Quảng Cáo

Điều gì khiến Hoa Kỳ can thiệp vào các chính quyền độc tài quân sự?

Chính quyền Tổng thống Biden sẽ can thiệp vào tình hình tại Myanmar đến đâu? Ảnh: Reuters, Getty Images.

Quảng Cáo

Ba yếu tố quyết định việc nước Mỹ can thiệp hoặc không can thiệp vào các nước độc tài.

Luật Khoa Tạp Chí
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Myanmar tiếp tục leo thang, tiếng nói và chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, thành tích và mối liên hệ của các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm với nhiều chính quyền độc tài quân sự lại khiến bất kỳ nhà nghiên cứu và nhà quan sát quốc tế nào cũng phải đắn đo, suy nghĩ. Những người không ưa chính quyền Hoa Kỳ thì sẽ gọi họ là “bọn hai mặt”, “tiêu chuẩn kép” khi rao giảng đạo đức cho các chính quyền độc tài – quân sự mà không nhìn lại việc bản thân họ cũng đi đêm với không ít kẻ độc tài.

Tuy vậy, những quan sát cảm tính này không cho chúng ta một cái nhìn chuẩn xác toàn cảnh. Chúng cũng không thể cho ta biết động cơ, hoàn cảnh và những ngoại lệ liên quan trong mối quan hệ có phần phản lý tính giữa Hoa Kỳ – anh hùng “tự phong” của chủ nghĩa tự do, và các chính quyền độc tài quân sự.

May thay, nghiên cứu “When does America drop dictators?” (2014) của hai tác giả John M. Owen IV và Michael Poznansky (cùng đến từ Đại học Virginia) cung cấp cho chúng ta nhiều câu trả lời về vấn đề này. Đây là một nghiên cứu dài, khó đọc và khó theo dõi, người viết vì vậy cố gắng lược giản và trình bày những điểm chính yếu đến bạn đọc.

Một nửa bức tranh qua những con số

Đầu tiên, nghiên cứu dùng trường hợp nhà độc tài Hosni Mubarak tại Ai Cập và phong trào Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring) để làm nổi bật cái khó của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với giới lãnh đạo quân sự. Vào thời điểm đó, Tổng thống Obama phải đối mặt với bài toán khó: Liệu nước Mỹ có nên ủng hộ phong trào dân chủ bất lợi cho mình hay không?

Hosni Mubarak là một đồng minh tối quan trọng của Hoa Kỳ trong an ninh Trung Đông. Mubarak, bất chấp áp lực từ nhiều quốc gia Ả Rập, tiếp tục tôn trọng Hòa ước Ai Cập – Israel năm 1979. Ông cũng có đóng góp lớn cho việc kiềm chế tổ chức Hamas tại Palestine và phong tỏa tầm ảnh hưởng của Iran lên các vùng lân cận. Quan trọng hơn, chính quyền dân chủ có thể được bầu ra trong tương lai gần như chắc chắn sẽ từ bỏ các chính sách ngoại giao có lợi cho an ninh Hoa Kỳ.

Cuối cùng, Obama quyết định từ bỏ sự ủng hộ của mình dành cho Mubarak? Nhưng vì sao?

Đây là điểm khởi đầu cho các lập luận của hai nhà nghiên cứu: Hoa Kỳ chỉ quan tâm quảng bá các giá trị dân chủ tự do cấp tiến nếu họ cảm thấy các lợi ích an ninh của mình được đảm bảo.

Tổng thống Obama gặp mặt các lãnh đạo quốc gia khu vực Trung Đông vào tháng 9/2010. Hosni Mubarak là người ngoài cùng bên trái. Ảnh: AP.

Hai tác giả thừa nhận Hoa Kỳ có một thành tích khá tốt để chứng minh vai trò quảng bá quyền con người, dân chủ và các giá trị tốt đẹp liên quan. Chính phủ nước này sử dụng nhiều biện pháp từ ngoại giao, tác động kinh tế, thông qua các tổ chức quốc tế hay đôi khi là cả… vũ lực để chứng minh mình không nói suông.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng rất thường khoan dung với các chính quyền độc tài. Họ có thể ủng hộ các lãnh đạo độc tài thông qua gắn kết kinh tế, mua bán vũ khí quân sự hay đảm bảo an ninh. Tại Iran (1953), Guatemala (1954) và Chile (1973), Hoa Kỳ thậm chí chủ động can thiệp và hỗ trợ lật đổ các chính quyền dân cử tự do.

Việc một chính phủ như Hoa Kỳ ưa chuộng các chính quyền độc tài khiến người ta khó tin vào các học thuyết quan hệ ngoại giao cấp tiến (liberal international relation theory). Theo nhóm học thuyết này, các chính quyền dân chủ cấp tiến luôn hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau. Giả thuyết lớn nhất của họ là một chính quyền dân chủ luôn là một đối tác kinh tế, ngoại giao tin cậy và dễ đoán hơn.

Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (structural realism) thì cho rằng Hoa Kỳ không có lý do gì để quan tâm đến tình hình dân chủ của nước ngoài. Họ sẽ đi đêm với bất kỳ chính quyền nào có lợi cho mình. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển khẳng định, Hoa Kỳ cần đánh giá tổng hòa toàn bộ lợi ích để quyết định có ủng hộ một chính quyền độc tài hay không.

Hai tác giả của nghiên cứu cho rằng hầu hết các cách tiếp cận nói trên đều không thể dự đoán được khi nào, vì lý do nào mà Hoa Kỳ ủng hộ, hay từ bỏ một nhà độc tài (như trường hợp của Mubarak). Vì vậy, họ quyết định thực hiện một nghiên cứu định tính (qualitative approach), tập trung vào quyết định cuối cùng của một tổng thống Hoa Kỳ về việc tiếp tục ủng hộ hay từ bỏ một chính quyền độc tài.

Ba yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Hoa Kỳ

Owen và Poznansky đã sáng tạo và lập luận ra nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của Hoa Kỳ với các chính quyền độc tài.

Yếu tố thứ nhất là mô hình thay thế khả dĩ cho mô hình Hoa Kỳ (credible alternative to US model). Theo giải thích của hai tác giả, “mô hình Hoa Kỳ” bao gồm các yếu tố như kinh tế thị trường tự do, chủ nghĩa lập hiến, dân chủ… Trong khi mô hình thay thế cho Hoa Kỳ có thể là chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hoặc mô hình của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Tùy vào tình hình lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội và các thảo luận bên trong quốc gia, mô hình khả dĩ ở từng quốc gia để chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ khá khác nhau.

Yếu tố quan trọng thứ nhất: Quốc gia đó có lựa chọn mô hình chính thể thay thế cho mô hình Mỹ hay không? Ảnh minh họa: Brookings.

Ví dụ, theo người viết, mô hình Hoa Kỳ gần như nhận được sự ủng hộ tuyệt đối tại Singapore, bởi rất ít mô hình có khả năng áp dụng thành công tại quốc gia này. Môi trường kinh doanh có vai trò quyết định đến sự thành công của đảo quốc nhỏ bé. Trong hoàn cảnh thực dụng đó, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan không có cơ sở gì để phát triển, còn chủ nghĩa cộng sản đã trở thành câu chuyện của quá khứ.

Điều này hoàn toàn ngược lại với các nền cộng hòa mới nổi ở châu Phi như Tunisia. Tại các quốc gia này, vai trò của Hồi giáo hoàn toàn có thể lấn át những lời kêu gọi tự do hóa thị trường và những khái niệm nhân quyền hoàn toàn xa lạ với căn cơ tôn giáo của họ (như quyền của người đồng tính, quyền phụ nữ…).

Yếu tố này dẫn chúng ta đến biến số quan trọng thứ hai, là xung đột của giới lãnh đạo tinh hoa tại quốc gia lệ thuộc (client state).

Các tác giả dùng thuật ngữ “American-acceptance” (ủng hộ Mỹ) để chỉ nhóm lãnh đạo có cảm tình với mô hình Hoa Kỳ, những người cho rằng kinh tế – chính trị kiểu Hoa Kỳ có năng lực vượt trội so với các mô hình khác. Nhóm thứ hai là nhóm “American-resistance” (chống lại Mỹ), tập hợp những lãnh đạo cho rằng mô hình Hoa Kỳ không hấp dẫn, không phù hợp với nước họ và mong muốn tìm kiếm một mô hình thay thế.

Yếu tố cuối cùng là có hay không khủng hoảng (crisis) tại quốc gia lệ thuộc, và khủng hoảng này ảnh hưởng ra sao đến trật tự chính trị giữa hai nhóm “American-acceptance” và “American-resistance”.

Một điểm quan trọng mà nghiên cứu nhắc đến là bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào, dù tả hay hữu, đều có một ưu tiên nhất định dành cho các chế định và giá trị dân chủ. Đó là điều mà cử tri Hoa Kỳ luôn yêu cầu, và họ đánh giá trực tiếp thành công của một tổng thống phần nào đó dựa trên yếu tố này.

Do đó, một chính phủ của Hiệp Chúng Quốc sẽ không tiếp tục ủng hộ một chính quyền độc tài khi người dân Hoa Kỳ nhận thấy những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chính quyền độc tài này áp đặt lên người dân nước họ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ủng hộ hay từ bỏ một đồng minh độc tài của Hoa Kỳ. Nguồn: Owen IV & Poznansky (2014).

Ảnh trên là kết quả trực quan hóa kết quả nghiên cứu của hai tác giả.

Trục ngang thể hiện việc quốc gia lệ thuộc có đang bị dưới áp lực thay đổi hay khủng hoảng gì hay không. Trục dọc thể hiện việc có hay không mô hình thay thế khả dĩ cho mô hình Hoa Kỳ tại quốc gia lệ thuộc. Các biến “American-acceptance” và “American-resistance” là hai biến ẩn bên trong trục tung.

Lý giải biểu đồ theo cách đơn giản nhất như sau:

  • Nếu giới lãnh đạo lẫn phe đối lập của một quốc gia không cho rằng có mô hình vượt trội để thay thế cho vai trò của Hoa Kỳ, và không có bất kỳ khủng hoảng kinh tế – chính trị nào đang xảy ra ở đó; hiển nhiên Hoa Kỳ sẽ thoải mái tiếp tục ủng hộ vai trò của chính quyền độc tài này.
  • Trong trường hợp không có mô hình nào có thể thay thế cho Hoa Kỳ (tức cả phe chính phủ đương nhiệm lẫn phe đối lập đều tin tưởng vào sự vượt trội của các giá trị Mỹ), nhưng lại đang có khủng hoảng ở quốc gia đó, Hoa Kỳ sẽ sẵn lòng ủng hộ quá trình dân chủ hóa để thay thế vị độc tài “khách hàng” của họ.

Hai tác giả minh họa cho nhận định này bằng việc phân tích quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc.

Từ năm 1980 đến năm 1987, lãnh đạo đối lập Kim Dae Jung, xuất thân từ phong trào sinh viên, được xem là có tư tưởng thân Liên Xô và các giá trị của chủ nghĩa cộng sản. Điều này dẫn đến việc chính quyền Carter của Mỹ buộc phải tiếp tục ủng hộ chính quyền quân sự độc tài của Chun Doo Hwan, dù chính quyền quân sự này dùng vũ lực chết người đàn áp phong trào sinh viên.

Việc Kim Dae Jung có cảm tình với mô hình cũa Mỹ được cho là yếu tố quan trọng khiến Mỹ thúc đẩy dân chủ hóa tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap News Agency/ Reuters.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, Kim Dae Jung dần có cảm tình với mô hình của Mỹ, đặc biệt sau khi ông nghiên cứu và học tập tại Harvard (1984). Kim xuất bản quyển “Mass-Participatory Economy: Korea’s Road to World Economic Power” (Nền kinh tế đại trà: Con đường trở thành cường quốc kinh tế của Hàn Quốc) ngay sau đó, vạch ra tầm nhìn phát triển kinh tế cho Hàn Quốc theo mô hình Hoa Kỳ. Với việc phe đối lập ủng hộ mô hình kinh tế kiểu Mỹ và tinh thần Mỹ, Hoa Kỳ dần tạo áp lực và thúc đẩy dân chủ hóa tại Hàn Quốc.

Trong hai trường hợp còn lại, khi môi trường chính trị khu vực luôn có mô hình thay thế cho mô hình Mỹ và giới đối lập cũng có xu hướng “American-resistance” (chống Mỹ), Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ các chính quyền độc tài.

***

Người viết cho rằng nghiên cứu đã thành công phần nào trong việc tạo ra mô hình dự đoán phản ứng và cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với quá trình dân chủ hóa các chính quyền độc tài thân cận của mình.

Nghiên cứu này chỉ tập trung vào câu hỏi Hoa Kỳ có “bỏ rơi” đồng minh độc tài của họ hay không và trong hoàn cảnh nào. Tuy vậy, nền tảng và các biến được khái quát hóa rất tốt, giúp chúng ta có thể hiểu được phần nào động thái của Hoa Kỳ trước một số chính quyền chuyên chính, như Việt Nam hoặc Myanmar.

Trong trường hợp của Việt Nam, có thể thấy rằng dù mang danh nghĩa là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, Việt Nam không nhất thiết hoàn toàn phủ nhận mô hình Mỹ hay giá trị Mỹ, đặc biệt khi nói đến các vấn đề liên quan đến tự do mậu dịch. Thậm chí, các vấn đề liên quan đến pháp quyền hay cải cách tư pháp, diễn ngôn của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, nhìn ngược nhìn xuôi, cũng “Mỹ không kém Hoa Kỳ”. Điều này có thể là lý do Hoa Kỳ chưa bao giờ nghiêm túc đặt vấn đề với chính quyền chuyên chế tại đây, đặc biệt khi họ cần một đồng minh (dù nửa vời) ngay ở cửa ngõ biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh là ở mức độ nào đó, công chúng và dư luận Mỹ có khả năng gây ảnh hưởng lên chính sách của chính phủ liên bang. Ít ra thì việc tin tưởng mù quáng vào chính quyền để họ tha hồ ủng hộ những chế độ độc tài và vi phạm nhân quyền không phải là một đặc trưng của nền dân trị Mỹ.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux