Cứ vào dịp đầu năm mới là dân tình khắp nơi đi đền chùa, cúng vái khắp nơi. Nhiều người chạy theo tâm lí đám đông lễ hết chùa này đến chùa khác, đua nhau công đức, cúng dường rồi mặc cả với thần Phật xin xỏ trúng mánh, buôn một lãi mười, làm ăn phi pháp không bị phát hiện…
Họ muốn dùng đồng tiền bẩn của mình để nương nhờ của Phật, mong Phật hóa giải những tội lỗi của mình.
Nhưng cứ tham nhũng rồi mang tiền đi cúng, thần Phật nào cứu nổi.
Báo Kiến Thức ra ngày 24/02/2021 có bài: “Giáo hội Phật giáo triển khai ‘cúng dường online’
Theo đó: “Để tránh tụ tập đông người tới chùa do dịch Covid-19, và hòa chung xu hướng thời đại 4.0, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn một số chùa triển khai việc cúng dường online”.
Theo giáo lý nhà Phật: Từ ngữ “cúng dường” có nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ, những người có công truyền đạt đạo lý làm người, điều hay lẽ phải như ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng đời đời giúp ta an trụ trong chánh pháp, hiểu rõ chúng sanh trong lục đạo luân hồi đều là bà con quyến thuộc của nhau …
Những món cúng Phật đúng nghĩa là:
Hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái cây, nước trong. Đôi khi thêm cơm trắng là đủ.
Công đức không nằm ở giá trị của phẩm vật cúng dường mà nằm ở cái tâm.
Quan niệm cho rằng cúng nhiều tiền thì Phật được hưởng?
Theo giáo lý nhà Phật thì việc cúng đó không phải là cho Phật. Phật không nhận cái đồng tiền đó, hoàn toàn không nhận một cái gì hết.
Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị thiếu thốn. Phật không cần cúng dường của chúng ta.
Theo phó trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Tiến Đạt, không có chuyện cứ làm điều xấu rồi lên chùa cúng dường là giải được nghiệp. Mang tiền bẩn cúng dường đừng mong tạo phúc.
“Đức Phật chỉ dạy tu tập để tiêu trừ ác nghiệp, không ai làm phúc cho ta, không ai trừ được họa cho ta. Họa phúc do chính ta tạo nên, tự chịu trách nhiệm và tự thay đổi. Chúng ta là chủ nhân của nghiệp thì phải thừa nghiệp. Tạo nghiệp thế nào thì phải chịu vậy. Không Phật nào giải được nghiệp cho ta. Ngay cả ông bà tổ tiên của chúng ta thì cũng không thể “đỡ” được nghiệp cho con cháu mình”.
Nghi thức “cầu an”, “dâng sao giải hạn” hay thỉnh “oan gia trái chủ” đều không có trong giáo lý nhà Phật.
Ngày 20/2/2019, báo Tuổi trẻ có bài: “Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an”.
Văn bản do hòa thượng Thích Thiện Nhơn ký nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người… Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người chỉ đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như báo chí đã phản ánh.
Văn bản khẳng định: “Dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo. Do đó, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội PGVN yêu cầu tăng ni, nhất là các chư vị lãnh đạo giáo hội, cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an, đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi”.
Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Lưu Trọng Văn dẫn bài viết của nhà giáo Thái Hạo, một người rất am hiểu Phật giáo với tựa đề: “Thầy ở chùa có còn ở các chùa hiện nay không”?
Theo đó: “Phật giáo là một hệ thống tư tưởng có nguồn gốc từ Ấn Độ, do một người có tên Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) sáng lập…. Phật giáo vốn KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO, nó là một hệ thống tư tưởng triết học có tính hiện sinh, dùng để áp dụng vào đời sống để tránh những lầm lạc và đạt tới mục đích cao nhất là hạnh phúc (viên mãn) bằng con đường của trí tuệ sáng suốt dựa trên nỗ lực và sự tự chủ của cá nhân mỗi người.
Như thế, Phật là một ông thầy giáo – người có năng lực trí tuệ và lòng bi mẫn đã dành cả đời để giúp đỡ mọi người bằng cách “khai dân trí” cho họ.
Tuyệt nhiên không cần cúng bái, lạy lục. Nếu có lạy cũng để tỏa lòng tôn kính và biết ơn thầy minh; không cần bày ra các lễ lạt rườm rà hình thức gây lãng phí và làm mê muội nhân tâm.
Xin nhớ rằng, họ không có quyền năng gì trong việc ban phước giáng họa cho ta cả; cái lợi ích (nếu có) thì là do sự chân thành học hỏi và kiên trì thực hành đúng phương pháp từ lòng nhiệt thành giảng dạy của thầy chùa mà có.
Như thế, Phật giáo chuyên chở một tinh thần nhân bản sâu xa và tư tưởng tự do tiến bộ mà ở đó con người được đề cao với địa vị chưa từng có. Và những người Phật giáo phải tự tin và tự lực mà khai mở lấy cái trí tuệ vô giá đang bị chôn lấp kia chứ không phải ném cuộc đời mình cho Phật hay Bồ Tát nào cả.
Xin nhớ rằng, mọi sự thực hành trong đường lối của Phật giáo là đều nhằm để khắc chế cái tâm động loạn và vô minh này. Và mọi sự “tu hành” phải lấy việc hướng nội làm tông chỉ.
Hướng ngoại tìm cầu đều là đường tà.
Cho nên mới có câu “Phật tại tâm” là vì thế.
Quan niệm của chùa Ba Vàng trong việc thỉnh “oan gia trái chủ” và cúng dường ra sao?
Trong cuộc pháp thỉnh với gần 1.000 phật tử vào tối 21/3/2019, trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định: “pháp thỉnh “oan gia trái chủ” là chính pháp… những gia đình nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo”.
Quan niệm như thế là hoàn toàn trái với giáo lý nhà Phật.
Khi mà tình trạng mê tín mịt mù trong xã hội Việt Nam ngày nay cần phải được tẩy uế bằng cách rọi ánh sáng của chánh pháp và tiếp nhận các thành tựu của khoa học nhân loại như Phân tâm học, vật lý lượng tử… để mong cứu chuộc lấy nhân tâm.
Trách nhiệm ấy thuộc về những người quản lý, những nhà khoa học và những nhà giáo chân chính như là một cách thực hành từ bi đối với chúng sinh theo lời Phật dạy./.
#cúngdườngonline #giáohộiphậtgiáoVN
Leave a Comment