Quảng Cáo

Quốc hội khoá 15 tiếp tục là nơi chia chác quyền lực

Quảng Cáo

Lê Văn Đoành

Đã thành thông lệ, quy trình của nhà nước cộng sản, khi các vị lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước không tái cử, không tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn được giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước khoá mới.

Theo đúng kịch bản đã được duyệt và “diễn ra mắt” tại Hội nghị Trung ương 2 khóa 13 hôm 8/3/2021, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự. Trình tự sẽ là, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

***

Bế mạc đại hội 13 hồi tháng 1/2021, nếu như phía Nam đại bại, Nam Bộ trắng tay trong “bộ tứ”, thì “sĩ phu” Nguyễn Phú Trọng đã gom về cho Bắc Hà số Ủy viên Trung ương là người Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 20 người. Về thứ nhì là phe Nghệ An của Vương Đình Huệ với 14 Ủy viên Trung ương, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị.

Chiều 30/3/2021, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã bị “miễn nhiệm”, trở thành cựu Chủ tịch Quốc hội với các vụ bê bối “ba trăm bộ áo dài”, cùng “chuyến bay Hàn Quốc”…

Ông Huệ tiển bà Ngân

Người thay bà Ngân là ông Vương Đình Huệ, tuyên thệ vào ngày 31/3/2021, với tư cách là Chủ tịch Quốc hội khoá 14 và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ông Huệ cũng sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội khoá 15, sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới, sẽ được trình diễn vào ngày 23/5/2021. Như vậy, ông Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội hai khóa 14 và 15.

Hai Ủy viên Bộ Chính trị người xứ Nghệ còn lại là: Phan Đình Trạc, giữ ghế Trưởng ban Nội chính và Nguyễn Xuân Thắng, cầm đầu Hội đồng lý luận Trung ương.

Các Ủy viên Trung ương gốc Nghệ An sắp được phê chuẩn để giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy khoá mới là:

– Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính

– Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

– Trần Sỹ Thanh, Tổng kiểm toán Nhà nước

– Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ chấm hết nhiệm kỳ Thủ tướng. Giải an ủi dành cho “trường hợp đặc biệt” mà ông Phúc nhận được là ghế Chủ tịch nước mà ông Trọng “nhả” ra. Mang tiếng là nguyên thủ, song chức danh Chủ tịch nước hầu như chỉ mang tính tượng trưng hơn là quyền lực hành pháp mà ông Phúc nắm giữ suốt 5 năm ông ngồi ghế Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, ở tuổi 67, ông Phúc vẫn không bị buộc phải “về vườn” như ông Tư Sang hay Ba Dũng hồi năm 2016.

Phạm Minh Chính được sắp xếp ngồi vào ghế Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới, thay ông Nguyễn Xuân Phúc. Lần đầu tiên, một Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng lại vào được “tứ trụ”, giành được vị trí quyền lực có lẽ chỉ sau Tổng Bí thư đảng. Phạm Minh Chính là “cha đẻ” của Luật đặc khu, đạo luật bị chỉ trích gay gắt là “bán nước”, nên tạm dừng lại hồi năm 2018.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 28/3/2021, quán triệt văn kiện Đại hội 13, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu nhưng do chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận, nên chưa thành công. Ông Phúc cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Như thế đã rõ, đảng CSVN đã quyết tâm làm Đặc khu, bất chấp phản đối của đa số dân chúng, nhân sĩ trí thức, trong đó có cả những người trong hàng ngũ cựu đảng viên cao cấp. Bây giờ thì sớm muộn gì các đặc khu cũng sẽ ra đời trong nhiệm kỳ thủ tướng của Phạm Minh Chính

Cuộc đối đầu giữa hai phe Thanh – Nghệ

Lịch sử chính trường Nghệ An – Hà Tĩnh vốn có nhiều ân oán với Thanh Hoá. Trước đây, năm 1997 khi được bầu vào ghế Tổng Bí thư khoá VIII, thay ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu đã tìm cách đưa đồng hương Thanh Hoá vào các vị trí béo bở. “Luân chuyển cán bộ” là cách ông Phiêu tạo ra đồng minh, nhưng cũng để lại không ít “ân oán” cho chính ông, là người vận hành cơ chế đó.

– Năm 1997, ngay sau khi nhậm chức, ông Phiêu đã đưa Bộ trưởng Lao động và Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan về làm Chánh Văn phòng Trung ương, nhằm tạo “chỗ trống” để kéo Ủy viên Trung ương cùng quê Thanh Hoá, là bà Nguyễn Thị Hằng lắp vào.

– Cuối năm 1999, ông Phiêu lại đem một người Thanh Hoá khác là Tô Huy Rứa, từ Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, được luân chuyển về làm bí thư Thành ủy Hải Phòng.

– Tháng 2/2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Vũ Khoan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị điều về thay chỗ ông Tuyển. Và dĩ nhiên, đối thủ “nặng ký” đã biến mất, ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được dành cho ông Nguyễn Dy Niên, cùng quê Thanh Hoá với Tổng bí thư Phiêu.

Năm 2010, phe Thanh Hoá gồm Tô Huy Rứa và Phạm Quang Nghị đã đánh bay đại diện Nghệ An là Hồ Đức Việt ra khỏi cuộc đua vào “tứ trụ” khoá 11.

Dự báo sẽ có một cuộc đối đầu ngấm ngầm nhưng khốc liệt giữa hai phe Thanh Hoá và Nghệ An. Cuộc chạy đua quyền lực trong tương lai giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính, sẽ là trở ngại không nhỏ cho ngài tân thủ tướng.

Show diễn “bầu cử Quốc hội”

Quay lại câu chuyện bầu cử Quốc hội khoá 15. Năm năm trước, số người “ứng cử” đại biểu QH khóa 14 là 870 người. Kết quả, có 496 người trúng cử, trong đó có 19 ủy viên Bộ Chính trị, 17 thành viên Chính phủ và chỉ có 21 người ngoài Đảng trúng cử.

Số tự ứng cử là 317 người, nhưng có 2 vị trúng cử, đó là ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO và ông Nguyễn Anh Trí, giáo sư y khoa, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, là người hôm 28/3/2021, đã “nịnh thối” ông Nguyễn Phú Trọng “có mái đầu bạc trắng hiên ngang, gánh sơn hà nặng trĩu hai vai“, để rồi phải nhục nhã hứng “bão” dư luận, mang theo vết nhơ “ngàn năm bia miệng”.

Tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội khoá 15, đảng CSVN khuyến khích tự ứng cử và hô hào “phấn đấu 25-50 đại biểu Quốc hội khóa 15 là người ngoài đảng“. Tất cả đều là bịp bợm, bởi đảng CSVN muốn có người tự ứng cử, muốn cơ cấu người ngoài đảng vào Quốc hội cho ra vẻ “dân chủ”, nhưng lại tạo ra chốt chặn và những cuộc “thanh trừng” rợn người.

Những ai hí hửng, ngây thơ, tin vào những lời bịp bợm của lãnh đạo đảng, tự ra ứng cử và nói tiếng nói trái chiều, lập tức bị tra tay vào còng. Việc hai ứng viên ĐBQH vừa bị bắt là câu trả lời rõ ràng nhất: Công an Ninh Bình bắt giữ là ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, hôm 11/3/2021 và Công an Hà Nội, bắt giữ ông Lê Trọng Hùng, 42 tuổi, sáng 27/3/ 2021, cùng tội danh “Phát tán tài liệu chống nhà nước”, nhưng thật ra tội của hai ông này là “tự ứng cử” không đúng “quy trình”.

***

Sáng 26/3/2021, tại kỳ họp 11 QH khoá 14, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã làm nóng nghị trường với phát biểu “Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực“.

Lưu Bình Nhưỡng là ông nghị từng có những chất vấn sắc bén và “nóng”, gay gắt và không ngại va chạm. Vì vậy, ông bị loại ra khỏi danh sách ứng viên tái cử vì “quá tuổi” (ông sinh tháng 2/1963, vừa tròn 58 tuổi), theo văn bản 174 của Bộ Chính trị và Quy định 36 của Ban Tổ chức Trung ương về “tiêu chuẩn của ĐBQH khóa 15”.

Dư luận xã hội không đồng tình, báo chí “không lề” chỉ trích gay gắt. Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội có văn bản đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương, kiến nghị Bộ Chính trị xem xét “trường hợp đặc biệt” đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.

Sân khấu chính trị Việt Nam với những màn phô diễn, đúng là cười ra nước mắt. Hình ảnh trái ngược với ĐBQH Lưu Bình nhưỡng là một nhân vật sắp bước sang tuổi 77, ốm đau bệnh tật đầy mình, đi đứng khó khăn, dù đã làm hai nhiệm kỳ, nhưng quyết phá luật chơi, vẫn được ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa!

Các lãnh đạo chóp bu đảng CSVN đời nào chịu từ bỏ thứ “quyền lực trong bóng tối”. Trong kỳ bầu cử Quốc hội khoá 14, trong số những người trúng cử có bà Nguyễn Vân Chi, là phu nhân của ông Vương Đình Huệ. Bà Vân Chi được “cơ cấu” ghế Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Thông tin mà chúng tôi mới nhận được, bà Chi cũng đã được giới thiệu tái ứng cử QH khoá 15.

Ngoài ra, em trai của ông Phạm Minh Chính là Phạm Tri Thức, cũng được làm đại biểu Quốc hội hai khóa 13 và 14, để ngồi ghế Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Bà Phạm Thị Thanh, em gái của hai ông Chính và Thức, cũng được giữ chức Vụ trưởng Vụ Nội chính, từ thời Chính phủ ông Phúc.

Về chuyện “cơ cấu” cho người trong gia đình ngồi vào các ghế quyền lực, phải kể đến con trai ông Phạm Quang Nghị là Phạm Quang Thanh, giám đốc một doanh nghiệp, cũng được vào Quốc hội từ năm 2016, trở thành đại biểu Quốc hội. Tháng 7/2020, Phạm Thanh Quang được “bầu” vào chức Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Trước khi rời chính trường, bà Tòng Thị Phóng, cựu Ủy viên BCT, Phó chủ tịch Quốc hội, cũng vừa ghi tên hai con mình vào danh sách ứng cử ĐBQH để giành chỗ “béo bở” trong hội trường Diên Hồng. Đó là “thái tử” Lò Việt Phương, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện và “công chúa” Lò Thị Việt Hà, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội.

 

Ông bà nào lên cũng thế thôi, bởi mô hình chính trị ở Việt Nam thì Đảng, Quốc hội, Nhà nước chỉ là một. Đại biểu Quốc hội nếu không là Ủy viên Bộ Chính trị, hay Ủy viên Trung ương Đảng, thì cũng là đảng viên, mà đảng viên “đại biểu” không thể làm trái những gì Bộ Chính trị đề ra.

Quốc hội và các đạo luật ra đời chỉ là công cụ để đảng Cộng sản Việt Nam thể chế hóa các chính sách. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, luôn có một cuộc họp kín của Bộ Chính trị, tiếp theo là Hội nghị BCH Trung ương Đảng.

Quyền lực, đặc quyền, đặc lợi sẽ được chia chác ở cấp cao. Dù người dân bị bắt buộc phải đi bầu, để đóng vai trong show diễn “dân chủ”, tại mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng dân đen mãi mãi là tầng lớp bị trị, không hề có bất kỳ tiếng nói nào, thông qua những người “đại diện” cho họ ở Quốc hội mà họ “bầu” ra./.

Nguồn: Báo Tiếng Dân

#quốchộicsvn #bầucửquốchội

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux