Cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 tại Miến Điện không chỉ chấm dứt tiến trình dân chủ hóa, vừa được khởi sự tại quốc gia này từ ít năm nay. Chính biến này còn là mối đe dọa lớn đối với cộng đồng người thiểu số Rohingya, theo đạo Hồi ở miền tây Miến Điện, vốn đã là nạn nhân của các đàn áp tàn bạo của quân đội Miến Điện, ngay trong thời kỳ quốc gia này có một « chính phủ dân sự ».
Phản ứng tương tự từ phía đông đảo người Rohingya đang sống tị nạn ở nước ngoài. Một tuần sau khi cú đảo chính nổ ra, ông Not Aung, một trong số hơn 100.000 người Rohingya tị nạn tại Malaysia, cho RFI biết 600.000 nghìn người Rongya còn ở lại Miến Điện không có hy vọng chạy ra bên ngoài, nếu xảy ra đàn áp, bởi biên giới Miến Điện – Bangladesh đã bị kiểm soát chặt.
Lo ngại đàn áp khốc liệt mới
Ám ảnh đối với người Rohingya là, một khi nắm trọn vẹn quyền lực trong tay, quân đội Miến Điện sẽ thẳng tay đàn áp cộng đồng thiểu số này. Những người sống sót sau đợt đàn áp quân sự năm 2017 đều không thể quên việc rất nhiều làng mạc của người Rohingya đã bị tàn phá. Quân đội Miến Điện bị tố cáo tiến hành các vụ hành quyết, cưỡng hiếp, cướp bóc trên quy mô lớn. Theo một số liệu của Liên Hiệp Quốc, khoảng 750.000 người Rohingya phải chạy khỏi Miến Điện. Vào thời điểm đó, tổ chức Y sĩ không Biên giới đưa ra con số hơn 10.000 người Rohingya thiệt mạng trong các bạo lực. Chính quyền Miến Điện bị kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, với cáo buộc « diệt chủng » tại bang Rakhine năm 2017.
Nhiều người Rohingya hiểu rằng, cho dù chính quyền dân sự trước đây do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, bị chỉ trích đã không hề có phát biểu nào để bảo vệ người Rohingya, cũng như không lên án chính sách đàn áp của quân đội Miến Điện, thậm chí bao che cho quân đội Miến Điện, thế nhưng, cũng trong thời kỳ chính phủ dân sự, đã diễn ra việc chưa từng có, đó là nhiều quân nhân Miến Điện bị kết án tù giam vì tội sát hại người Rohingya.
Việc tập đoàn quân sự trở lại trực tiếp nắm toàn bộ quyền lực sẽ chỉ khiến tình hình vốn đã tồi tệ hiện nay thêm tồi tệ hơn. Tư lệnh Quân Đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, nay là người lãnh đạo chính quyền quân sự, đã thường xuyên khẳng định, cuộc đàn áp tại bang Rakhine là điều cần thiết để chấm dứt các phong trào nổi dậy tại khu vực này. Ông Tun Khin, chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Anh Burma Rohingya Organisation, bảo vệ quyền của người Rohingya ở Miến Điện, nhấn mạnh : « Có nguy cơ cao là (với chính quyền quân sự) sẽ có các đàn áp mới ở bang Rakhine ».
Quân đội trấn an cộng đồng Rohingya
Về thái độ của giới tướng lĩnh với cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, giới quan sát cũng ghi nhận một diễn biến mới. Ngay sau đảo chính, tập đoàn quân sự đã có một số động thái « thiện chí », với hứa hẹn sẽ tôn trọng kế hoạch hồi hương của người tị nạn Rohingya tại Bangladesh. Trả lời báo Pháp La Croix, ông Wakar Uddin, lãnh đạo Arakan Rohingya Union, một tổ chức của người Rohingya lưu vong tại Hoa Kỳ, cho biết đại diện giới quân sự đã gặp gỡ một số lãnh đạo Rohingya để trấn an. Theo người lãnh đạo hiệp hội của người Rohingya tại Mỹ nói trên, thì tác động của cuộc đảo chính quân sự đến số phận của người Rohingya Miến Điện có thể không đến nỗi tệ hại, bởi chính quyền quân sự đã có « một số dấu hiệu tỏ thiện chí ». Tuy nhiên, nhiều người Rohingya hoàn toàn không ảo tưởng vào khả năng quân đội sẽ thay đổi chính sách với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya. Nhiều người Rohingya vẫn không quên việc luật sư Koni, theo đạo Hồi, một cố vấn pháp lý của lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi, bị sát hại tại sân bay Rangoon năm 2017, ngay giữa ban ngày. Một thành viên chính phủ còn bị đối xử như vậy huống chi những người dân thường vô danh, tại một vùng đất xa xôi ở biên giới.
Bắt tay với giới dân tộc chủ nghĩa bang Rakhine
Giới quan sát cũng chú ý đến một động thái khác của chính quyền quân sự Miến Điện. Chỉ ít ngày sau đảo chính, giới tướng lĩnh đã tìm cách cải thiện quan hệ với cộng đồng người theo đạo Phật tại bang Rakhine. Chính quyền quân sự khẳng định một thành viên đảng dân tộc chủ nghĩa ở bang Rakhine sẽ tham gia chính phủ. Giới tướng lĩnh cũng ra lệnh trả tự do cho một cựu lãnh đạo đảng dân tộc chủ nghĩa ở bang Rakhine, ông Aye Maung, vốn bị chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi kết án tù năm 2019, sau một phát biểu, bị coi là đã dẫn đến các đụng độ đẫm máu. Căng thẳng giữa các cộng đồng theo đạo Phật, chiếm đa số, và các cộng đồng theo Hồi giáo tại bang Rakhine đã có từ lâu. Sự xích lại gần nhau giữa giới quân sự với các thành phần dân tộc chủ nghĩa tại bang Rakhine gây lo ngại. Năm 2012, bạo lực đã bùng lên giữa hai cộng đồng, khiến khoảng 100.000 người Hồi giáo phải rời bỏ quê hương.
Ngay sau cú đảo chính quân sự, có thể đã có nhiều người Rohingya cảm thấy vui mừng với việc lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi bị bắt giam, bởi trong thời kỳ chính quyền dân sự, cộng đồng người Rohingya bị tàn sát, truy bức ở quy mô chưa từng có trong những thập niên gần đây. Nhưng với thời gian, nhiều người hiểu ra rằng có sự khác biệt lớn giữa một chế độ độc tài quân sự với một chính quyền, mà giới quân sự không thâu tóm toàn bộ quyền lực, như giai đoạn chính quyền bán dân sự (tháng 3/2016 – tháng 1/2021) ngắn ngủi vừa qua.
Nhiều nhà quan sát ghi nhận, « lần đầu tiên » một số thành viên cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã xuống đường cùng với người dân Miến (sắc tộc đa số), trong nhiều cuộc biểu tình đòi khôi phục chính phủ dân sự. Tuy nhiên, nhiều người cũng hiểu rằng tình đoàn kết bất ngờ giữa người Rohingya với cộng đồng đa số, chống đảo chính quân sự, ắt hẳn cũng khó có thể duy trì, bởi những mâu thuẫn, mặc cảm, thù hận chất chứa từ hàng thế kỷ giữa hai cộng đồng./.
Leave a Comment