Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cá nhân người viết không có ý mai mỉa gì ở nhận xét trên của ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ chút thắc mắc rằng vì sao đang có cảnh bà con nông dân nhà vườn ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) đổ bỏ rau củ vì giá rớt thảm hại, bán không ai mua?.
Xót không chỉ vì họ dãi nắng dầm mưa mấy tháng trời mới có được rau củ ấy mà tiếc bởi lãng phí cả công lẫn của. Tôi đang tự hỏi vai trò điều tiết của ngành nông nghiệp, công thương ở đâu, dự báo thị trường thế nào và có phải rau củ Hải Dương bị ‘tắc nghẽn’, đang giải cứu với giá rẻ như cho cũng góp phần?
Covid-19 đã hoành hành cả năm nay chứ có mới mẻ gì đâu mà bị động đến nỗi giật thót “ngăn sông cấm chợ” cho an toàn để Hải Dương giờ đây xuất cũng khó mà lưu thông sang tỉnh thành khác cũng không dễ! Chẳng biết sắp tới đây bà con còn phải đổ bỏ công sức, thành quả của mình đến mức nào khi mà lỗi đâu phải chỉ họ – mặc dù lãnh đạo thẳng thừng tuyên bố như trong bài báo Dân chở cả ôtô rau củ đổ sông, lãnh đạo nói “không cần giải cứu”.
Xin được biên ra đây câu chuyện sau để quý bạn đọc gần xa hiểu thêm về ‘sự khiêm tốn’ của vị Tổng Bí thư trải suốt 3 nhiệm kỳ. Câu chuyện liên quan đến bộ ảnh đăng kèm bài viết này.
Một thành viên trong bộ ảnh kể:
“Chiều ngày 22/02, tôi nhận được tin báo nhờ bán hộ 4, 5 tấn rau cải bẹ. Bên phía bà con đã chủ động thuê xe chở hàng đến chân cầu Thanh Trì.
11g30, hai xe tải của chúng tôi đã đến điểm nhận hàng, sang tải xong là hơn 1 giờ sáng ngày 23/02.
Một xe tải chở 2,5 tấn rau đến điểm bán tại Nhà văn hóa phường Đông Ngạc, và 2 tấn rau được chuyển đến điểm bán tại vỉa hè gần cây xăng phố Trần Vỹ. Tôi cũng đi xe đến cùng anh em bốc xếp rau lên xe.
Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi dỡ hàng xuống bày bán, có căng băng rôn quảng cáo việc anh em lái xe khu vực Tây Hà Nội chung tay bán rau cải giúp cho bà con.
2 tấn rau được đóng vào các túi, mỗi túi 10kg. Chúng tôi đã bán hộ theo đúng giá bà con mong muốn là 30k/1 túi.
Trong khi bán hàng, chúng tôi không quên việc đảm bảo đúng quy định phòng dịch của Chính phủ. Buổi trưa trời nắng, các túi rau bị bốc mùi, nhìn xót xa quá, tôi gọi cho người đại diện của bà con thông báo tình hình.
Chẳng lẽ để bao công lao của người trồng lại bị mất đi, rồi bao tiền của mới chở được đến đây, mấy chị em chúng tôi đều đồng lòng: “đã giúp thì giúp cho trọn vẹn”. Thế là đành mất công ngồi dỡ từng túi, tỉa từng cây, gọt từng tàu lá cho hết phần thối nhũn. Rồi xếp lại ngay ngắn để mời khách mua giúp.
Trong khi bán hàng, nhiều người dân muốn đưa thêm tiền để ủng hộ bà con, chúng tôi không nhận, vì mọi người mua rau giúp, thế là đã ủng hộ bà con rồi.
Mấy chị em cứ ngồi tỉ mẩn tỉa lá gọt cuống để cố vớt vát được thêm ít nào thì đỡ phần thiệt hại cho bà con, mà đã quá trưa rồi, lại không thấy đói nữa nên nhịn luôn.
Đến hơn 3 giờ chiều nắng xiên, vì đã ngồi phơi nắng cả sáng đến giờ nên ai cũng phờ phạc. Thấy bên tường có cái bạt to, chị em bảo nhau kéo bạt ra che cho dưa đỡ bị phơi nắng lại hỏng hết mất.
Được một lúc, đoàn cán bộ phường đến bắt cuộn bạt lại, chúng tôi làm ngay. Xong rồi, lại thêm mấy người nữa đến nói chúng tôi lấy cớ giải cứu để kinh doanh.
Một thành viên nhóm tôi nói lại:
– Chúng tôi không kinh doanh.
– Không kinh doanh sao lại đề giá 3.000 đ/ kg đây?
– Đây là giá mà bà con nhờ chúng tôi bán hộ.
– Ai sẽ kiểm chứng tiền các anh chị bán được sẽ trả cho bà con thật không?
– Chúng tôi tự bỏ tiền ra chở rau về đây đã không tính toán, bán giúp cho bà con thì lại nỡ ăn vài đồng tiền rau này của bà con thế à?
– Covid lần trước, mấy tấn gạo chúng tôi còn phát miễn phí cho bà con được, thì mấy đồng tiền rau lần này mà lại dám ăn à?
– Thôi, dẹp ngay, đừng lợi dụng giải cứu mà lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tịch thu hết.
Chính quyền, công an giật xé băng rôn, tịch thu các túi rau chất lên xe tải. Cả đoàn kéo nhau đi, bỏ lại một đống rau tan nát, vương vãi trên vỉa hè.
Tôi cứ đứng ngây người ra đấy nhìn họ, những người cán bộ chính quyền của phường mà nghi ngờ việc làm thiện nguyện của cả tập thể thành viên nhóm tôi. Chúng tôi đều là những người dân lao động chân chính kiếm tiền bằng sức lao động của mình, đồng tiền chúng tôi kiếm được tuy ít nhưng sẵn sàng bớt tiền để đi làm thiện nguyện.
Chúng tôi nghèo tiền nhưng chúng tôi giàu lòng nhân ái. Những người dân đứng đấy đều nói tôi đi xin lại các túi rau bị tịch thu. Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra đền số rau đã bị tịch thu đó.
Lại nghĩ đến đợt trước phát gạo miễn phí tại nhà mình, nhiều người đến muộn bị hết gạo, nhìn mặt họ buồn mà đau thắt lòng, tự nhiên lại thấy mình bất tài, không có nhiều tiền để giúp cho nhiều người. Nếu hôm đó chính quyền cũng đến tịch thu gạo thì sẽ còn nhiều hơn nữa những khuôn mặt buồn bã thất vọng lắm nhỉ.
Có người dân ở đấy cầm điện thoại lên thì bị một người trong đoàn cấm quay phim chụp ảnh. Người đó nói tôi quay chỗ rau, anh cấm được tôi à.
Đoàn cán bộ phường đi khỏi, chị em lại cần mẫn quét dọn thu gom đống rau nát đóng vào túi, trả lại vỉa hè thông thoáng sạch sẽ.
Tôi cũng đã kiểm đếm số tiền bán được công khai và cũng đã chuyển khoản số tiền thu được là 4.570.000 đồng. Bán 2 tấn rau, bị tịch thu không biết bao nhiêu túi, nhưng tiền kiểm đếm công khai, tiền đã gửi toàn bộ lại cho bà con.
Tiền ăn uống chúng tôi tự bỏ tiền túi. Tiền in băng rôn, tiền ăn uống cũng tự bỏ tiền ra mua…”.
Nói theo ‘style’ Tổng Bí thư, thì với tất cả sự khiêm tốn, có lẽ không cần phải luận bàn thêm gì nữa ở đây nữa./.
#nguyễnphútrọng #hiệntrạngđấtnước
Leave a Comment