Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Thảm bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng Mười Một, 2020 trước phe dân sự, ngày 1 tháng Hai, 2021 phe quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc đảo chánh bắt giữ Tổng Thống Win Myint, Cố Vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi và các nhân vật cao cấp trong chính phủ Miến Điện. Giới tướng lãnh cáo buộc cuộc bầu cử gian lận và tuyên bố nắm quyền.
Không biết vì động cơ nào, báo Công An Nhân Dân ở Việt Nam lại dùng biến cố đảo chánh của quân đội Miến Điện để hùng hổ lên tiếng chỉ trích “mưu đồ phi chính trị hóa quân đội và công an của các thế lực thù địch.” Ai cũng biết đây là một luận điệu hàm hồ của tuyên giáo đảng nặn ra, nhằm mục đích sử dụng các lực lượng vũ trang làm lá chắn bảo vệ chế độ độc tài.
Trong khối ASEAN, chuyện đảo chánh quân sự tranh quyền ở Miến Điện và Thái Lan có lẽ không còn làm ai ngạc nhiên. Đó là những nước nhỏ ở Á Châu đã quy phục trước sức mạnh vũ khí Tây phương, lại không phải là những nước có nền dân chủ truyền thống nên thường nghĩ chính quyền có thể tạo ra từ nòng súng. Nhưng trước khi bàn về những điều lèm bèm của báo CAND, ta thử nhận định cuộc đảo chánh vừa qua của quân đội Miến Điện vi phạm điều gì.
– Lật đổ một chính quyền hợp pháp do dân bầu lên thật sự không chỉ chà đạp dân chủ mà còn coi thường lá phiếu thể hiện nguyện vọng của người dân. Từ năm 2011 Miến Điện đã chuyển đổi chính phủ theo hướng dân chủ hóa đất nước, kết thúc hàng thập kỷ đấu tranh bất bạo động, đôi khi cũng đẫm máu do chính quyền quân sự gây ra. Kết quả ấy nói lên nguyện vọng tha thiết của người dân Miến Điện là được sống xứng đáng trong dân chủ tự do.
– Bắt giữ tổng thống và cố vấn nhà nước của đảng cầm quyền hợp pháp cho thấy lối hành xử quân phiệt, dùng bạo lực để bịt miệng bất cứ ai không làm theo ý quân đội. Các tướng lãnh Miến Điện đã ngang nhiên chà đạp Hiến Pháp 2008 do chính họ soạn thảo và ban hành. Nếu quân đội biết tôn trọng hiến pháp, họ phải gởi một kiến nghị đến chính phủ yêu cầu thành lập một uỷ ban điều tra về bầu cử gian lận và định ra một thời gian làm việc bao lâu để công bố kết quả. Tức là giải quyết vấn đề trong vòng luật pháp có sẵn của Miến Điện. Không thể có chuyện quân đội tuyên bố bầu cử gian lận rồi tự ý điều động quân lính bắt giữ lãnh đạo chính phủ và đảng cầm quyền, rồi tuyên bố nắm chính quyền cho đến khi có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới. Đây là lối chơi ăn cướp của các nước “cộng hòa củ chuối.”
Điều này đã minh chứng là quân đội Miến Điện hoàn toàn sai khi dùng vũ lực kết thúc một chính quyền dân cử, để thiết lập một chính quyền quân sự áp đặt. Ở khía cạnh khác, hành động đó là phá hoại nền dân chủ non trẻ sau 5 năm gầy dựng trong khó khăn của bà Aung San Suu Kyi và Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ (Đảng NDL).
Như vậy, qua những kinh nghiệm này người ta thấy rõ, để ngăn ngừa lối chơi cộng hòa củ chuối, phi chính trị hóa quân đội là điều thật cần thiết! Tức quân đội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân khi bị ngoại bang xâm lăng. Quân đội trung thành với lời thề của mình đối với đất nước mà không cần trung thành với bất cứ đảng phái nào kể cả đảng cầm quyền.
Đó là những nguyên tắc căn bản nhất mà mọi quân đội của các quốc gia văn minh noi theo.
Quân đội cũng không thể can dự vào các cuộc vận động, hay thay đổi chính trị ở tầm mức quốc gia. Giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị là nhiệm vụ của hệ thống chính quyền bên cạnh ngành tư pháp và lập pháp của quốc gia.
Trong một cuộc bầu cử quốc gia, không chỉ có quân đội mà bất cứ cá nhân, đoàn thể nào nếu tìm thấy những bằng chứng gian lận đều có thể khiếu tố lên hệ thống tư pháp. Cho dù ủy ban bầu cử chối không có gian lận thì các đảng thất cử vẫn có thể yêu cầu quốc hội, tòa án điều tra và xét xử một cách công khai, minh bạch, đồng thời có thể mời cả trọng tài quốc tế giám sát.
Rõ ràng nếu đã phi chính trị hóa thì cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện đã không thể xảy ra, vì quân đội không được phép can dự vào chính trị dưới bất cứ hình thức nào. Cuộc khủng hoảng bầu cử chắc chắn sẽ được các đảng phái và đảng cầm quyền chung tay giải quyết ổn thỏa.
Việc các bút nô của của báo CAND lấy biến động Miến Điện để hô hào chống lại việc phi chính trị hóa quân đội và công an là một sự sai lầm ngu dốt. Hơn thế nữa, lực lượng quân đội và công an hiện nay ở Việt Nam do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và chỉ huy qua hệ thống cấp ủy từ trên xuống dưới. Các lãnh đạo cộng sản như Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định Việt Nam không công nhận đa đảng, không chia xẻ quyền lực, cương quyết triệt hạ những tiếng nói bất đồng, v.v. Với chủ trương phi dân chủ, mọi cuộc bầu cử ở Việt Nam đều do đảng tổ chức độc diễn thì dù quân đội hay công an có phi chính trị hóa cũng không thể làm gì, vì Việt Nam đâu có bầu cử tự do như Miến Điện.
Vì thế bài viết trên báo CAND là sự lèm bèm không đúng chỗ, đi đến sự khai thác đề tài một cách lố bịch. Đừng dùng cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện để chống việc phi chính trị hóa trong những quốc gia còn biết tôn trọng dân chủ.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment