Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Việt Nam là một nước nhỏ nằm về phía Nam bán đảo Đông Nam Á, nhỏ về dân số, nhỏ về diện tích so với một Trung Quốc như một khối đá khổng lồ nằm đè trên phía Bắc. Từ ngàn xưa, bang giao giữa hai nước là loại bang giao sóng gió, sau thời kỳ Ngô Quyền dựng nền độc lập năm 938, chấm dứt 10 thế kỷ Bắc thuộc đè nặng lên số phận dân tộc Việt Nam.
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975, các lãnh đạo CSTQ chợt thấy biên giới Trung Hoa kéo dài tới mũi Cà Mau. Đây là thời kỳ mà Bắc Kinh liên tiếp mở ra những gọng kềm nhằm mục đích “thu hồi” vùng lãnh thổ trong lịch sử đô hộ của họ.
Gọng kềm thứ nhất là Biển Đông. Trên bản đồ vùng biển này, Trung Quốc hiện làm chủ Hoàng Sa – Trường Sa, cưỡng chiếm của Việt Nam trong các năm 1974 và 1988. Không chỉ chiếm đóng quân sự, Trung Quốc còn khẳng định chủ quyền của họ bằng cách thành lập thành phố Tam Sa, cơ quan hành chánh đặt tại đảo Phú Lâm để quản lý một khu vực rộng lớn còn trong vòng tranh chấp với Việt Nam và các nước. Họ đưa dân ra đảo này sinh sống, tổ chức du lịch để duy trì sự chiếm đóng lâu dài và coi đó là một phần lãnh thổ chính thức của Trung Quốc. Đồng thời bồi đắp và xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo, biến nơi đây thành những căn cứ hoả lực, những vị trí quân sự tiền tiêu có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng gọng kềm Biển Đông hiện nay mà cả CSVN và Hoa Kỳ khó gỡ chính là Luật Hải Cảnh mới ban hành. Với luật này, Bắc Kinh cho lực lượng hải cảnh của mình sẵn sàng dùng vũ khí sát thương bắn vào người và tàu bè ngoại quốc bị coi là “vi phạm” lãnh hải, lãnh thổ của họ. Với tiềm lực quân sự quá yếu cộng với tinh thần lệ thuộc của lãnh đạo CSVN, đối sách của Việt Nam trước sau chỉ là nhún nhường để Bắc Kinh tha hồ thao túng.
Trong tình thế hiện nay cho dù Hoa Kỳ đã tỏ rõ chiến lược liên kết các nước ngăn chận Trung Quốc, CSVN vẫn tiếp tục thế đu dây nhưng không dám xích lại quá gần với Hoa Kỳ. Cứ mỗi lần bị Trung Quốc lấn lướt dằn mặt, Hà Nội lại tự an ủi bằng “chính sách 3 không + 1” coi đó như chiếc khiên che giấu bộ mặt yêu chuộng hòa bình của mình. Xem ra đảng Cộng Sản Việt Nam cương quyết chọn con đường muôn đời chiến đấu bảo vệ biển đảo bằng mồm mà thôi.
Gọng kềm thứ hai là kinh tế. Sự lệ thuộc chính trị của lãnh đạo CSVN tất yếu dẫn tới lệ thuộc về kinh tế. Đối với một quốc gia mà tiềm lực kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới lại ở sát nách như Trung Quốc, kinh tế Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào buôn bán theo đường tiểu ngạch mà còn cả hàng hoá, linh kiện điện tử, trang thiết bị, máy móc nhập khẩu cho mục tiêu sản xuất.
Ở một khía cạnh khác, Việt Nam càng hô hào thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thì càng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này dẫn đến nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng cao, lợi ích kinh tế mang về càng thấp. Theo báo cáo của VEPR (Viện Ngiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách) mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2020 là trên 35 tỷ Mỹ Kim, so với mức xuất siêu đối với Mỹ là trên 63 tỷ.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là giữa cuộc thương chiến Mỹ-Trung, Việt Nam tự mình biến thành nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Chắc chắn các nhà kinh tế trong chính phủ Việt Nam không đến nỗi ngây thơ nghĩ rằng mình chỉ buôn bán kiếm lời, thay vì giúp Trung Quốc trốn thuế. Tác động qua lại của hành động này khiến gọng kềm kinh tế của Bắc Kinh ngày càng nguy hiểm, khi Việt Nam lún sâu vào chiếc bẫy vô hình của Bắc Kinh. Việt Nam cũng không có cách nào thoát khỏi vấn nạn này do sự lười biếng và lệ thuộc quá sâu của kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ cần một cái nhìn tổng quát, ai cũng thấy từ Nam chí Bắc, những dự án kinh tế quy mô của Hà Nội đều do bàn tay Trung Quốc xây dựng, chi phối theo cách riêng của họ.
Gọng kềm thứ ba là thể chế chính trị. Do tương đồng trong hoàn cảnh của một số nước cộng sản còn sót lại sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam tự hào “vừa là đồng chí vừa là anh em” với láng giềng phương Bắc. Việt Nam coi Trung Quốc là ngọn hải đăng của thể chế nhà nước tư bản chủ nghĩa xã hội. Đây là một hình thức nhà nước biến thái, chưa hề được đề cập trong chủ thuyết cộng sản nhưng thỏa mãn được điều kiện một nước phát triển theo thể chế cộng sản, không muốn bị cô lập trên thế giới. Vì thế trong tâm lý thần phục đàn anh, Hà Nội đã sao chép nguyên xi từ những gì Trung Quốc đã làm, mang về cải sửa cho phù hợp kích thước để áp dụng vào Việt Nam.
Nói cách khác, CSVN không dám hay không có khả năng “sáng chế” cho mình một con đường phát triển riêng. Nên họ luôn luôn giữ đúng thân phận và luôn luôn đi theo đàn anh Trung Quốc từ mô hình tổ chức, lề lối sinh hoạt, ngay cả tổ chức đảng và nhà nước. Những gì mà họ gọi là đổi mới lâu nay, trong thực tế chính là những thứ đảng CSVN làm người học trò trung thành học được từ Trung Quốc, nhưng đi sau hàng chục năm. Gọng kềm chính trị này là gọng kềm nguy hiểm nhất đối với đảng CSVN vì nó triệt hạ tinh thần và khả năng tự chủ của đảng lãnh đạo mà không nhìn thấy nguy cơ mất nước từ tay ngoại bang.
Gọng kềm thứ tư là an ninh quốc phòng. Việt Nam hiện nay là một quốc gia được đánh giá “có trọng lượng” với dân số gần 100 triệu người trong khối ASEAN. Nhưng dân số đông không đồng nghĩa với sức mạnh an ninh quốc phòng. Vả lại mỗi nước trong khối ASEAN này đều có lợi ích riêng, nên có những giấc mơ và mối quan hệ với các nước chung quanh khác nhau, nhất là với những quốc gia giàu mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việt Nam tuy ghét kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, nhưng do nhu cầu tồn tại nên thiểu số lãnh đạo phải chọn lối sống của “một dây leo” bám vào một cây khác. Đó không phải vì Việt Nam nằm sát Trung Quốc mà vì còn an ninh lãnh thổ của CSVN gắn liền với an ninh của đại quốc đàn anh. Trong một tình hình đặc biệt nào đó, nếu CSVN có rục rịch gì với Mỹ hay Nhật Bản, hay tham gia một liên minh quân sự thì sẽ bị Trung Quốc tấn công ngay. Từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình ngang nhiên tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học,” cho đến nay bài học ấy vẫn còn là một bài học cụ thể về gọng kềm an ninh của Trung Quốc. Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã qua đời, nhưng các tổng bí thư đời sau Lê Duẩn không dám quên điều đó.
Nhưng sở dĩ Việt Nam luôn bị kẹp chặt trong bốn gọng kềm này là do lãnh đạo cộng sản Việt Nam không có xương sống. Những người CSVN vốn đặt nặng quyền lợi của đảng và quyền lợi của chính họ cao hơn quyền lợi dân tộc, thà mất chủ quyền đất nước hơn mất đảng. So với tiền nhân anh hùng, những người cộng sản thời nay thật hèn nhục. Họ đã không có xương sống từ những năm 1930 khi thành lập đảng CSVN, hoạt động và nhận sự giúp đỡ tận tình từ bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Cho đến khi chiếm được nửa nước phía Bắc sau Hiệp Đinh Genève năm 1954, lãnh đạo đảng Lao Động Việt Nam (đảng CSVN đổi tên) hoàn toàn đặt mình dưới sự chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc. Tận tình thờ chủ nghĩa Mao nên từ đó đến nay CSVN đi vào ngõ cụt, cái còng nô lệ càng ngày càng siết chặt vào cổ. Từ mất chủ quyền độc lập tự chủ đến mất nước, đó là cái giá phải trả mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu.
Nhân dân Việt Nam muốn có độc lập, tự chủ thật sự, chỉ có cách chấm dứt chế độ nô lệ ngoại bang này càng sớm càng tốt. Và khi đó, Việt Nam mới thật sự “thoát Trung” tức thoát ra khỏi những gông cùm của Trung Quốc về Biển Đông, về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng lâu nay đè nặng lên số phận dân tộc.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment