Đông Đô – (VNTB) – “Tôi là tôi nói thật, chỉ có cái trò thối thì mới bày ra kiểu quốc hội khóa cũ bầu chủ tịch quốc hội khóa mới. Nhố nhăng, coi dân chả ra gì, coi khinh cả quốc hội”.
Nhà báo Nguyễn Thông, cựu phóng viên báo Thanh Niên, gay gắt: “Thế thì kêu dân đi bầu quốc hội mới để làm gì, khi ‘nó’ do một đứa cũ cầm đầu. Thế mà các ông bà cán bộ lẫn đám báo chí cứ cung cúc ‘tuân chỉ’, không dám hé lấy một nhời. Lại nhớ câu danh ngôn của nhà cách mạng Pháp Jean Paul Marat khi bị xử tử “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống”. Không dám đứng, lại không dám nói, thì cứ lấy sự chịu đựng làm phẩm chất để tồn tại thôi”.
Trò nhố nhăng ấy là sản phẩm của ai, xin cùng tìm hiểu qua những lý luận thuần tuyên giáo Đảng.
Ở Việt Nam hiện nay, theo nguyên tắc Hiến pháp, hoạt động thể chế hoá do hai chủ thể thực hiện, là Đảng và Nhà nước.
Với vai trò lãnh đạo, Đảng tạo lập các cơ sở chính trị, định hướng nội dung, mục tiêu cho toàn bộ hoạt động thể chế hoá. Trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế trên cơ sở phù hợp với các định hướng chính trị do Đảng đưa ra.
Tuy vậy, đến nay vấn đề vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động thể chế hóa cụ thể như thế nào xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng và trong nội bộ Nhà nước cũng chưa được làm rõ và hoàn toàn thống nhất về mặt học thuật. Chính điều này đã dẫn đưa chuyện trớ trêu là quốc hội khóa cũ bầu chủ tịch quốc hội khóa mới.
Trên thực tế, đối với hoạt động thể chế hoá, vai trò của các tổ chức Đảng luôn được coi là rất quan trọng và rất lớn, đồng thời cũng không đơn thuần chỉ là việc Đảng đề ra các chủ trương, đường lối trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, để rồi căn cứ vào đó Nhà nước thực hiện việc thể chế hoá như là sự tách biệt rành rẽ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà toàn bộ quá trình, định hướng và các nội dung lớn trong hoạt động thể chế hoá đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng như Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư…
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành, Ban chấp hành trung ương Đảng là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ đại hội.
Với vị trí như vậy, Ban chấp hành trung ương Đảng giữ vai trò quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về đối nội, đối ngoại nhằm cụ thể hoá và thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đại hội Đảng.
Quyền lực trong hoạch định chiến lược của Ban chấp hành trung ương Đảng lâu nay bao trùm tất cả mọi lãnh vực từ lập pháp – hành pháp cho đến tư pháp; ngay cả cái gọi là quyền lực thứ tư về báo chí – truyền thông, cho đến nay vẫn thuộc độc quyền của Đảng.
Những gì mà báo chí lược thuật từ Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cho thấy bảng danh sách quyền lực của Ban chấp hành trung ương Đảng rất lớn:
(1) Xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch kinh tế – xã hội hàng năm, chủ trương đầu tư một số dự án đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… và cho ý kiến về một số đề án cụ thể, quan trọng khác thuộc các lĩnh vực ngoài các vấn đề đã ghi trong chương trình toàn khoá do Bộ Chính trị đề nghị;
(2) Xác định chủ trương và nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung Hiến pháp;
(3) Quyết định chủ trương về việc Việt Nam tham gia công ước, hiệp ước hoặc ký kết hiệp định song phương, đa phương đặc biệt quan trọng do Bộ Chính trị đề nghị;
(4) Quyết định về chủ trương thành lập, sáp nhập, chia tách các bộ, cơ quan ngang bộ, việc thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
(5) Quyết định giới thiệu nhân sự ứng cử, đề cử hoặc rút khỏi các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Trở lại với thắc mắc nêu ở tựa bài viết: Ai chịu trách nhiệm về sự nhố nhăng của chuyện quốc hội khóa cũ bầu chủ tịch quốc hội khóa mới?
Trên thực tế, đối với hoạt động thể chế hóa, vai trò của các tổ chức Đảng không đơn thuần chỉ là việc Đảng đề ra các chủ trương, đường lối (trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng) rồi căn cứ vào đó Nhà nước thực hiện việc thể chế hoá như là sự tách biệt rành rẽ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà toàn bộ quá trình, định hướng và các nội dung lớn trong hoạt động thể chế hóa đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng.
Đến nay vấn đề vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động thể chế hóa cụ thể như thế nào xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng, và trong nội bộ Nhà nước cũng chưa được làm rõ và hoàn toàn thống nhất về mặt học thuật.
Hơn nữa, dường như thể chế chính trị Việt Nam cũng mới chỉ định hình được nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm pháp lý của các tổ chức đảng và đảng viên… Rõ ràng, đây là những điểm còn thiếu hụt trong cơ chế hiện hành về hoạt động thể chế hoá cần phải nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Leave a Comment