Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 19 tháng Ba vừa qua, nhân 33 năm sự kiện Gạc Ma, báo Tuổi Trẻ đã đưa một bản tin dẫn lời phát biểu của Trung Tướng Hải Quân Nguyễn Văn Bổng rằng: “Xây dựng Hải quân Việt Nam đủ sức ‘răn đe’ trước các mối đe dọa.”
Tuy ông Bổng không nói rõ mối đe dọa ấy từ đâu, nhưng người đọc đều ngầm hiểu là “từ Trung Quốc,” đó cũng là sự thật hiển nhiên. Đối với người Việt Nam, lịch sử cho thấy kinh nghiệm xương máu của ít nhất 8 lần Việt Nam bị các triều đại Trung Hoa xâm lăng. Vì thế cho dù buộc phải có những mối giao hảo ít khi nồng ấm, đối với các triều đại Việt Nam trước đây nước láng giềng phương Bắc bao giờ cũng được xem như kẻ đối đầu, là kẻ thù hơn một người bạn tốt.
Chỉ riêng với đảng Cộng Sản Việt Nam, sau khi bị Trung Quốc “dạy một bài học” bằng quân sự năm 1979, Hà Nội luôn giữ thái độ nhún nhường quá mức ở Biển Đông mà chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: “xử lý trong sự tế nhị.” Vì thế, đụng đến hai chữ Trung Quốc, đảng và nhà nước CSVN vẫn cố tình tránh né không dám minh định qua nhiều sự cố. Rõ ràng là phát biểu của Tướng Bổng rằng đã xây dựng hải quân đủ sức răn đe chỉ là chuyện nói cho sướng miệng, trước những lời dè bỉu về thái độ bám bờ chống giặc của lực lượng hải quân Việt Nam.
Sự kiện Gạc Ma diễn ra ngày 14 tháng Ba, 1988 khi chiến hạm Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam giết chết 64 binh sĩ hải quân. Vào thời điểm đó, chính Tướng Lê Đức Anh, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng là người đã ra lệnh “không nổ súng” chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Lý do lúc đó đảng CSVN đang đi đêm với Trung Quốc để quay lại khấu đầu trước Bắc Kinh sau cuộc xung đột biên giới phía Bắc năm 1979.
Hành động đem sinh mạng binh sĩ hy sinh trước mũi súng giặc mang lại kết quả không có gì đáng hãnh diện: Bình thường hóa quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước vào năm 1991. Nhưng điều đó là vô cùng quan trọng đối với thời điểm đó, gấp rút đi tìm một chỗ dựa khi hệ thống chính quyền cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô. Hà Nội tự mình bước vào “một thời kỳ Bắc Thuộc mới,” câu nói được cho là của ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao thời đó.
Sau khi quỳ gối xưng thần, đảng CSVN công khai cấm những ai vì lòng yêu nước hàng năm tổ chức tưởng niệm Gạc Ma để ghi nhớ sự hy sinh cao quý của con dân Việt Nam. Vì đảng và nhà nước nghĩ khác với người dân Việt Nam, đó là sợ hành động tưởng niệm ấy đụng chạm tới thiên triều. Ngay cả một quyển sách nói về Gạc Ma (Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử) cũng cấm lưu hành!
Suốt trong nhiều năm qua, Trung Quốc không ngừng cho tàu hải cảnh tấn công ngư dân và tàu đánh cá Việt Nam thì phát ngôn viên chính phủ giả ngơ, gọi đó là “tàu lạ” Hải quân Việt Nam không được lệnh ứng chiến, mọi sự giao cho tàu cảnh sát biển. Chính quyền Việt Nam có lúc lại tổ chức chiến dịch phát “cờ Tổ Quốc” cho ngư dân chống tàu cá Trung Quốc có vũ trang!
Lực lượng Hải quân Việt Nam hiện nay so với các quốc gia trong khối ASEAN không phải là quá yếu. Ngoài lớp chiến hạm cũ còn lại sau năm 1975, Hải quân còn được trang bị ít nhất 4 chiến hạm lớp Gepard và tàu ngầm Kilo mua từ Nga. Ngoài ra còn một số tàu tuần tra biển cỡ lớn do Nhật Bản và Mỹ cung cấp. Tuy nhiên trước sự hung hăng ngày càng tăng trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, người ta chưa thấy hoạt động đáng kể nào của hải đội tối tân này trong chiều hướng bảo vệ ngư dân và biển đảo, so với hành động của các chiến hạm Indonesia trong vùng biển quần đảo Natuna.
Vậy thì xây dựng hải quân để làm gì, răn đe ai và dù có đủ sức mạnh đi chăng nữa, CSVN sẽ không dám đối đầu với Bắc Kinh. Vì chính lãnh đạo đảng hiện nay từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho đến tân Thủ Tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, đều là người được mô tả là thân Bắc Kinh. Làm sao họ có thể để cho hải quân Việt Nam đối đầu với những hành động hung hăng khiêu khích của Trung Quốc.
Sự kiện mới đây nhất, 220 tàu dân quân của Trung Quốc tập trung neo đậu gần Đá Ba Đầu, trong vùng đảo Sinh Tồn, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi Philippines là nước phát giác và lên tiếng báo động thì Hà Nội vẫn làm thinh như không có chuyện gì xảy ra. Mãi đến cuộc họp báo chiều 25 tháng Ba khi được hỏi về vụ này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn kiểu trả lời thuộc lòng như bao năm qua: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế…, v.v.”
Thử hỏi “Xây dựng Hải Quân Việt Nam đủ sức răn đe” của Tướng Bổng là phát biểu mang tính thách thức Bắc Kinh thật sự hay chỉ là để xoa dịu sự bực tức trong nội bộ đảng rồi thôi. Chờ xem!
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment