hữu Hoàng, Hồ Quốc Tuấn, và Hồ Hữu Kỷ. Thế nhưng, ngôi nhà của bà là ngôi nhà làm phúc của một doanh nghiệp xây cho bà từ 30 năm trước, nay đã hư nát và nứt nẻ trầm trọng nhưng không có tiền sửa chữa dù báo chí có kêu la.
Đó chỉ mới nói đến những nhân vật là bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã góp cả chồng con, thậm chí nhiều đứa con để xây dựng nên chế độ này, để cho các ông quan huyện ủy có cơ hội xin tiền sửa nhà xí sang trọng, chưa nói đến những cảnh đời gian nan ốm đau không tiền chữa bệnh, đói ăn không đủ cơm no ở huyện này còn nhiều nhan nhản.
Nhưng, quan thì phải khác dân, chỉ bởi quan là “đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”, đầy tớ có giàu, có sang thì ông chủ mới mong mở mày mở mặt!
Đến cuộc bầu cử Quốc hội
Có lẽ hài hước và lỳ lợm nhất, vẫn là những cuộc bầu cử ở Việt Nam.
Cứ đến hẹn lại lên, sau khi đảng tiến hành xong đại hội. Nghĩa là khi những chiếc ghế quyền lực đã được phân chia cụ thể sau những cuộc đấu đá khốc liệt giữa các phe nhóm, đồng thời những cuộc “chạy việt dã” bằng mọi thủ đoạn vào các ghế quyền lực đã có kết quả, thì cả nước “Mở hội bầu cử”.
Thế nhưng, đó là những cuộc bầu cử quyết liệt và gay cấn. Nhân thân các ứng cử viên được trình bày minh bạch, chi tiết mà không hề sợ “các thế lực thù địch lợi dụng”, chẳng cần hiệp thương hay thu xếp với phương thức “đảng cử, dân bầu” như ở Việt Nam. Những mặt mạnh, yếu về khả năng, năng lực cũng như hạn chế của các ứng viên được trình bày, bị chất vấn trước cộng đồng cử tri.
Những lá phiếu của người dân được thể hiện quyền lực của mình rõ ràng trên thực tế. Số phận thắng, thua của các ứng cử viên nhiều khi sát nút và công khai bằng các phương tiện có thể sử dụng.
Và các ứng cử viên thắng cuộc trong bầu cử là những người khẳng định rõ ràng sự tín nhiệm của cử tri đối với mình qua các lá phiếu của họ. Để rồi qua đó, họ trung thành và nhiệt tình phục vụ các cử tri, dân chúng đã bầu mình trong các hoạt động nghị trường sau đó.
Những cuộc bầu cử đó khác hẳn với những cuộc bầu cử ở Việt Nam, khi mà những ứng cử viên là những người được đảng phân chia và duyệt sẵn, việc đem ra bầu bán, chỉ là một trò hề theo đúng cách mà người cộng sản thường nói: Dân chủ giả hiệu.
Và điều mà chắc chắn rằng những người dân ở thế giới dân chủ, các nước văn minh sẽ hết sức ngạc nhiên, đó là chưa cần bầu cử, thì người ta đã đọc vanh vách những ai ở vị trí nào trong bộ máy quyền lực. Điều đó, họ biết rõ ngay từ trước khi đại hội đảng khai mạc.
Đó là một thực tế không thể chối cãi và chẳng cần nhọc công chứng minh, là một sự bình thường trong chế độ cộng sản độc tài, nhưng là chuyện lạ lùng trong xã hội văn minh.
Ở đó, các ứng cử viên được đảng sắp xếp, nhân thân, tư cách, trình độ và năng lực cũng như mọi mặt đều được xếp vào “Bí mật nhà nước”. Oái oăm thay, các ông bà chủ nhân dân cứ đi bầu mà chẳng biết những tên đầy tớ tự xưng là trung thành, tận tụy của mình được móc ra từ đâu, tư cách đạo đức như thế nào. Chỉ đến khi đứa nào bị lộ do phe phái đánh nhau, do giành ăn hoặc lỡ đà, sẩy chân, thì khi đó, ông chủ nhân dân chỉ biết kêu trời vì hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đã đội nón ra đi. Khi đó, thì nói như Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội thì: Quốc hội là của dân, quốc hội sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai.
Thậm chí, hài hước hơn, là có những người dân chẳng bầu, chẳng biết từ đâu, bỗng nhiên được đảng ném uỵch vào làm đại biểu cho mình. Trường hợp đại biểu quốc hội Đinh La Thăng từ Sài Gòn được ném vào Thanh Hóa làm đại biểu cho dân Thanh Hóa hoặc Nguyễn Văn Nên được bê từ Tây Ninh xuống Thủ Thiêm làm đại biểu là những ví dụ hài hước và không chỉ có thế.
Theo dõi những gì trong lý thuyết về bầu cử, những thực tế ở các nước văn minh, nhìn lại những cuộc bầu cử tại Việt Nam mới thấy một điều là sự lãng phí hết sức khủng khiếp khi đảng vẫn diễn đi diễn lại trò hế không mệt mỏi và thiếu liêm sỉ này.
Điều người ta đặt ra là tại sao đảng vẫn cứ diễn trò này mà không thấy xấu hổ và người dân Việt Nam cứ tiếp tục làm những khán giả bất đắc dĩ hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đâu có phải thời nay, người dân Việt không còn nhìn thấy những cuộc bầu cử khắp nơi trên thế giới đã và đang diễn ra như thế nào.
Cái gọi là “Quốc hội của dân” với gần 100 triệu dân kia phải gọi chính xác là “Đảng hội” với 95% đảng viên mới chính xác. Trong khi đảng chỉ là một nhúm người với mấy triệu đảng viên.
Cứ diễn những trò này, chi bằng cứ đến kỳ sau đại hội đảng, thì chỉ cần đảng công bố luôn danh sách các đại biểu của dân ở quốc hội, thế là xong.
Bởi mỗi lần diễn trò, con số tiền dân đốt vào đây là con số khủng khiếp. Theo Nguyễn Hạnh Phúc, quan chức có trách nhiệm trong Quốc hội công bố, số tiền dân đổ ra đốt trong màn hài kịch này là 4.000 tỷ đồng.
Số tiền này bằng 52.000 ngôi nhà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bằng số tiền xây nhà cho khoảng 300.000 người dân Việt Nam có chỗ ở đàng hoàng tử tế và vững chắc chẳng ngại mưa nắng, bão lụt.
Thế nhưng, đảng vẫn diễn và tiền vẫn cứ đốt.
Chỉ vì đó là tiền dân.
Chỉ vì điều đó phục vụ mục đích của đảng.
Tạm kết
Trong chế độ cộng sản, trong sách vở và trên môi miệng của hệ thống tuyên truyền, người dân là chủ đất nước, là được tôn trọng bậc nhất, là tất cả vì hạnh phúc của nhân dân…
Trong thực tế ở xã hội đó, đảng là ông chủ của người dân, dân là đàn cừu được đảng bố thí cho quyền được thở, được sống và được tự do bầu cử đúng ý đảng.
Ở đó, mọi nhu cầu của đảng là bậc nhất, là quan trọng. Người dân được tự do tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, được tự do hy sinh mọi nhu cầu cá nhân, gia đình, cộng đồng cho đảng, kể cả tính mạng, tài sản của mình, của chồng con, gia đình mình rồi sau đó được đảng tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Và cuối cùng, thì các bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn phải chấp nhận vất vưởng để nhờ sự làm ơn, bố thí của các đại gia, các doanh nghiệp mới có nhà ở, thậm chí nếu doanh nghiệp, nhà hảo tâm hoặc các tổ chức không dón tay làm phúc” thì các bà mẹ VNAH cứ vậy mà chấp nhận ở nhà xiêu, vách nứt.
Trong khi đó, chiếc hố xí của cơ quan đảng bằng 13 ngôi nhà của bà mẹ Việt Nam anh hùng là chuyện không thể thiếu.
Vì đó là đảng, là đội ngũ cán bộ, là lãnh đạo, là đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân.
Ngày 30/3/2021
Leave a Comment