Quảng Cáo

Đơn Kiến nghị của 3 Luật sư

Quảng Cáo

FB Luân Lê

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—–***—–

Hà Nội, ngày … tháng … năm 2021

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(V/v: Làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm về một số nội dung còn mâu thuẫn trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội)

Kính gửi:
– Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội

Chúng tôi gồm:
1. Luật sư Nguyễn Hà Luân​
2. Luật sư Lê Văn Luân
​​3. Luật sư Phạm Lệ Quyên

(Cùng thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

Là những người bào chữa cho các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức (tại giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm) và Nguyễn Quốc Tiến (tại giai đoạn phúc thẩm) trong vụ án “Giết người” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Vụ án đã được TAND Thành phố Hà Nội xét xử theo thủ tục sơ thẩm từ ngày 07 – 14/09/2020, và sau đó các bị cáo đều có đơn kháng cáo.

Xét thấy trong quá trình xét xử sơ thẩm, còn có nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bị cáo, cũng như gây ảnh hưởng tới việc xác định sự thật toàn diện và tính khách quan của vụ án, nên chúng tôi làm văn bản này gửi tới Quý tòa và Quý viện với một số nội dung và đề nghị dưới đây:

I. LIÊN QUAN TỚI VẤN ĐỀ CHỨNG CỨ

Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS 2015 thì chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, và sẽ được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Theo đó, chứng cứ phải đảm bảo các thuộc tính đó là: tính xác thực (có thật), tính hợp pháp (phải được xác định từ nguồn chứng cứ (Điều 87 BLTTHS), và được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định pháp luật), và tính liên quan (có mối liên hệ khách quan với những tình tiết trong vụ án) (Điều 108 BLTTHS 2015).

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã công bố một số video, bao gồm: video dạng phóng sự của Đài truyền hình (Đã được biên tập lại để phát sóng trên truyền hình) và các video ghi lại lời khai của các bị cáo, trong đó có nội dung các bị cáo nhận tội. Các video này đã được HĐXX chấp nhận như là chứng cứ của vụ án dưới dạng là dữ liệu điện tử (Điều 87.1.c BLTTHS 2015) để quyết định các vấn đề của vụ án. Vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra ở đây là: những tài liệu (video) này có đáp ứng đủ những thuộc tính của chứng cứ để có giá trị chứng minh tội phạm hay không?

Xét trong bối cảnh các chứng cứ được thu thập và đánh giá, chúng tôi thấy bật lên các vấn đề nghiêm trọng sau:

Thứ nhất, tại phiên tòa, nhiều bị cáo khai rằng đã bị đánh đập nhiều lần trong thời gian tạm giam, lời nhận tội trong các video là do bị Điều tra viên ép buộc nói. Ngoài ra, chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy rằng những video này đã thông qua việc biên tập (Tức là chỉnh sửa, can thiệp bằng cắt, ghép, ráp nối..) từ nhiều video khác nhau tại những khoảng thời gian khác nhau. Có nhiều đoạn video của các bị cáo đã quay và đưa lên mạng từ nhiều năm trước, nay được ghép vào trong các video này (Được trình chiếu tại tòa) và đã tạo thành các video mới với những nội dung hoàn toàn khác với mục đích và hoàn cảnh ban đầu của sự kiện, thể hiện qua lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, Lê Đình Công ngay tại phiên tòa. Các video bị chèn thêm nhiều câu chữ, ký tự, biểu tượng, làm mờ, thay màu nền…. Như vậy rõ ràng có thể thấy các video này đã bị tác động và làm cho biến đổi, hay nói cách khác là dữ liệu đã bị biên tập, không phải dữ liệu gốc, không còn đảm bảo tính xác thực, và sự toàn vẹn, nguyên gốc của chứng cứ, nên không đảm bảo giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử (Điều 99.3 BLTTHS 2015).

Thứ hai, những video nhận tội được Đại diện Viện kiểm sát cho biết chúng được quay khi vụ án ở giai đoạn điều tra, nhưng trong tất cả các video lại xuất hiện thuật ngữ “bị cáo” trước chân dung các bị cáo khi phát hình. Theo quy định tại 61.1 BLTTHS 2015 thì “bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”, tức là sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử bởi Tòa án thì người bị buộc tội mới có tư cách là “bị cáo”. Như vậy là có mâu thuẫn về thời điểm tạo ra các video này hay nói cách khác chính thởi điểm xác lập chứng cứ?

Do đó, phải khẳng định rằng, những video này không thể được coi là chứng cứ trong vụ án.

Thứ ba, liên quan tới vấn đề bảo quản dữ liệu điện tử, tại Điều 107.5 BLTTHS 2015 quy định dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, những video này lại được xuất hiện trên truyền hình, và được phát sóng trên khắp cả nước. Tại phiên tòa khi trình chiếu các video cũng không thấy việc bóc mở niêm phong các chứng cứ. Như vậy, rõ ràng, các dữ liệu điện tử không đảm bảo quy định để trở thành chứng cứ.

Hơn thế nữa, trước khi vụ án được đem ra xét xử, chúng tôi đã có đơn đề nghị được tiếp cận và sao chụp toàn bộ tài liệu của vụ án, trong đó có bao gồm cả dữ liệu điện tử, nhưng đã bị từ chối. Điều đó có nghĩa là những người bào chữa không được tiếp cận đầy đủ các chứng cứ, tài liệu mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng cho lập luận kết tội.

Với những lập luận và phân tích nêu trên, căn cứ Điều 280.1.d, Điều 45.2.b BLTTHS 2015, chúng tôi đề nghị Quý Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi vi phạm hoạt động tư pháp thì cần phải kiến nghị xử lý, nếu nghiêm trọng thì phải khởi tố vụ án khác để tránh bỏ lọt tội phạm và ảnh hưởng tới quyền lợi của các bị cáo cũng như nền pháp chế.

II. VẤN ĐỀ NẰM TRONG LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA CÁC BỊ CÁO

Tại Điều 324 BLTTHS 2015 có quy định về lời nói sau cùng, ý nghĩa của lời nói sau cùng chính là để đảm bảo quyền tự bào chữa và cũng là các ý nguyện của các bị cáo trước khi HĐXX vào nghị án.

Sau khi nghe toàn bộ lời nói sau cùng của 29 bị cáo thì đa số các bị cáo (21/29) đã gửi lời cảm ơn tới các giám thị trại giam, quản giáo đã “giáo dục”, giúp họ hiểu rõ các hành vi của mình là vi phạm pháp luật, hay nói cách khác chính là việc giúp đỡ họ nhận thức bản thân họ đã có tội. Vậy hành vi “giáo dục”, giúp đỡ của các giám thị trại giam hay các quản giáo đối với các bị cáo trong thời gian tạm giam, khiến họ rơi vào trạng thái kết tội chính bản thân mình, trong khi chưa trải quá trình trình tự tố tụng luật định nào thì có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp này là sự vi phạm nghiêm trọng một lúc rất nhiều vấn đề luật pháp có tính nguyên tắc.

Thứ nhất, một tổ chức hoặc cá nhân khi nào thì mới được coi là có tội? Theo quy định tại Điều 31.1 Hiến pháp 2013, thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị buộc tội trong vụ án này là 29 bị cáo, họ sẽ không bị coi là có tội cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh được họ có tội và hiển nhiên rằng việc chứng minh họ có tội cũng phải tuân theo trình tự mà pháp luật tố tụng hình sự và luật khác có liên quan quy định. Trên tinh thần đó, tại Điều 13 BLTTHS 2015 cũng đã quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này là xương sống cơ bản, xuyên suốt quá trình tố tụng trong mọi vụ án.

“Tạm giam” chỉ là một trong số những biện pháp để kịp thời ngăn chặn tội phạm khi có căn cứ chứng tỏ rằng người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, chứ không phải là hình phạt đối với các bị cáo (Điều 109, BLTTHS 2015). Các bị cáo trong quá trình bị tạm giam hoàn toàn không bị coi là có tội, các hành vi của họ vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm rõ để chứng minh việc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự xảy ra hay không? Nếu không thì trả tự do cho người bị cáo buộc, và nếu có thì mức độ sẽ như thế nào, để từ đó tòa án đưa ra một hình phạt đúng người đúng tội, đảm bảo công bằng cho không chỉ riêng bị hại mà còn đảm bảo cho chính các bị cáo tránh khỏi oan sai. Do đó, khi đang bị tạm giam thì các bị cáo vẫn phải được hưởng đầy đủ các quyền mà pháp luật quy định, không có bất kỳ một cá nhân hay cơ quan/tổ chức nào có thể kết tội họ thay tòa án hoặc có bất kỳ hành vi nào tác động đến quá trình chứng minh tội phạm làm sai lệch sự thật, gây ảnh hưởng tới quá trình điều tra, truy tố và xét xử họ. Sự thúc đẩy các bị can, bị cáo nhận tội, khi họ đang trong tình cảnh bất lợi hoặc bị lệ thuộc, hạn chế là các hành động bị nghiêm cấm. Và hiển nhiên rằng tất cả các hành vi tác động đó sẽ đều bị coi là sai trái, bởi lẽ, ngay cả khi lời khai nhận tội của họ được thực hiện trước tòa cũng sẽ không được chấp nhận nếu không phù hợp với các chứng cứ, tình tiết khác có trong vụ án (Điều 98.2 BLTTHS 2015).

Thứ hai, thẩm quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan nào? Không phải bất kỳ một cơ quan nào cũng có quyền và nghĩa vụ trong việc chứng minh một tổ chức hoặc cá nhân nào đó có tội. Tại Điều 15 BLTTHS 2015 quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Người bị buộc tội, cụ thể là 29 bị cáo trong vụ án này có quyền, nhưng bản thân họ không buộc phải chứng minh là mình vô tội, mà nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất được quy định tại Chương II của BLTTHS 2015.

Theo Điều 34.1 BLTTHS 2015, Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Lại theo quy định tại Điều 3.4 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì cơ sở giam giữ chỉ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng. Tức là, nhiệm vụ của cơ sở giam giữ sẽ chỉ dừng lại ở việc giám sát đảm bảo tuân thủ nội quy, quy chế theo như quy định tại Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để phục vụ cho hoạt động tố tụng từ các cơ quan có thẩm quyền chuyên biệt, không có nhiệm vụ “giáo dục hoặc cải tạo” người bị buộc tội hoặc có bất kỳ hành vi nào đó tác động tới ý chí của họ về những nội dung liên quan tới vụ án của chính bản thân họ. Như vậy, việc “giáo dục” của các giám thị trại giam và quản giáo đối với các bị cáo trong suốt khoảng thời gian bị giam giữ, để họ nhận rằng hành vi của họ là vi phạm pháp luật đã không chỉ vượt quá thẩm quyền được pháp luật cho phép mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình tố tụng, chứng minh tội phạm; đồng thời những hành vi giáo dục đó vô hình trung đã đẩy các bị cáo rơi vào suy nghĩ tự kết tội chính bản thân mình, gây xâm phạm tới chính quyền lợi của các bị cáo và sự công bằng, tính khách quan trong việc giải quyết vụ án.

Sự kiện trên cũng chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, đã phát sinh sự tác động của những người không có thẩm quyền tiến hành tố tụng tới suy nghĩ và hành động khách quan của người đang bị kết tội, bị cáo buộc (kể cả trong trường hợp làm theo sự tác động đó có thể dẫn tới một kết quả có lợi hơn cho người bị cáo buộc). Điều này xảy ra, có nghĩa là đã có những hành vi mang dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.

III. SỰ CẦN THIẾT PHẢI THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA

Tại Điều 204 BLTTHS 2015 có quy định về thực nghiệm điều tra, theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng đây là biện pháp điều tra tội phạm được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận hành vi, sự kiện, hiện tượng đó. Khi cần phải kiểm tra và xác minh các tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.

Như chúng ta đã biết, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 09/01/2020, là một vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, được sự chú ý quan tâm của toàn xã hội và quốc tế. Tại đêm xảy ra vụ án đã có tới 04 người bị thiệt mạng (Ông Lê Đình Kình và 03 chiến sỹ công an), sau đó, 02 bị cáo (Lê Đình Công và Lê Đình Chức) bị HĐXX sơ thẩm tuyên án tử hình. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đã nhận thấy còn rất nhiều tình tiết mâu thuẫn liên quan tới cái chết của 03 chiến sỹ công an, nên tại phiên tòa sơ thẩm, các Luật sư đã đề nghị phải tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ, nhưng HĐXX sơ thẩm lại không chấp nhận.

Nhận thấy rằng, việc thực nghiệm điều tra để làm rõ những mâu thuẫn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án, tránh việc bỏ lọt tội phạm, hoặc xét xử không đúng người, đúng tội, dẫn đến khả năng oan sai.

Vì vậy, bằng văn bản này chúng tôi tiếp tục một lần nữa đưa ra các quan điểm để chứng minh cho việc thực nghiệm điều tra là cần thiết, cụ thể:

Thứ nhất, nhiều tình tiết mâu thuẫn liên quan tới chiếc chậu màu đỏ bị đẩy xuống hố.

+ Theo cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 của VKSND TP.Hà Nội (trang 11) đã mô tả “Doanh lấy bật lửa trong túi quần bên phải châm vào chậu xăng thì lửa bùng và cháy lớn nên Doanh dùng chân đạp mạnh chậu xăng rơi xuống hố”. Và tại phiên tòa sơ thẩm, khi đọc bản luận tội, kiểm sát viên đã thay đổi tình tiết này bằng việc Lê Đình Doanh dùng chiếc gậy để đẩy chậu xăng xuống hố. Nhưng tại phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, Lê Đình Chức lại khai rằng, Chức sai Doanh bê chậu xăng lên, và Chức dùng tuýp sắt chọc chậu xăng đổ xuống hố, nội dung này cũng được Doanh khai tại phiên tòa. Nhưng trong Bản án lại vẫn thể hiện “Doanh đổ một ít xăng ra chậu màu đỏ, rồi mang lên nóc tum nhà Chức, sát tường nhà Hợi, sau đó dùng bật lửa châm vào chậu xăng và dùng chân đạp mạnh chậu xăng rơi xuống hố” (trang 21 của Bản án). Như vậy, việc kết luận Lê Đình Doanh dùng chân đạp mạnh chậu xăng rơi xuống hố trong khi chưa làm rõ sự mâu thuẫn của tình tiết này là hoàn toàn thiếu cơ sở.

+ Mâu thuẫn tiếp theo chính là chiếc chậu đỏ nêu trên được đem đi giám định, nhưng tại kết quả giám định lại kết luận không có chất xăng bám dính vào (BL 3067); và, Lê Đình Công cũng khai rằng chiếc chậu đỏ này được bị cáo La đổ nước sạch và cho khăn mặt vào để chống lại hơi cay (BL 1266). Đồng thời, tại phiên tòa Lê Đình Chức cũng khai nhận rằng, bản thân không biết rõ trong chậu là xăng hay nước. Vậy chất lỏng trong chiếc chậu đỏ mà Lê Đình Doanh hoặc Lê Đình Chức đã sử dụng (chưa rõ ai là người trực tiếp đẩy hay do tác động khác mà chiếc chậu rơi xuống hố) có phải là xăng hay không? Tại Điều 98 BLTTHS 2015 đã quy định rất rõ rằng lời nhận tội của bị can/bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Nhưng sự mâu thuẫn và không phù hợp liên quan tới tình tiết chiếc chậu đỏ này đã quá rõ ràng, do đó bất kỳ lời khai, lời nhận tội nào của cả Lê Đình Chức hoặc Lê Đình Doanh về vấn đề này đều là không đúng. Vì vậy, nội dung này cần phải được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.

Thứ hai, về hiện trường (cái hố/giếng trời) nơi 03 chiến sĩ công an tử vong:

+ Cái hố, nơi 03 chiến sĩ công an tử vong, nằm sát tường khu cầu thang, phía dưới cửa sổ nhà Lê Đình Hợi, dạng hình hộp chữ nhật thông từ trần tầng 1 xuống dưới, kích thước 0,76m x 1,45m sâu 4m (Biên bản hiện trường – BL 19). Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường tại BL19, thì cái hố được mô tả “mặt tường xung quanh trong hố bị nhiệt tác động, cháy ám đen, bong tróc vôi vữa, mức độ nhiệt tác động mạnh ở phía dưới, giảm dần lên phía trên”; trong khi đó, khi đối chiếu với Bản ảnh hiện trường, cụ thể tại ảnh 56 (BL 3926) thì phần tường bị ám muội đen chỉ có ở gần dưới đáy hố, xấp xỉ trên dưới 1m. Ngoài ra, tại hồ sơ vụ án, theo lời khai của Lê Đình Chức thì Chức đã đổ xăng từ can ra nắp rồi hắt xuống hố từ 03 đến 04 lần (BL 1159, 1164), mà nắp can chỉ bằng lòng bàn tay, đường kính khoảng 6-7cm. Như vậy, với một không gian rất kín và hẹp, thiếu oxi để cung cấp cho sự cháy, thì lượng xăng mà Lê Đình Chức hắt xuống hố sẽ không thể tạo ra ngọn lửa bùng cháy thành đám lớn vươn cao lên tận nóc nhà Lê Đình Hợi – khoảng 7m, như đã mô tả tại BL 1313 nếu như không có thêm tác nhân nào khác. Như vậy, lửa từ đâu, ngoài lượng xăng rất ít do Chức rẩy xuống đã gây ra than hóa toàn bộ thi thể của ba chiến sĩ công an? Và sự cháy diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu để “than hóa” toàn bộ thi thể họ, trong khi đó, tổng thời gian từ khi chiếc chậu đỏ bị đẩy xuống hố tới khi Lê Đình Chức rẩy xăng xuống phía dưới là rất ngắn, chỉ trong vòng khoảng 5-10 phút.

+ Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án mô tả rằng ngọn lửa gây than hóa toàn thân 03 cán bộ chiến sỹ công an bùng cao đến tận nóc nhà Lê Đình Hợi (BL 1313), tức là khoảng 7m, nhưng ở phần tường phía trên cái hố lại không có vết ám muội do lửa. Điều này là hoàn toàn bất hợp lý, vì khi tại nhà Lê Đình Hợi: trần hành lang tầng 2 và trần phía trên lối đi bị ám muội đen do khăn vải cháy, bom xăng (BL 3870, 3875), tường ngoài cửa phòng ngủ chỉ do một miếng khăn vải cháy đã bị ám muội đen rất đậm, với chiều cao khoảng gần 1m (BL 3875).

Thứ ba, mâu thuẫn về nguyên nhân của các chiến sĩ công an bị rơi xuống hố và nguyên nhân tử vong chưa được làm rõ:

+ Nguyên nhân các chiến sỹ công an bị rơi xuống hố: Theo cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 của VKSND TP.Hà Nội (trang 11, 33) thì 03 chiến sĩ công an bị rơi xuống hố là do bị cáo Lê Đình Chức dùng tuýp gắn dao bầu chọc từ trên xuống và do các đối tượng khác ném gạch đá, bom xăng. Nhưng theo hồ sơ vụ án thì việc 03 chiến sỹ bị rơi xuống hố có thể là do tai nạn bất ngờ bởi: chiến sĩ tên Tuấn là người đầu tiên nhảy sang nhà bị cáo Chức bằng lối cửa sổ nhưng bị hụt chân và được chiến sỹ khác hỗ trợ nên mới không bị rơi xuống hố, sau khi sang được sân nhà bị cáo Lê Đình Chức, chiến sỹ Tuấn đã cảnh báo cho các chiến sỹ khác yêu cầu không ai nhảy qua, nhưng chiến sỹ Thịnh vì không nghe rõ nên đã trèo qua và rơi xuống hố, sau đó là 02 chiến sỹ khác, thể hiện qua lời khai của Nguyễn Văn Hùng tại BL 2937.

Lời khai này hoàn toàn phù hợp với hiện trường vụ án bởi: ngay phía trên giếng trời có một cửa sổ nhỏ bằng kính với kích thước 1,5 x 0,7 m, cửa sổ nhỏ này cao cách sàn 1,2 m; trong khi đó giếng trời nằm sát tường (BL 17, 3809) nên nếu chỉ nhìn thoáng qua cửa sổ, không có sự quan sát kỹ sẽ không thấy giếng trời. Vì vậy, cửa sổ này bình thường vẫn được lắp kính (chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng đã phá vỡ kính để lấy khí thở ngay trước khi tai nạn xảy ra – BL 2937) để không ai sử dụng vào mục đích làm lối đi giữa 2 nhà (nhà của Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức), nếu sử dụng cửa sổ này làm lối đi mà không quan sát kỹ để biết và cảnh giác với giếng trời phía dưới là vô cùng nguy hiểm và việc bị rơi xuống hố là điều rất dễ xảy ra.

Qua phân tích nêu trên ta có thể thấy rằng, việc đưa ra kết luận 03 chiến sỹ công an bị rơi xuống hố là do Lê Đình Chức dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc từ trên xuống, và do các đối tượng khác ném bom xăng, gạch đá từ mái nhà ông Lê Đình Kình là thiếu cơ sở và không hợp lý.

+ Nguyên nhân tử vong của 03 chiến sỹ công an: theo bản kết luận giám định pháp y số 05/20/GĐPY ngày 20/02/2020 của Viện pháp y quốc gia thì nguyên nhân gây tử vong của 03 chiến sỹ công an là ngạt khí CO2, CO và cháy than hóa. Từ kết luận này, chúng ta có thể hiểu rằng, các chiến sỹ công an tử vong do bị ngạt khí CO2, CO, nên đã không thể thoát khỏi hố và dẫn đến việc bị cháy than hóa. Nguyên nhân dẫn đến các chiến sỹ ngạt khí có thể từ bình cứu hỏa (bình chữa cháy) và cũng có thể bị ngạt khí từ chính sự cháy gây ra. Chúng tôi sẽ phân tích nội dung này ngay tại phần dưới đây.

(i) Ngạt khí do khí CO2 của bình cứu hỏa gây ra: Bình cứu hỏa khí CO2 hoạt động dựa trên nguyên lý chiếm O2 của đám cháy, làm loãng nồng độ và chất cháy của vùng cháy. Ngoài ra, CO2 được nén dưới áp suất cao khi thoát ra ngoài sẽ có khả năng làm lạnh. Ngay khi mở van do có sự chênh lệch áp suất khí CO2 khi thoát ra khỏi hệ thống loa phun có dạng tuyết thán khí theo đo đạc thì có thể lạnh đến âm 90 độ C, giúp triệt tiêu đám cháy một cách rất nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng bình cứu hỏa khí CO2 không đúng cách có thể khiến cho người sử dụng bị ngạt, vì trong phòng kín, không gian nhỏ hẹp, khi sử dụng bình CO2, khí CO2 trong bình sẽ làm loãng nồng độ oxy trong không khí xung quanh vùng cháy khiến đám cháy không đủ oxy để duy trì sự cháy và tự tắt đi. Việc làm loãng nồng độ oxy cũng khiến cho người sử dụng gặp khó khăn trong việc hô hấp, nếu nặng quá có thể khiến bị chết ngạt. Chính vì lý dó đó, mà khi chữa cháy trong phòng kín, nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo tốt nhất là không nên sử dụng bình CO2 trong trường hợp này.

Theo hồ sơ vụ án thể hiện, ngay sau khi 03 chiến sĩ công an bị rơi xuống hố, chiến sỹ Hùng nghe thấy tiếng kêu cứu nên đã hô cứu hỏa dập lửa, có 02 chiến sỹ đang cầm bình cứu hỏa ngay cạnh đó xịt thẳng xuống hố và lửa tắt, tiếp đó chiến sỹ Hùng chạy ra hành lang, thể hiện tại BL 2937. Sau đó, sự việc xảy ra tiếp theo như thế nào thì không được làm rõ, 02 chiến sỹ cứu hỏa đã ở đâu khi đồng đội gặp nạn dưới hố, trong hồ sơ vụ án cũng không có lời khai của 02 chiến sỹ cứu hỏa này. Ngoài ra, theo Biên bản khám nghiệm hiện trường tại BL 19, thì dưới hố cũng có bình cứu hỏa, vậy có thể khi bị rơi xuống hố thì các chiến sỹ công an đã sử dụng chính bình cứu hỏa mang theo người để dập lửa. Do vậy, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng 03 chiến sỹ công an có thể bị tử vong do ngạt khí từ chính lượng CO2 của bình cứu hỏa do các đồng đội của mình xịt xuống và của chính lượng CO2 trong bình cứu hỏa mang theo người gây ra.

(ii) Ngạt khí do sự cháy gây ra: rất nhiều khí độc được sinh ra khi cháy như CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ…, trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy. Tại thời điểm 03 chiến sỹ công an bị rơi xuống hố, hiện trường nơi xảy ra vụ án rất hỗn loạn, có người ném bom xăng về phía tường ngay mép cửa sổ, lửa bùng lên và cũng rơi xuống hố (không ném thẳng bom xuống hố). Tại phiên tòa, Chức khai rằng “lửa do dây mạng của nhà anh Hợi bén vào” khi Luật sư hỏi ngọn lửa ở đâu ra. Như vậy, không thể kết luận chỉ có duy nhất một nguyên nhân là từ xăng và lửa do Lê Đình Chức tạo ra (hắt xuống) gây tử vong cho 03 chiến sỹ, mà có thể còn rất nhiều tác nhân khác gây lên vụ cháy, đây là vấn đề chưa được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, phiên tòa phúc thẩm cần làm rõ vấn đề này.

Từ những phân tích nêu trên, rõ ràng là việc thực nghiệm điều tra là vô cùng cần thiết để làm rõ lý do 03 chiến sỹ công an bị ngạt khí là CO2, CO từ bình cứu hỏa, hay chỉ duy nhất từ việc được cho là các bị cáo “đổ xăng và đốt”? Và từ đó xách định việc ngạt khí CO2, CO như thế nào, và định lượng là bao nhiêu và trong thời gian bao lâu thì gây tử vong? Ngoài ra cũng cần phải làm rõ sự cháy cần diễn ra trong thời gian bao lâu thì dẫn đến việc các chiến sỹ bị than hóa. Tại phiên tòa Lê Đình Chức khai lửa bắt nguồn từ việc chập điện từ dòng dây điện ngay miệng hố.

Thế nhưng tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và cả Bản án đều cho rằng nguyên nhân duy nhất dẫn đến tử vong của 03 chiến sỹ là do: (i) Lê Đình Doanh dùng chân đạp mạnh chậu xăng rơi xuống hố, (ii) Lê Đình Chức đổ xăng xuống dưới hố, thể hiện tại trang 14 Kết luận điều tra, trang 11 của Cáo trạng, trang 20, 21 của Bản án. Như vậy, rõ ràng, nếu không thực nghiệm điều tra để làm rõ những mâu thuẫn này thì việc kết luận như vậy là hoàn toàn chưa đủ căn cứ và không thuyết phục.

+ Ngoài ra, chúng tôi còn muốn làm rõ những mâu thuẫn liên quan tới chiếc can chứa xăng mà Lê Đình doanh đã sử dụng. Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường và Kết luận điều tra đều thể hiện ở hiện trường vụ án chỉ thu giữ được 02 chiếc can đựng xăng là 01 chiếc can màu cam với thể tích chứa là 18 lít, và 01 chiếc can màu vàng với thể tích 5 lít (BL 22, 270); tuy nhiên, tại các Biên bản giám định lại có tới 03 chiếc can, cụ thể: chiếc can màu cam còn lại 16 lít xăng, chiếc can màu vàng còn 2,5 lít xăng (BL 3066), và một chiếc khác, không rõ màu sắc với thể tích 20 lít thì bên trong còn lại 18,5 lít xăng (BL 3071). Vậy, chiếc can không rõ màu sắc này ở đâu lại xuất hiện, trong khi không được liệt kê tại Biên bản khám nghiệm hiện trường?

Một điều đáng lưu ý khác là tại Kết luận điều tra, và lời khai của Lê Đình Doanh thì chiếc can Doanh dùng để đổ xăng ra chậu có thể tích 20 lít là màu trắng, bên trong can chỉ còn khoảng 5-6 lít xăng, thể hiện qua lời khai của Doanh ở BL 1202, 1209 và trang 13 của Kết luận điều tra, trang 11 của Cáo trạng và trang 20 của Bản án. Lê Đình Doanh đã lấy xăng bên trong chiếc can trắng này đổ một ít ra chậu và Lê Đình Chức cũng lấy chính xăng bên trong chiếc can này để hắt xuống hố. Như vậy chiếc can mà Chức và Doanh lấy xăng để hắt xuống hố không trùng khớp với 02 chiếc can thu được tại hiện trường xảy ra vụ án?

IV. MÂU THUẪN SỐ LƯỢNG LỰU ĐẠN MÀ CÁC BỊ CÁO ĐÃ MUA VÀ SỬ DỤNG

Theo hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, thì bị cáo Lê Đình Công là người nhờ bị cáo Nguyễn Quốc Tiến và Nguyễn Văn Duệ tìm mua 10 (mười) quả lựu đạn. Sau khi tìm hiểu, Nguyễn Quốc Tiến thông báo đã liên hệ mua được lựu đạn, nên Lê Đình Công báo cho Nguyễn Văn Duệ không phải mua nữa. Số lượng lựu đạn này đã được phân chia và sử dụng như sau:

Lần thứ nhất, Nguyễn Quốc Tiến mua được 06 quả và đã đưa tất cả số lựu đạn này cho Lê Đình Công. Lê Đình Công chia đều cho 03 người là Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến và bản thân giữ lại 02 quả, (thể hiện tại lời khai của Tiến tại BL1272, lời khai của Công tại phiên tòa và lời khai của Tuyển tại các BL1041, 1042, 1043, 1069, 1072, 1077). Ngay sau khi được Lê Đình Công chia cho 02 quả lựu đạn thì Nguyễn Quốc Tiến đã ném thử luôn, và đều không nổ, còn nơi vứt lựu đạn thì Tiến không nhớ (BL1272).

Lần thứ hai, Nguyễn Quốc Tiến mang về 04 quả và đưa tất cả cho Nguyễn Văn Tuyển, thể hiện qua lời khai của Tiến tại các BL 1266, 1268. Sau đó, Nguyễn Văn Tuyển đưa lại cho Lê Đình Công, Công giữ 03 quả và đưa cho Tuyển 01 quả, thể hiện qua lời khai của Tuyển tại các BL 1041, 1043, 1069, 1072, 1077.

Như vậy, đến trước thời điểm xảy ra sự việc ngày 09/01/2020, số lượng lựu đạn chỉ còn lại 08 quả (vì ngay sau khi nhận được 02 quả lựu đạn từ Lê Đình Công thì Nguyễn Quốc Tiến đã ném thử luôn) trong đó, Lê Đình Công giữ 05 quả, Nguyễn Văn Tuyển giữ 03 quả. Điều này hoàn toàn phù hợp với các lời khai của Công tại các BL 880, và lời khai của Tuyển tại các BL1050, 1072, 1062, 1048, 1106, 1077, 1114, 4174, 4218. Sau đó, số lựu đạn nêu trên tiếp tục được phân chia và sử dụng như sau:

Đối với 03 quả lưu đạn do Nguyễn Văn Tuyển giữ:

+ Nguyễn Văn Tuyển đưa cho Trịnh Văn Hải 01 quả theo như yêu cầu của Công, thể hiện qua lời khai của Hải tại các BL 2035, 2037, 2044, 2052, 2015, 2021, 2031, và lời khai của Tuyển tại các BL 1069, 1072, 1062, 1048, 1106, 1082, 4174. Điều này phù hợp với lời khai của Công tại các BL 880, 881, 882. Như vậy, Trịnh Văn Hải giữ 01 quả lựu đạn. (1)

+ Nguyễn Văn Tuyển đưa 02 quả lựu đạn còn lại cho Lê Đình Công, thể hiện qua lời khai của Tuyển tại các BL 1042, 1043, 1050, 1069, 1072, 1076, 1062, 1048, 1106. Như vậy, Nguyễn Văn Tuyển không còn giữ quả nào trong người, còn Lê Đình Công giữ 07 quả lựu đạn.

Đối với 07 quả lựu đạn do Lê Đình Công giữ:

+ Ngày 06/01/2020, Lê Đình Công đưa cho Lê Đình Chức 01 quả lựu đạn để khi cần thiết thì sử dụng. Lê Đình Chức đã sử dụng vào ngày xảy ra vụ án thể hiện qua lời khai của Chức tại các BL 1140, 1146, 1151, 1158, và lời khai tại phiên toàn. Tất cả đều phù hợp và đã được CQĐT thu giữ tại mặt đường trước cửa nhà Chức (dòng thứ 16-18 từ dưới lên, trang 19 của bản án); (2)

+ Lê Đình Chức tiếp tục lấy 01 quả lựu đạn nữa từ Lê Đình Công khi đang di chuyển từ mái tầng 2 nhà anh Hợi xuống, thể hiện qua lời khai của Chức tại BL 1140, 1141, 1146, 1151, 1155, 1159, 1160, 1163, phù hợp với lời khai tại phiên tòa và được ghi nhận tại Bản án tại trang 19. Sau đó, Chức đã đưa lại cho một đối tượng khác (không nhớ rõ là đưa cho ai), thể hiện tại BL 1165, và đối tượng này đã sử dụng, nhưng không gây sát thương. Một mảnh của quả lựu đạn này đã được CQĐT thu giữ, ghi nhận tại trang 21 của Bản án; (3)

+ Lê Đình Công trực tiếp ném 01 quả lựu đạn nhưng không rút chốt khi đứng ở mái nhà Ông Lê Đình Kình, thể hiện tại lời khai của Công ở các BL 889, 902 và lời khai tại phiên tòa. CQĐT đã thu giữ được quả lựu đạn này tại khu vực cửa ra vườn sau nhà Lê Đình Chức (trang 20 của Bản án); (4)

+ Lê Đình Công đưa cho Nguyễn Văn Duệ 01 quả lựu đạn, thể hiện lời khai của Công tại các BL 880, 881, 888, và lời khai của Duệ tại các BL 1787, 1789, 1792, 1797, 1801, 1807, 1815, 1819, 1836, 1849. Quả lựu đạn này Nguyễn Văn Duệ luôn giữ trong người, không sử dụng cho tới khi bị bắt và bị thu giữ, thể hiện tại các BL 1801, 1815 và phù hợp với lời khai tại phiên tòa và được ghi nhận tại trang 20 của Bản án; (5)

+ Lê Đình Công đưa cho Lê Đình Quang 01 quả lựu đạn, thể hiện qua lời khai của Công tại các BL 880, 881, 952, điều này phù hợp với lời khai của Quang tại BL 1402. Do sợ hãi và không biết sử dụng nên Lê Đình Quang đã giấu quả lựu đạn tại chân đống rơm, và đã được CQĐT thu giữ, thể hiện tại lời khai của Dương Văn Tùng (thuộc tổ công tác 11) tại các BL 2897, 2898 và tại dòng 07 từ trên xuống của trang 22 Bản án; (6)

+ Lê Đình Doanh nhặt được 01 quả lựu đạn khi đang chạy vào gầm bàn thờ tầng 2 nhà ông Lê Đình Kình, được Tuyển và Công hướng dẫn nên Doanh đã ném vào bếp nhà ông ông Lê Đình Kình, thể hiện qua lời khai của Doanh tại BL 1187, 1203, 4209 và lời khai của Tuyển tại các BL 1044, 1082. CQĐT đã thu giữ được quả lựu đạn này, thể hiện tại lời khai của Dương Văn Tùng (thuộc tổ công tác 11) tại các BL 2897, 2898. Nội dung này Lê Đình Doanh cũng đã khai tại phiên tòa và được ghi nhận tại trang 21 của Bản án; (7)

+ Ngoài ra, CQĐT còn thu giữ 01 quả lựu đạn được ném ra hành lang, nhưng không nổ, đồng thời không xác định được đối tượng ném, ghi nhận tại trang 22 của bản án. (8)

Theo những thống kê rất cụ thể nêu trên thì số lượng 10 quả lựu đạn do Nguyễn Quốc Tiến mua về đều đã đầy đủ; đồng thời, tại rất nhiều lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, người luôn luôn bên cạnh ông ông Lê Đình Kình trong suốt thời gian xảy ra vụ án thì ông Lê Đình Kình trên tay phải cầm chiếc đinh ba dùng để xiên cá dài khoảng 150 cm, hai người chỉ cố thủ trong phòng, cho tới khi ông Hiểu bị bắt, và ông Kình ngã xuống, thể hiện tại các BL 969, 970, 976,1010, 1019, chứ hoàn toàn trên người không có lựu đạn, và cũng không nhận lựu đạn từ ai. Ngoài ra, tại phần xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm thì cũng không có bất kỳ người nào khai đã đưa lựa đạn cho ông Lê Đình Kình. Nhưng từ Kết luận điều tra, tới Cáo trạng và Bản án đều mô tả ông Lê Đình Kình có cầm trên tay 01 quả lựu đạn. Như vậy, 01 quả lựu đạn trên tay ông Lê Đình Kình được lấy từ đâu? Và ai là người đã đưa lựu đạn cho ông Lê Đình Kình?

Liên quan đến vấn đề mâu thuẫn về việc xác định chính xác số lượng lựu đạn có trong vụ án đã được Luật sư Nguyễn Hà Luân trình bày tại phần bào chữa của mình trong phiên tòa sơ thẩm, nhưng vẫn chưa được phía đại diện Viện kiểm sát và HĐXX làm rõ. Nay trong văn bản này, chúng tôi một lần nữa tiếp tục đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 280.1.c BLTTHS 2015 và Điều 45.2.b để trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ vấn đề còn mâu thuẫn này.

Với những lập luận và phân tích ở trên về nhiều nội dung của vụ án mà chưa được làm rõ tại cấp sơ thẩm, mặc dù đã được rất nhiều Luật sư trình bày ngay tại phiên tòa. Nay bằng văn bản này, chúng tôi tiếp tục đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ Điều 280.1d, Điều 45.2.b BLTTHS 2015, đề nghị Quý Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ những nội dung còn mâu thuẫn nêu trên.

Để bảo vệ quyền lợi không chỉ cho các bị cáo, mà còn để xác định đúng sự thật của vụ án, một lần nữa chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét và giải quyết các vấn đề đã nêu trên một cách khách quan và toàn diện ngay tại phiên xét xử phúc thẩm.

CÁC LUẬT SƯ KIẾN NGHỊ

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux