Thiên Hạ Luận – Trân Văn – VOA
Tuy hệ thống tư pháp Việt Nam đã hoàn tất thủ tục phúc thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (trước nay vẫn được gọi tắt là “vụ án Đồng Tâm”) từ đầu tuần trước nhưng đến tuần này, công chúng vẫn còn thảo luận về bản án phúc thẩm (giữ nguyên hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên: Tử hình ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Phạt tù chung thân ông Lê Đình Doanh. Phạt ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, bà Bùi Thị Nổi 6 năm tù) và pháp chế XHCN…
Đã có rất nhiều người đề cập đến “vụ án Đồng Tâm”, trong đó có một số người đã dụng rất nhiều công để phân tích cả về vụ án lẫn chứng minh Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án sơ thẩm không những phi lý mà còn vô đạo – hệ thống tư pháp không ngần ngại ngụy tạo, ngụy biện để giết cho bằng được, giam cho bằng được các lương dân. Trong số các nhà phân tích này có ông Hoàng Xuân Phú (Giáo sư – Tiến sĩ Toán, Viện sĩ một số Viện Hàn lâm Khoa học của Đức và thế giới, từng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Các nước đang phát triển của Liên đoàn Toán học Thế giới,…).
Ông Phú không chỉ đọc – phân tích các dữ kiện, tài liệu mà còn đến tận hiện trường, thử thực nghiệm và công bố hàng loạt bản ảnh nhằm chứng minh: Bản án sơ thẩm bất chấp cả sự thật lẫn pháp luật. Tòa án đã nhân danh công lý để chà đạp công lý. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã sử dụng hệ thống tư pháp để biến vụ án Đồng Tâm thành một thông điệp: Nếu dám làm trái ý đấng cầm quyền, cho dù hành động hợp pháp và chính đáng đến đâu đi nữa thì cũng bị trừng trị thẳng tay. Và khi ra tay, thế lực cầm quyền bất chấp tất cả. Bất chấp đạo lý. Bất chấp lẽ phải. Bất chấp sự thật. Bất chấp cả Hiến pháp và pháp luật của chính nhà nước này (1)…
***
Phiên xử phúc thẩm của một vụ án liên quan tới tính mạng của hai con người và cuộc đời của bốn người khác, thậm chí sẽ tác động vào tương lai của nhiều gia đình, gia tộc đã diễn ra hết sức chóng vánh – chưa đầy hai ngày! Thành ra có rất nhiều facebooker, blogger như Lập Quyền Dân gọi cách xử lý hình sự vụ tranh chấp đất giữa nông dân với chính quyền ở Đồng Tâm là “vụ lừa thế kỷ”. Ở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mớm, dụ các bị cáo nhận tội. Ở đó, hệ thống tư pháp XHCN chứng tỏ giới cầm quyền bạo ngược, tàn ác hơn cả thực dân, phong kiến. Những kẻ thiết kế “vụ án Đồng Tâm” còn thâm hiểm hơn cả Tào Tháo (2)…
Về tính chất, phán quyết phúc thẩm là chung thẩm nhưng bản án phúc thẩm “vụ án Đồng Tâm” vẫn không thể đóng lại vụ án. Ông Ngô Anh Tuấn – một trong những luật sư bào chữa cho sáu người kháng cáo bản án sơ thẩm vừa kể thêm về những… động thái lạ sau khi Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên án: Tòa tuyên án ngày 9/3/2021 và sáng 17/3/2021, các luật sư tại TP.HCM – tốc độ nhanh khác thường. Có tin hai bị cáo bị phạt tử hình đã được chuyển từ Trại giam số 2 lên Trại giam số 1 (Hoả Lò) – động thái đáng lưu tâm vì có thể hai bị cáo đã không viết đơn xin tha tội chết. Theo thông tin từ gia đình cụ Kình, sau phiên xử phúc thẩm, hai công an xã đã đến nhà ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức thuyết phục gia đình viết đơn xin tha tội chết nhưng cụ bà Dư Thị Thành giận dữ quát “Chết trẻ khỏe ma, gia đình tao không viết”.
Ông Tuấn kể thêm: Các luật sư từng bào chữa cho các bị án đã bàn với nhau cử người vào trại giam, tư vấn cho họ viết đơn xin ân giảm vì mong muốn thân chủ của họ có cơ hội được sống và tiếp tục hành trình kêu oan nhưng đó là điều không thể thực hiện được vì vai trò của luật sư gần như bằng “0”. Nếu không có sự chấp thuận của cơ quan thi hành án thì không thể thăm – gặp thân chủ… Trong vụ này, chúng tôi rất lo lắng cho cả hai phía, cả người dân lẫn chính quyền. Chết đi là hết, nếu sau này bản án được lật lại và xem là oan, cơ hội sửa sai không còn… Đó sẽ là nỗi day dứt khôn nguôi của những người tuyên án dù lỗi không chỉ thuộc về riêng họ. Cùng với đó là ba sinh mạng, ba cha con trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Dù nguyên nhân phát xuất từ tranh chấp nguồn gốc đất đai hay bất kỳ nguyên nhân nào khác, nó vẫn là nỗi đau tột cùng với người ở lại.
Theo cảm nhận của Ngô Anh Tuấn thì sự phẫn uất đang ngấm vào máu thịt của nhiều người, hận thù không chấm dứt mà ngấm ngầm sinh sôi. Điều khó tránh khỏi đó cũng chính là “tử huyệt” mà không một chính quyền nào mong muốn nó tồn tại cả. Cũng vì vậy, Tuấn hy vọng: Những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ nhìn thẳng vào sự thật và có cách ứng xử phù hợp. Đừng dồn dân tới bước đường cùng để rồi sau đó có lúc rơi nước mắt, thốt ra những lời “giá như” muộn màng, giống như đã từng diễn ra trong quá khứ (3)…
***
Nếu đọc những bài ông Hoàng Xuân Phú viết về “vụ án Đồng Tâm” trên website của ông, ai cũng có thể thấy ông Phú đã dành nhiều tháng để xem xét dữ liệu, tài liệu, khảo sát hiện trường, đối chiếu – phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định trong từng bài viết (4). Đáng lưu ý là càng dụng tâm và dụng công, niềm tin, hy vọng của ông vào hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam càng hao mòn. Ở bài gần nhất (Giải mã vụ Đồng Tâm), cả niềm tin lẫn hy vọng của ông Phú – một trong những trí thức hàng đầu tại Việt Nam – đã cạn sạch. Ông tâm sự: Tôi vẫn viết thêm bài này. Không phải để tranh luận với thế lực bất chấp tất cả. Mà viết cho đồng bào tôi đọc, cho đồng bào tôi hiểu. Bởi cái mà đồng bào tôi đang rất cần và rất đói là sự thật. Đặc biệt, những người có lương tri trong đảng cầm quyền càng cần hiểu đúng cái sự thật phũ phàng của tội ác Đồng Tâm, và giúp các đồng chí của họ cùng hiểu ra sự thật. Chỉ khi đã hiểu đúng sự thật, thì mỗi người mới có thể tự mình trả lời câu hỏi: Ta phải làm gì?
Những facebooker, blogger khác cũng vậy. Cũng vì vậy, nhiều người chia sẻ, tán thành nhận định của blogger Lập Quyền Dân: Thắng dân chỉ là ảo tưởng… Ác mấy cũng không thể thắng được dân… Lịch sử sẽ bàn tiếp câu chuyện đau thương mang tên Đồng Tâm theo cách của nó, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những lời cáo trạng “bỏ túi” dùng để khép tội 29 nông dân dám chống lại một nhà nước độc tài và toàn trị như chính quyền Nguyễn Phú Trọng.
Chú thích
(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=GiaiMaVuDongTam-20210307
(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-cruelty-cant-kill-people-03102021104658.html
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10218564754221304&id=1569759542
(4) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings
Leave a Comment