Phạm Quý Thọ|
Chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là một trong những “ghế nóng” mà bất cứ ai ngồi cũng phải đối diện với thách thức không nhỏ từ các cử tri, hơn thế từ những “đồng chí” trong Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW). Việc vị bộ trưởng đương nhiệm khoá 12 đã “không trúng cử” vào BCHTW tại Đại hội 13 đồng nghĩa với sự nghiệp chính trị đang bị khép lại theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu”. Câu hỏi ai sẽ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ được quan tâm về cá nhân cụ thể nào đó và cách họ được bầu chọn, mà còn về năng lực và phẩm chất để đối diện với thực tế đang thay đổi phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
TRƯỜNG HỢP KHÔNG TRÚNG CỬ
Công tác cán bộ do Đảng quyết định. BCHTW khoá trước “ấn định” danh sách khoá sau với số dư khoảng 10% để Đại hội đảng bầu. Kết quả, về cơ bản, là “không nằm ngoài dự kiến”, không chỉ về số lượng và cơ cấu với những vị trí cao cấp nhất của đảng như Tổng bí thư, “tứ trụ”, Bộ Chính trị, Ban bí thư… đến các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, về hình thức các chức danh nhà nước cần được Quốc hội khoá mới, khoá 15 quyết định theo cơ chế “Đảng cử dân bầu”. Đại hội Đảng lần thứ 13 đã bỏ phiếu quyết định BCHTW gồm 200 người, trong đó, ông Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Trung ương khóa 12, đương kim Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, còn tuổi nhưng không trúng cử.
Trong nhiệm kỳ vừa qua vị Bộ trưởng này từng có “tai tiếng” về vấn đề năng lực. Ông này đã được yêu cầu giải trình nhiều lần trong các phiên chất vấn tại Quốc hội khoá 14 về những thay đổi chính sách trong giáo dục như đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong các trường học Việt Nam, cải cách bậc học phổ thông, cải cách sách giáo khoa theo hướng một chương trình song có nhiều bộ sách giáo khoa, đổi mới giáo dục đại học, tự chủ đại học, giảm tải học kiến thức, định hướng đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên…. Ngoài ra, đã có những chỉ trích trên mạng xã hội về việc ông “đạo văn” và “lạm dụng quyền lực”, thậm chí “kêu gọi” từ chức.
“GHẾ NÓNG”
Chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những chiếc “ghế nóng”. Có ý kiến cho rằng bất cứ ai ngồi chiếc “ghế nóng” cũng đối mặt với vô số vấn đề xảy ra trong ngành giáo dục, trong xã hội và vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu. Cộng đồng mạng kể ra một vài “sự cố” tạo hình ảnh tiêu cực về ngành, gây bức xúc dư luận: Một số giáo viên ở một vài địa phương áp dụng những hình phạt “thô bạo” đối với học sinh như bắt học sinh quỳ gối, “uống nước giặt giẻ lau bảng” hay yêu cầu các học sinh của lớp tát một nam sinh khiến em này nhập viện… Vụ nâng điểm nghiêm trọng xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến xã hội mất niềm tin vào một kỳ thi trung thực, khách quan. trường đại học Đông Đô đã tuyển sinh văn bằng 2 ngoại ngữ, thu lời bất chính hàng tỷ đồng khi chưa có sự cho phép của Bộ Giáo dục, đã cấp hơn 200 bằng giả; Số lượng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là “đáng lo ngại”….
Tuy nhiên việc giải trình của vị Bộ trưởng không những không thoả đáng, mà ngược lại gây bức xúc cho nhiều Đại biểu Quốc hội khoá 14 và có phát biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm, không né tránh: “Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, bộ máy quản lý Nhà nước có vấn đề, hạn chế thì mới có những giải pháp để lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục….”
THÁCH THỨC
Rõ ràng vị Bộ trưởng này chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và cũng không đủ tín nhiệm từ các “đồng chí” trong Đảng, nhưng ông ta cũng chỉ là sản phẩm của cơ chế tập quyền thay vì có sự tham gia của người dân và phản ánh những thay đổi từ thực tế.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang thay đổi sâu sắc bởi sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường chuyển đổi và cải cách cơ chế chính sách cần phải đáp ứng yêu cầu thực tế trước sự thay đổi. Thách thức lớn đối với bất kỳ ông bộ trưởng nào tiếp theo, cũng như bộ máy quản lý dưới sự điều hành của ông ta nếu không tính đến những thay đổi chủ yếu sau.
Trước hết, các học sinh, sinh viên phải trả học phí và họ kỳ vọng có được kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc làm có thể bù đắp chi phí học hành và phát triển cá nhân. Trở thành người tiêu dùng dịch vụ phải trả phí, họ hoặc gia đình họ thể hiện quyền lựa chọn ngày càng duy lý đối với các cơ sở đào tạo. “Vốn nhân lực” đã và đang thúc đẩy sự hình thành thị trường giáo dục và đào tạo, tuy còn sơ khai, chậm chạp và bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều, nhưng đó là xu hướng không thể đảo ngược. Thị trường đặc thù này chịu ảnh hưởng phức tạp của nhiều yếu tố và liên thông với thị trường lao động xã hội kém phát triển, bất đối xứng về thông tin, bất cân đối cung cầu, bị chia cắt…
Hai là, một trong những tác động sâu sắc nhất đó là sự phân hoá giàu nghèo theo vùng miền, thành thị nông thôn, tầng lớp dân cư và sự bất bình đẳng xã hội. Sự tương phản tiêu cực đến niềm tin của người dân về tương lai khi nhiều con trẻ không có đủ điều kiện tiếp tục đến trường trong lúc không ít con em của những gia đình khá giả và của nhiều quan chức đi du học ở các quốc gia phát triển, thậm chí không quay trở về “phục vụ” quê hương. Việc “từ chối” nền giáo dục nước nhà tạo “ấn tượng” phản cảm sâu nặng làm mờ nhạt những “tấm gương đạo đức” tuyên truyền…. Khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng đang khoét sâu nghịch lý ý thức hệ dựa vào chủ nghĩa tập thể – nền tảng của chế độ và quá trình thị trường hoá nền kinh tế.
Như vậy, để cơ chế, chính sách giáo dục và đào tạo, kể cả bộ máy quản lý và công tác cán bộ, đi vào cuộc sống thì việc hoạch định và thực thi cần phải hướng tới nhu cầu của người dân, hướng tới cơ sở theo nghĩa “để người dân làm” (“laissez faire”), hàm ý trước hết đối với những người bản thân họ biết cách làm, thay vì chính sách “nhìn lên trên” và “từ trên xuống” như hiện nay.
THAY LỜI KẾT
Quay lại với vấn đề đặt ra. Có lẽ Đảng không “áp dụng” tiền lệ đối với trường hợp không trúng cử UVTƯ nhưng vẫn giữ cương vị như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế tại khoá 12, nhưng vẫn quyết định ai sẽ là theo cơ chế “đảng cử dân bầu”.
Dư luận đang bàn luận về “câu hỏi đầu xuân” của Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu trên Facebook cá nhân rằng “Có thể chọn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là UVTƯ Đảng được không?”. Ông nêu năm lý do của nhận định “lựa chọn vị trí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không nên quan tâm đến đảng phái, tôn giáo” và đề xuất sự thay đổi về bầu cử, ứng cử cho mọi công dân và đại biểu quốc hội về vị trí này.
Theo tôi, sự thay đổi cơ chế bầu chọn như đề xuất không thể diễn ra trong bối cảnh Đảng đang tập trung quyền lực cao hơn. Cơ chế “minh vương” đang tái thiết lập với các quy trình nhiều bước phức tạp, nhưng tính hiệu quả đến đâu còn tuỳ thuộc vào sự minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình. Dẫu sao “đề xuất” này cũng phản ánh yêu cầu thay đổi cơ chế “minh vương” đã không còn phù hợp với thực tế./.
Nguồn. FRA
#nềngiáodụcvn #bộtrưởnggiáodục&đàotạo
Leave a Comment