Sáng nay (4.3.2021) các báo đồng loạt đăng tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định bắt buộc học sinh từ lớp Ba phải học tiếng Đức, tiếng Hàn. Dư luận hoảng hốt, tôi cũng hoảng hốt. Lẽ nào kết quả học tiếng Anh qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi đội sổ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển hướng cho trẻ em sang học tiếng Hàn, tiếng Đức dễ hơn? Hay lẽ nào do nhu cầu xuất khẩu lao động hàng triệu người sang Đức, sang Hàn (kể cả chạy trốn sang Đức như Trịnh Xuân Thanh hay đi nhờ máy bay của chị Ngân sang Hàn) mà Bộ phải tạo điều kiện cho đối tượng này? Và lẽ nào ông Thuyết ông Thống và các quan bộ có con du học bên Đức, bên Hàn nên muốn tạo điều kiện cho con em mình có vị trí việc làm là về nước dạy tiếng Đức, tiếng Hàn?
Nếu đúng vậy thì giáo dục Việt Nam đang diễn hề, cái vai hề giả ngu ngốc để tham lam hơn là làm giáo dục.
Tôi thận trọng truy lại văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thấy không phải như vậy. Quyết định 712/QĐ-BGDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức – Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm chỉ là cập nhật để bổ sung, mở rộng các môn ngoại ngữ trong hệ thống “lựa chọn bắt buộc”.
Dễ hiểu thế này. Trước đó, ngoại ngữ 1 bắt buộc lựa chọn là 1 trong 5 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật. Nay bổ sung, mở rộng thêm Tiếng Hàn, Tiếng Đức tuỳ theo điều kiện địa phương (có giáo viên dạy hay không), nhu cầu của người học (trẻ em muốn học tiếng Đức hay tiếng Hàn thay vì học ngoại ngữ khác).
Tóm lại, không có chuyện trẻ em bị bắt buộc học tiếng Đức và tiếng Hàn như báo chí và dư luận ồn ào, hoang mang. Nếu cơ quan chức năng hăng xử phạt để tăng ngân sách thì vụ này nên phạt báo chí cái tội đưa tin sai sự thật.
Việc mở rộng hệ thống môn ngoại ngữ để người học lựa chọn theo điều kiện dạy học và nhu cầu cá nhân là điều tốt nên khuyến khích. Và đã như vậy thì theo tôi, sao cứ phải giới hạn trong 7 ngoại ngữ để lựa chọn? Nếu tôi có nhu cầu học tiếng Ả Rập, tiếng Hy Lạp, tiếng Nam Phi, tiếng Lào, tiếng Cambot… thì các thứ tiếng này cũng có giá trị tương đương như các ngoại ngữ kia chứ chẳng nhẽ chúng bị kỳ thị đó là tiếng “thiểu số”?
Mà đã dựa vào điều kiện và nhu cầu thì có khi cũng chẳng cần áp đặt số 1, số 2 chi cho thêm rắc rối, gây tranh cãi.
Theo tôi, chất lượng của dạy học ngôn ngữ mới là tiêu chuẩn hàng đầu của một nền giáo dục. Trong tình trạng giáo dục hiện nay, hãy chăm lo dạy học tiếng Việt cho tốt đã mới nghĩ đến các loại ngoại ngữ. Dạy học tiếng Việt như sách Cánh Diều và sử dụng tiếng Việt như các quan chức đầu đàn, diễn đạt như báo chí thổ tả, mà ham học nhiều ngoại ngữ để làm sang thì là tai hoạ của sự mất gốc, mất hồn, mất vía cả giống nòi./.
Chu Mộng Long
#giáodụcvn #tiếngviệt
Leave a Comment