Quảng Cáo

Từ Ô Khảm đến Đồng Tâm rồi Myanmar: Khi những con lợn ở mãi trên cây không chịu xuống

Quảng Cáo

Con đường đấu tranh cho dân chủ, tự do và tự quyết không có chỗ cho những lời nói dối.

Y Chan – Luật khoa tạp chí|

Phiên phúc thẩm của vụ án Đồng Tâm bắt đầu vào ngày 8/3, dự kiến kéo dài ba ngày, nhưng chỉ sau chưa đến hai ngày, tòa đã tuyên y án. Nó cũng tương tự như phiên sơ thẩm vào tháng 9/2020, dự kiến kéo dài 10 ngày, nhưng tòa đã tuyên án chỉ sau bốn ngày xét xử thần tốc.

Trong cả hai phiên xử, những người tổ chức thực hiện phiên tòa đều bác bỏ toàn bộ các nghi vấn về bằng chứng, làm ngơ tất cả các yêu cầu thực nghiệm lại hiện trường, cấm cản mọi nỗ lực tiếp cận và công khai thông tin, nhất loạt gật gù theo những dòng cáo trạng đã được vạch sẵn.

Hai ông Lê Đình Chức (trái) và Lê Đình Công bị y án tử hình tại phiên toà phúc thẩm xử 6 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 9/3/2021

Gọi là “những người tổ chức thực hiện phiên tòa” vì không chỉ có các thẩm phán hay công tố viên, mà tất cả những ai đại diện cho chính quyền có mặt trong phiên tòa, từ lực lượng bảo vệ bên ngoài đến nhân sự đảm bảo an ninh bên trong, đều đóng tròn vai của mình trong các phiên tòa kangaroo này.

Đối diện với dân Đồng Tâm, những con người này cũng rất đồng tâm đồng lòng bảo vệ ước muốn của một thế lực, thay vì quan tâm đến sự thật và công lý.

Cách gọi “phiên tòa kangaroo” (kangaroo court) thật ra không đủ để diễn tả những gì đang xảy ra.

Thuật ngữ trên xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 ở bên Mỹ. Thời đó, có một loại thẩm phán chuyên được thuê để xử các vụ việc ở vùng Viễn Tây. Những thẩm phán này giống như lính đánh thuê, đi hết chỗ này đến chỗ khác để xử án. Họ được trả tiền theo số lượng phiên tòa đã xử, và trong một số trường hợp, còn được trả công theo mức phạt mà bị cáo phải gánh. Sự thật và công lý, rất dễ hiểu, không phải là bận tâm lớn nhất của họ.

Hình ảnh những tay thẩm phán nhảy lóc chóc đi kiếm cơm trên cái mác công lý được người ta ví như con kangaroo.

Đó là nước Mỹ vào thời kỳ hoang dã. Ở Việt Nam, cùng với các nước vẫn còn để cho một thế lực nắm độc quyền thời nay, người ta không cần phải là kangaroo mới có thể nhảy xa và nhảy cao.

Trong các hệ thống đặc quyền này, lợn cũng có thể leo cây.

***

ÔKhảm cách đây đúng 10 năm là cái tên nóng sốt ở khắp Trung Quốc, không khác gì Đồng Tâm ngày nay tại Việt Nam.

Người dân thôn Ô Khảm biểu tình đòi quyền lợi. Ảnh chụp từ phim tài liệu “Lost Course” năm 2019.

Thời điểm đó, những người dân tại thôn Ô Khảm, thuộc thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, phát hiện ra 3.200 mẫu đất nông nghiệp ở làng (hơn 210 hecta) bị chính quyền địa phương rao bán, thu về 700 triệu NDT, tức là gần 2.500 tỷ đồng. Mỗi hộ dân trong khi đó chỉ được đền bù 550 NDT, chưa đến 2 triệu đồng.

Sau nhiều năm kiên trì khiếu kiện theo đúng trình tự mà không ai quan tâm giải quyết, vào ngày 21/9/2011, hàng ngàn người dân thôn Ô Khảm kéo nhau lên biểu tình tại trụ sở chính quyền.

Những gì diễn ra tiếp theo là một kịch bản quen thuộc. Chính quyền trấn áp. Xung đột nổ ra. Người dân nổi giận đổ ra đường. Chính quyền càng tăng cường trấn áp. Cò kè căng thẳng. Đại diện hai bên đối thoại. Chính quyền hứa hẹn giải quyết. Người dân hân hoan tin tưởng. Các lãnh đạo biểu tình lần lượt bị bắt. Mọi lời hứa rơi vào hư không.

Có những điểm giống nhau đến kỳ cục giữa sự kiện Ô Khảm và Đồng Tâm, từ cách hành xử của chính quyền đến suy nghĩ của những người đấu tranh.

Chính quyền mặc định mọi hoạt động lên tiếng đòi quyền lợi của dân là “tụ tập gây rối”, có ý đồ “phản động”, thậm chí là việc làm của “các thế lực thù địch”.

Phản ứng đầu tiên của họ là dùng vũ lực trấn áp. Khi tăng cấp vũ lực, kể cả bao vây phong tỏa thôn làng mà vẫn không triệt tiêu được ý chí phản kháng, các quan chức mới tính đến chuyện “hòa giải”, hứa hẹn giải quyết tận gốc các bức xúc của dân. Khi mọi chuyện lắng xuống, chính quyền lần lượt bắt giữ tất cả những người lãnh đạo phong trào đấu tranh.

Người dân trong khi đó, dù bị đàn áp bạo lực dẫn đến thương vong, vẫn tỏ ý trung thành với chế độ.

Thông cáo của người dân Ô Khảm gửi cho các cơ quan báo chí trong sự kiện biểu tình năm 2011. Ảnh: Reuters/ 達志影像.

Người thôn Ô Khảm, sau khi được chính quyền hứa hẹn giải quyết, đã gửi thông cáo đến báo chí, nói rõ mình vẫn là những “đảng viên”, vẫn “ủng hộ Đảng Cộng sản”, không có ý định “khởi nghĩa”, xin báo chí cùng chính quyền đừng “khuếch đại” sự việc.

Còn người dân Đồng Tâm, điển hình là lãnh đạo nông dân Lê Đình Kình, đến tận giờ phút cuối cùng trước khi bị lực lượng chính quyền tiêu diệt, vẫn một lòng “tin vào Đảng”, tin rằng các quan chức tham nhũng “chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng”.

Niềm tin mà những người dân đặt vào thể chế, vào đảng toàn trị, rõ ràng tỷ lệ nghịch với niềm tin của các cán bộ chính quyền dành cho họ.

Và nó có lẽ cũng tỷ lệ nghịch với lòng tin mà các quan chức – những người thấy rõ mọi thứ ở bên trong – thật sự đặt vào tính chính danh của thể chế.

***

Myanmar cách đây 10 năm trở thành cái tên nổi tiếng khắp thế giới. Khi chính quyền độc tài quân sự đồng ý thực hiện các cải cách dân chủ, nhiều người ví von mùa xuân rốt cuộc đã tới trên mảnh đất Miến Điện xinh đẹp.

Vào thời điểm người dân Ô Khảm đổ ra đường đấu tranh, sau đó tự bầu ra các lãnh đạo nông dân của mình, người Myanmar cũng bắt đầu được nếm thử mùi vị của tự do và tự quyết.

Các nhà lãnh đạo đối lập, nổi bật nhất là Aung San Suu Kyi, được phóng thích. Những quy định hạn chế các đảng đối lập được gỡ bỏ. Luật về quyền biểu tình được thông qua. Bộ máy kiểm duyệt cũng nới lỏng. Người dân lần đầu tiên có thể truy cập các trang web trước kia bị cấm như Youtube và BBC.

Người ủng hộ Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi theo dõi cuộc bầu cử năm 2016 ở Yangon. Ảnh: The Asia Foundation.

Giống như Ô Khảm từng được tung hô là “mô hình dân chủ” ở Trung Quốc, Myanmar cũng được phương Tây ngợi khen là hình mẫu chuyển đổi dân chủ trong hòa bình.

Những ánh nắng le lói chiếu rạng khiến người ta quên đi rằng các tảng mây đen khổng lồ vẫn lởn vởn trên bầu trời.

Người Myanmar được quyền bầu cử tự do, nhưng các tướng lĩnh quân đội, thông qua bản Hiến pháp sửa đổi năm 2008, đã cài sẵn những điều khoản đảm bảo chiếc ghế thống trị của họ không bị thách thức – luôn chiếm sẵn 25% số ghế trong Quốc hội, nắm trong tay ba bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ và Biên giới, đồng thời luôn để ngỏ khả năng đảo chính lấy lại quyền lực.

Nó giống như việc trả lại ngôi nhà đã chiếm dụng bao nhiêu năm qua cho chủ nhân thật sự, nhưng vẫn thòng cho mình bộ chìa khóa dự phòng, bất kỳ lúc nào cũng có thể lẻn vào đuổi chủ nhân ra lại ngoài đường.

Quân đội Myanmar đã làm đúng việc đó, chuồn vào và cướp lại nhà, khi tiến hành đảo chính vào đầu tháng 2/2021, sau kỳ bầu cử Quốc hội cuối năm ngoái mà đảng do họ ủng hộ thất bại thảm hại.

Lý do cướp quyền của họ rất cao cả: bảo vệ nền dân chủ non trẻ của đất nước.

Còn với Ô Khảm, chỉ vài năm sau sự kiện người dân nổi dậy đòi đất và tự bầu ra các vị trí đứng đầu địa phương, chính quyền lần lượt bắt giữ hết các lãnh đạo nông dân.

Giờ đây, tại “ngôi làng dân chủ” một thời, không còn ai muốn lên tiếng.

***

Đồng Tâm trong mắt người Việt Nam, Ô Khảm trong mắt người Trung Quốc, và Myanmar trong mắt cộng đồng quốc tế, vào những thời điểm khác nhau, đều trở thành những ngọn đuốc hy vọng.

Giờ đây, dù đã bị thổi tắt như Ô Khảm, hay chỉ còn cháy âm ỉ như Đồng Tâm, hoặc đang hừng hực như Myanmar, nó vẫn luôn có giá trị soi sáng.

Vào cuối tháng 12/2011, thời điểm xung đột Ô Khảm đang cao trào, Trịnh Nhạn Hùng là một trong những quan chức chính quyền được cử đến “hòa giải” với dân làng.

Trong buổi tiếp xúc đó, ông phê phán người dân theo dõi tin tức từ báo chí nước ngoài mà không tin tưởng chính quyền trong nước. “Báo chí nước ngoài mà tin được thì đến lợn nái cũng biết leo cây”, đó là lời của vị quan chức này 10 năm trước.

Vào thời điểm hiện tại, Trịnh Nhạn Hùng đang là người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hong Kong. Đây là cơ quan được lập ra sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên đặc khu hành chính vào tháng 6/2020.

Trong tiếng Anh, “lợn biết bay” (pigs can fly) là cách nói thể hiện sự nghi ngờ về một chuyện không thể xảy ra.

Những con lợn rõ ràng không chỉ biết leo cây, mà còn biết bay cao.

Lợn ở đây không phải chỉ người – bất kể bạn nghĩ gì, việc so sánh một số người với lợn là một sự xúc phạm đối với loài vật này.

Ẩn dụ “lợn biết bay” là chỉ những lời nói dối.

Bài học từ Ô Khảm ngày trước, Đồng Tâm hôm qua, và Myanmar của hôm nay, là trong những cuộc đấu tranh giành công lý, giành lại quyền tự do và tự quyết, không có chỗ cho những lời nói dối.

Những con lợn một khi đã biết trèo cây sẽ mãi không chịu leo xuống./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux