So với Việt Nam, Nam Hàn có nhiều điểm tương đồng: Sau Tết âm lịch, số ca nhiễm COVID – 19 tăng (khoảng 600/ngày, gấp đôi so với trước Tết), diễn biến dịch bệnh có vẻ phức tạp hơn,… Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Nam Hàn trong đại dịch mang tính toàn cầu này lại rất khác…
***
Ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn vừa tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp phòng ngừa vào 1 tháng 3. Thay vì áp đặt các biện pháp có tính cưỡng ép, chính quyền Nam Hàn muốn dân chúng tự giác phòng ngừa bằng ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng vì chống dịch bền vững cuộc chiến trường kỳ.
Theo ông Moon, duy trì các biện pháp có tính cưỡng ép (hạn chế đi lại, cấm ăn uống tại chỗ,…) sẽ gia tăng gánh nặng cho tiểu thương cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ. Bởi thời tiết sẽ ấm hơn, nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, song song với việc nâng cao mức phạt nếu vi phạm (chẳng hạn không mang khẩu trang, tụ tập qua số lượng đã được ấn định,…) vừa giúp giảm gánh nặng này để hỗ trợ các thành phần yếu thế, vừa giúp nền kinh tế có thể hồi phục.
Nam Hàn đang suy tính cách thức bù đắp cho những thành phần yếu thế bị thiệt hại vì chính sách phòng ngừa dịch nghiêm ngặt của chính phủ. Những thành phần yếu thế sẽ sớm nhận được gói hỗ trợ khẩn cấp lần thứ tư. Nam Hàn cũng sẽ chi 110 ngàn tỉ Won (tương đương 91 tỉ Mỹ kim) để giúp khoảng 900.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, vốn phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng đã mất việc.
Ông Moon khẳng định, chính quyền Nam Hàn sẽ sớm tổ chức chích ngừa trên diện rộng. Chính quyền sẽ giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, chi phí lao động, hỗ trợ đào tạo nghề để đạt mục tiêu tái tạo 900.000 việc làm ngay trong quý này (1)…
***
Nhìn một cách tổng quát, thông điệp của ông Moon nói riêng và chính quyền Nam Hàn nói chung có những mốc rất rõ ràng về thời gian, những con số rất cụ thể về tái tạo việc làm, những chính sách mà đa số thường dân có thể dễ dàng xác định ngay là thiệt hay… giả, nên rất… dại vì trách nhiệm sẽ rất nặng nề, áp lực sẽ rất lớn!
Đầu năm ngoái, Nam Hàn từng khiến cả thế giới choáng váng về mức độ lây lan COVID – 19 nhanh và mạnh, chỉ thua Trung Quốc. Đó cũng là lý do Nam Hàn trở thành quốc gia tiêu biểu trong phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh hết sức hiệu quả nhưng chính quyền Nam Hàn – vốn không có người nào tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị ở Học viện Chính trị Hồ Chí Minh – biết cách để đề cao sự tài tình, sáng suốt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Nam Hàn.
Việt Nam thì khác! Trong khi nền kinh tế của rất nhiều quốc gia ngả nghiêng bởi tác động từ COVID-19, Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 2,91% và được xếp vào nhóm có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020. Ngay lập tức, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng thanh tán tụng, đại loại: Năm 2020, hai từ Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất với những ngợi ca và mỹ từ đẹp nhất trên truyền thông quốc tế từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và thắng lợi mùa xuân năm 1975, khi chúng ta khống chế thành công đại dịch COVID-19, bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân (2)…
Dẫu đã có khá nhiều chuyên gia như ông Phạm Thế Anh vừa lý giải, vừa cảnh báo: Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm vừa qua không dựa trên các “trụ cột” thật sự của tăng trưởng. Tỉ lệ tăng trưởng được ca ngợi là… “độc nhất vô nhị” ấy là nhờ… chi tiêu nhiều (đầu tư công), đồng thời nhờ kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Phải lưu ý cả hai đều có giới hạn (3)… song những ý kiến loại này không… đáng để… đếm xỉa vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ cần có gì đó để xiển dương sự… tự hào, bất kể người nghèo điêu đứng thế nào, doanh giới cũng như thành phần trung lưu tuyệt vọng vì bế tắc ra sao!
Chú thích
(1) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48976
(2) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thanh-tich-dac-biet-trong-nam-ban-ron-nhat-cua-Chinh-phu/420546.vgp
Leave a Comment