Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng cho kinh tế thị trường?

- Quảng Cáo -

Trần Dzạ Dzũng – (VNTB) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ra đề bài là “quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Theo lý lịch, năm 1978, ông Nguyễn Xuân Phúc tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Những năm 1990, ông Phúc theo học ngành Quản lý hành chính Nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia. Đến năm 1996, ông Phúc được cử theo học ngành Quản lý Kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.

Tất cả các trường mà ông Phúc đã theo học, chắc chắn không có giáo trình về cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Dưới đây là tóm lược những lý thuyết của sinh viên theo các ngành liên quan quản lý kinh tế:

- Quảng Cáo -

Cơ chế thị trường là quá trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể (hoạt động) kinh tế trong việc hình thành giá cả, phân phối tài nguyên, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất. Sự tương tác của các chủ thể tạo nên những điều kiện nhất định để nhà sản xuất, với hành vi tối đa hóa lợi nhuận, sẽ căn cứ vào giá cả thị trường để quyết định ba vấn đề: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai.

Như vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa cho cả ba vấn đề này là gì, cần phải có câu trả lời để có thể đi các bước tiếp theo.

Theo lý thuyết của các nhà kinh tế học phúc lợi, thì cơ chế thị trường là cách thức tự động phân bổ tối ưu các nguồn lực của nền kinh tế. Đó là vì, mỗi nhà sản xuất đều căn cứ vào giá cả thị trường để quyết định sản xuất bao nhiêu, sẽ không có sản xuất thừa, cũng sẽ không có sản xuất thiếu. Phúc lợi kinh tế được đảm bảo do không có tổn thất xã hội.

Tuy nhiên, để cơ chế thị trường thực hiện tốt được chức năng của mình, thì các điều kiện sau đây phải được thỏa mãn: thị trường phải có cạnh tranh hoàn hảo, thông tin đối xứng, không có các ảnh hưởng ngoại lai (ngoại ứng), v.v… Nếu không, cơ chế thị trường sẽ không thể phân bổ tối ưu các nguồn lực kinh tế. Khi đó có thất bại thị trường.

Trong suốt thời gian gọi là đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc bảo thủ quan điểm “định hướng xã hội chủ nghĩa”, cho thấy đã không thể đáp ứng điều kiện cho cơ chế thị trường thực hiện đầy đủ các chức năng của mình.

Ở nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành do sự điều tiết của quan hệ cung cầu.

Đặc trưng cơ bản nhất của cơ chế thị trường là động lực lợi nhuận, nó chỉ huy hoạt động của các chủ thể. Trong kinh tế thị trường, đặc điểm tự do lựa chọn hình thức sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm: ‘lãi hưởng lỗ chịu’, chấp nhận cạnh tranh, là những điều kiện hoạt động của cơ chế thị trường, chứ không phải từ ý chí của nghị quyết Đảng.

Sự tuân theo cơ chế thị trường là điều không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp, nếu không sẽ bị đào thải.

Dường như ở đây đề bài mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, chủ yếu chỉ là hình thức phục vụ tuyên truyền cho đường lối Đảng.

Thử nhìn sang Trung Quốc.

Đại hội XIV vào năm 1992, Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức đưa vấn đề xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vào văn kiện đại hội với 6 đặc trưng cơ bản. Đến Đại hội XIX ở năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác lập tư tưởng Tập Cận Bình về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” với mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ XXI.

“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Tạm gác qua những lý luận hàn lâm học thuật. Giờ chỉ cần nhìn vào việc mấy chục năm qua nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, có thể hiểu về viễn cảnh ra sao của việc đeo đuổi mệnh đề “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

- Quảng Cáo -