Phạm Nhật Bình –Việt Tân
Sau năm 1975, Việt Nam thực sự trải qua nhiều giai đoạn khó khăn không lối thoát. Sự sụp đổ của nền kinh tế tập trung đưa đến sự biến dạng của một xã hội đang đi dần đến hỗn loạn từng ngày. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, những người cộng sản cầm quyền tuy đang vất vả với 2 cuộc chiến tranh với nước láng giềng, cũng kịp nhận ra ý nghĩa của câu “đổi mới hay là chết,” mà là một cái chết được báo trước.
CSVN buộc phải chấp nhận từ bỏ một phần con đường kinh tế chỉ huy để bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế từ 1987, tức sau đại hội đảng lần thứ VI năm 1986. Tuy được cho là áp dụng kinh tế thị trường nhưng vẫn lưu luyến chủ nghĩa cộng sản, nên thể chế chính trị hoàn toàn không thay đổi và được mô tả bằng nhóm từ ngữ lôi kéo “định hường xã hội chủ nghĩa” còn tồn tại đến ngày nay.
Năm 2008, theo tiêu chuẩn đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới WB (Word Bank) quốc gia nào có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 Mỹ Kim là quốc gia nghèo. Cũng năm này, con số của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam đưa ra, lần đầu tiên người dân Việt Nam đạt thu nhập bình quân 1.024 Mỹ Kim, có nghĩa Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách các quốc gia nghèo đói. Như thế, sau hơn 20 năm (1986-2008) bước vào sân chơi kinh tế thị trường, Việt Nam mới ra khỏi tình trạng nghèo đói, xem ra là quá chậm.
Thế nhưng trong hơn 2 thập kỷ hội nhập ấy, với lợi thế của một quốc gia có tiềm năng phát triển, Việt Nam đã nhận được viện trợ hào hiệp và vốn vay lãi suất thấp đến cả 100 tỷ Mỹ Kim của các định chế tài chính quốc tế. Và cái kết quả mang lại thật không tương xứng với những gì nhận được, mà nợ công lại mỗi năm mỗi tăng! Việt Nam là “quốc gia không muốn phát triển” không phải là lời nói đùa của chuyên gia kinh tế mà là một sự thật đầy mỉa mai không thể chối cãi.
Cũng theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới, mức thu nhập từ 1.035 đến 4.045 Mỹ Kim là thu nhập trung bình thấp; từ 4.046 đến 12.535 Mỹ Kim là thu nhập trung bình cao và từ 12.536 trở lên được xếp vào thu nhập cao.
Thử nhìn lại Nam Hàn, quốc gia đã trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt từ cuộc xâm lăng của Bắc Hàn trong 3 năm (1950-1953), đến năm 1960 vẫn là một nước nghèo ở Á Châu. Nhưng tới năm 1990 tức hơn 30 năm sau chiến tranh, với sự phát triển phi thường, bền vững, Nam Hàn từng bước đã trở thành một nước có thu nhập cao. Hiện nay Nam Hàn là nền kinh tế đứng hàng thứ tư Á Châu với thu nhập đầu người vượt quá 33.000 Mỹ Kim, sánh vai trong hàng ngũ các nước phát triển Tây phương.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư thu nhập trung bình của người Việt Nam là 3.500 Mỹ Kim. Nhưng theo đánh giá lạc quan của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF (International Monetary Fund) nếu tính theo sức mua, GDP đầu người Việt Nam đạt trên 10.000 Mỹ Kim. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiến rất chậm. Từ năm 2008 đến 2019 trong khoảng 10 năm gần đây nhất với đầu tư ngoại quốc không ngừng gia tăng, thế mà Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. Người ta có thể thấy hai điểm:
1/ Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ trước đến nay bề ngoài có vẻ tân tiến hơn thời bao cấp lạc hậu, nhưng phần nhiều là những hệ thống máy móc với công nghệ thô sơ đã qua sử dụng, chỉ thích hợp cho nền kinh tế gia công. Vì thế, cho dù lấy các công ty FDI (Foreign Direct Investment) làm đòn bẩy cũng không đưa được tổng sản lượng cả nước lên như mong muốn. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì Việt Nam cũng khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp trong tương lai.
Việt Nam không thể mong đợi FDI đầu tư công nghệ cao, vì trước hết công nhân Việt Nam phải có tay nghề cao và năng suất làm việc đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hiện nay đa số lao động Việt Nam đều không qua huấn luyện chuyên nghiệp, sự đào tạo nếu có chỉ làm qua loa lấy thành tích báo cáo và phải đi làm thuê bằng sức lao động chân tay là chính.
2/ Nếu Việt Nam chỉ chạy theo FDI mà không mạnh mẽ đầu tư và khuyến khích nền kinh tế nội địa với các công ty tư nhân đóng vai trò chính, thì dù người Việt Nam có tài năng, kiến thức cũng bó tay. Vì họ thiếu khả năng tài chính để phát triển và cạnh tranh cũng như thiếu chỗ dựa từ chính sách kinh tế đúng đắn của nhà nước. Những kinh nghiệm phát triển kinh tế từ những quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan không phải là những bài học khó học. Đó là chú trọng nuôi dưỡng tư bản nội địa lớn mạnh để có thể có đủ khả năng cùng tư bản nước ngoài đẩy mạnh nền kinh tế đất nước vươn lên.
Chiến lược phát triển của đảng CSVN, đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại thu nhập cao. Đó là những ước mơ đẹp nhưng đầy ảo tưởng của những nhà lãnh đạo cộng sản già nua hiện nay, mà tới năm 2045 họ đã thành bộ xương khô trong một nghĩa trang cao cấp nào đó và không kịp thấy ước mơ của mình tan vỡ. Bởi vì chừng nào đảng CSVN chưa nhìn ra và chưa giải quyết hai vấn đề mấu chốt nêu trên một cách thực tế chứ không phải bằng nghị quyết, thì may ra Việt Nam mới thoát ra khỏi bẫy thu nhập thấp.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment