VietTuSaiGon – RFA
Thời gian độ mười năm trở lại đây, tại Việt Nam, có hai nghề những tưởng không bao giờ gọi là nghề được lại trở thành hai nhóm nghề hot nhất.
Trước nhất, xin lỗi các ông đồ và các nhà thơ chân chính, những người không bao giờ xem công việc sáng tạo hay tầm chương trích cú của mình là nghề! Bởi ở đây, tôi muốn nói đến hai nhóm nghề đang hot, nghề nhà thơ và nghề viết sớ trong khi hai nghề này lại chẳng liên quan gì mấy đến thơ và chữ. Đặc biệt, trong rằm tháng Giêng này, cái ngày được xem là thăng hoa bậc nhất của nghề viết sớ và nghề nhà thơ, cái ngày mà căn tính xã hội hiện rõ nhất ngay thời bây giờ, ngay lúc này.
Trước nhất, tôi xin nói về nghề viết sớ, cái nghề không liên quan gì đến các ông đồ chân chính. Nghĩa là chỉ cần biết một số chữ Nho hay chữ Nôm, đặt một cái bàn trước các đền, phủ, miếu, đặc biệt là ở những nơi được cho là linh thiêng, có thể cho vay lộc như đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, chùa Bà ở Bình Dương, Phủ Cậu ở Tây Hồ – Hà Nội hay đền Trần ở Lào Cai, Nam Định… Hoặc các chùa lớn có tổ chức nhương sao giải hạn. Ở những nơi này, thường, người ta bày một chiếc bàn, chiếc ghế cùng một mớ giấy hai mặt, mặt vàng, mặt trắng và để một nghiên mực hoặc dĩa mực, để mấy cây bút lông. Khách hàng, tức người đi cầu lộc tới mua hương đăng hoa quả, vàng mã xong thì nhờ thầy viết cho lá sớ, nội dung gồm tên tuổi, quê quán, chức vị của chồng/vợ/con/em… và nguyện vọng, xin thứ gì, hứa sẽ tạ lễ vào năm sau ra sao hoặc sẽ nhờ thầy viết giùm tên, họ, tuổi tác, quê quán… để cúng dâng sao.
Cứ như thế, thầy múa bút, đúng sai có trời mới biết, vì có ai biết chữ Nho, chữ Nôm đâu. Mà người biết, thầy đồ thì họ dễ gì chịu tới đây, còn người có trí thức hẳn hoi thì cũng chẳng mấy ai chọn ba cái trò đầy dị đoan này, họ phải có lòng tự trọng. Chữ thầy thì như “rồng bay phượng múa”, cứ như vậy, mỗi tờ sớ chừng 30 ngàn đồng nếu nội dung ngắn, 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng nếu nội dung dài. Thử nghĩ, một ngày có chừng hai trăm khách như vậy thì mức thu nhập của thầy chẳng phải là chuyện đơn giản. Những ngày cao điểm, các thầy viết có khi lên đến 500 sớ, nghĩa là hết múa cái này thì thả ra cho đệ tử dùng máy sấy tóc sấy cho khô, viết tiếp sớ khác, có khi bỏ cả cơm trưa để viết sớ. Cứ tính trung bình mỗi sớ 50 ngàn đồng thì ngày cao điểm thầy bỏ túi hai chục triệu đồng như chơi. Mùa lễ lộc kéo dài cả tháng. Viết sớ một tháng thì cả năm ngồi rung đùi uống cà phê, tiền mua gạo thì viết các ngày rằm, mồng Một hằng tháng là đủ.
Vì nghề viết sớ dễ kiếm tiền nên thầy viết sớ, thầy bói kiêm viết sớ mọc ra khắp nơi. Nó cũng giống như nghề nhà thơ, chủ yếu mọc ra ở các làng quê và các ông bà hưu trí. Vì sao? Vì ở thôn quê, người nào cũng có thể đọc vài câu vè, vài câu lục bát, thời làm ăn khấm khá, cái loa kẹo kéo có mặt ở mọi cuộc vui, như vậy là hát, rồi đọc thơ, người nào viết ít thì vài câu, viết nhiều thì vài bài. Làm được thơ thì nghĩ tới chuyện gửi báo, tham gia các hội thơ của xóm, rồi từ xóm đề cử lên hội phường, xã; hội phường xã lại đề cử lên hội huyện, hội huyện lại đề cử lên hội tỉnh, hội tỉnh lại đề cử lên hội trung ương. Mà muốn được đề cử thì cần phải biết mình đang viết gì, ví dụ như viết ca ngợi đảng, nhà nước, ca ngợi quê hương xã hội chủ nghĩa thì dễ lọt vào vòng trong, dễ được đề cử nhất.
Khi bàn tới hai chữ đề cử cũng có nghĩa đang bàn tới tiền bạc, bởi không ai giới thiệu, đề cử ai miễn phí đâu, muốn có thì phải bia rượu, chè chén, rồi phong bì, tùy mức độ mà tính tiền. Đó là chưa nói tới các hội thơ của chùa, giáo hội… Có hàng ngàn hội thơ trên đất nước này và đã có hội thơ, có làm thơ thì có tiền. Vậy tiền đâu ra? Trước tiên, phải hỏi là làm thơ thì sao có tiền? Có chứ, nếu qui ra thóc, làm cả năm trời cũng không dư được triệu bạc, nhưng làm thơ, chỉ cần mỗi năm đăng chừng ba bài thì đã có tiền triệu. Đây là thứ động lực để người ta làm thơ. Nhưng đây chỉ là động lực nhỏ, động lực lớn hơn chính là cái danh xưng “nhà thơ”. Không hiểu sao có rất nhiều người làm thơ dở một cách bền bỉ nhưng lại rất ưa làm thơ và suốt ngày cứ quanh quẩn với nó.
Rồi thầy chùa làm thơ tặng đệ tử, dù không nói ra, các đệ tử khi nhận mấy câu lục bát chúc Tết của thầy, nôm na nói về lộc đầu năm, chúc mọi thứ an lành, giàu có, sung túc… Thì cách gì, bài thơ đó cũng thu về cả chục triệu đồng vì mỗi đệ tử cúng dường cũng năm ba trăm ngàn đồng.
Nhưng đáng sợ hơn cả là chen chân vào hội nhà nước. Vì mỗi năm, nhà nước rót kinh phí cho các hội thơ không nhỏ, số tiền này phải tiêu hết trong năm, để năm sau lại xin, và các nhà thơ hội viên được tài trợ in thơ vài chục triệu đồng mỗi năm, tài trợ sáng tác cũng vài chục triệu đồng mỗi năm, đó là chưa kể nhuận bút khi in bài trên các báo, rồi thêm chuyện đi chơi miễn phí, có chỗ nào chơi miễn phí sướng hơn chốn “văn nhân thi sĩ”. Từ tỉnh A qua tỉnh B, chỉ cần trình thẻ hội viên thì có ngay phòng ngủ, bữa cơm miễn phí, thậm chí có thể được các quan chức tiếp đãi nồng hậu để nghe họ kể về cuộc đời của họ, không chừng vớ bẩm, viết giùm họ tập thơ, kiếm vài chục triệu đồng.
Có cả ngàn lẻ một thứ để người ta vừa no bụng vừa hoang tưởng khi làm một nhà thơ tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhất là trong lúc này, mật độ phát triển của nghề nhà thơ và nghề viết sớ có vẻ như vô đối!
Leave a Comment