Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Năm 2016, tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội NEF (New Economics Foundation) – một tổ chức có trụ sở tại Anh, công bố Chỉ số hành tinh Hạnh phúc HPI (Happy Planet Index), trong đó xếp Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất, đứng đầu Á Châu và hàng thứ 5 trên thế giới. Đây là câu chuyện cũ, nhưng vì lý do tuyên truyền cho đảng CSVN sau đại hội XIII nên tuyên giáo trung ương chỉ đạo cho các báo lề đảng lấy cũ làm mới, nhằm đề cao “tính ưu việt ” xã hội chủ nghĩa.
Chỉ số HPI của NEF dùng để đo lường mức độ hạnh phúc của người dân trong các quốc gia, dựa vào 4 chỉ số như sau:
– Chỉ số hài lòng với cuộc sống; chỉ số này dựa trên dữ liệu thu thập từ Gallup Poll.
– Tuổi thọ trung bình
– Bất bình đẳng thu nhập; là sự chênh lệch trong chất lượng cuộc sống do thu nhập không đồng đều giữa các tầng lớp xã hội.
– Dấu chân sinh thái; tức vấn đề ảnh hưởng của môi trường tính trên đầu người.
Hạnh phúc là mơ ước lớn lao nhất của đời người trong cuộc sống, nhưng làm sao để biết mình hạnh phúc thật sự là điều không dễ. Việt Nam nếu so với những gì đang diễn ra dưới một xã hội ngột ngạt về nhân quyền, tư tưởng bị nhà nước kiểm soát ngặt nghèo mà được xếp là quốc gia hạnh phúc thứ 5 thế giới sau Costa Rica, Mexico, Colombia, Vanuatu thì quả là điều bất ngờ cho chính người dân Việt Nam. Cho nên mới có câu hỏi: Hạnh phúc này là hạnh phúc của đảng CSVN hay hạnh phúc của nhân dân Việt Nam?
Nếu nói là đảng CSVN, tức là những nhà lãnh đạo và đám quan chức cán bộ cao, trung cấp trong bộ máy quyền lực thì quả thật 4 chỉ số HPI nói trên làm họ rất hài lòng. Đó là những người hạnh phúc nhất trong giai cấp cai trị. Nhưng với gần 100 triệu người dân bị trị còn lại thì phải nói là họ khá giật mình khi đọc kết quả này.
Trước hết, hãy nói về chỉ số hài lòng trong cuộc sống. Đây là một chỉ số có thể nói là rất mơ hồ. Dù là dựa trên sự thu thập của Gallup Poll đi chăng nữa, những người dân trong chế độ độc tài được hỏi sẽ không bao giờ có thể trả lời một cách trung thực. Bởi lẽ những cơ quan mà Gallup hợp tác hoặc nhờ vả làm phỏng vấn, thống kê đều là cơ quan nhà nước. Các cơ quan này có nhu cầu chọn lọc người được phỏng vấn để có “thống kê tốt,” vì thế ai cũng trả lời hài lòng. Trong thực tế, khi người dân sống trong cảnh bị công an kềm kẹp, ngoài xã hội báo chí quốc doanh ca tụng đảng cầm quyền một chiều thì mấy ai dám nói không hài lòng. Cho nên có thể kết luận chỉ số hài lòng trong cuộc sống là một chỉ số vu vơ, không có thật hay chỉ làm hài lòng đảng CSVN.
Tiếp theo, chỉ số tuổi thọ trung bình cũng là điều đáng quan tâm. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6. Với kết quả này Việt Nam đứng trong số quốc gia có tuổi thọ trung bình, xếp hạng trong khoảng 77 trên 195 quốc gia và khu vực. Trong khi đó ở Á Châu, Nhật Bản là quốc gia mà người dân có tuổi thọ trung bình cao nhất 82,3 kế đến Hong Kong 82,2. Như vậy làm sao nói Việt Nam là nước hạnh phúc nhất Á Châu khi tuổi thọ chỉ ở mức khiêm tốn 73,6. Thông thường một đất nước có tuổi thọ cao mới có thể nói là có hạnh phúc trong cuộc sống về phương diện tinh thần cũng như vật chất.
Chỉ số bất bình đẳng trong thu nhập cũng là một vấn đề. Việt Nam so với hơn 20 năm trước tuy không còn là một quốc gia quá nghèo, nhưng sự phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày nay vẫn không đồng đều nên sự bất bình đẳng trong thu nhập đầu người đang đặt cho nhà cầm quyền những thử thách khó vượt qua. Chủ nghĩa tư bản xã hội chủ nghĩa biến thái không ngừng tạo ra một tầng lớp nhà giàu mà gia sản tính bằng triệu đô-la, cộng sinh chặt chẽ với đảng CSVN, trong khi đại đa số dân nghèo tầng lớp dưới kiếm chưa đủ miếng ăn. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng bị đào sâu; trong thực tế khoảng cách giữa 20% người có thu nhập cao so với 20% người có thu nhập thấp là hơn 10 lần.
Sau cùng là dấu chân sinh thái, tức môi trường sống thì khỏi phải bàn. Nạn ô nhiễm môi trường diễn ra hàng ngày, từ ô nhiễm nguồn nước kể cả sông rạch và bờ biển, đến ô nhiễm không khí, rác thải. Nhất là hạn mặn diễn ra khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua, cây lúa không còn đủ sức vươn lên giữa đồng ruộng khô cằn khiến hàng triệu nông dân phải bỏ ruộng vườn tha phương cầu thực. Thế thì làm sao gọi Việt Nam là thiên đàng của dấu chân sinh thái?
Tóm lại, các báo đài quốc doanh đang “hồ hởi” xưng tụng chỉ số HPI năm 2016 xếp Việt Nam là quốc gia hạnh phúc hàng thứ 5 thế giới như một kết quả thần kỳ trong đất nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng chỉ số ấy chẳng những không làm cho người dân Việt Nam hạnh phúc hơn chút nào mà trái lại nó chỉ tô điểm thêm nét lừa dối hào nhoáng trên gương mặt đảng CSVN.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment