Nguyễn Hòa Bình có phải là lá chắn mới của Nguyễn Phú Trọng?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

“Nội” chính là nội bộ, “chính” có nghĩa là chính trị. Ban nội chính Trung ương được ĐCS lập ra như là tai mắt của tổng bí thư nhằm theo dõi, phát hiện các sai phạm trong công việc thực thi đảng luật và pháp luật ở các cơ quan chính quyền CS như: viện kiểm sát, toà án, chính phủ, các chính quyền địa phương, tư pháp, thanh tra, hải quan, trọng tài kinh tế nhà nước, Hội luật gia… ban này khi mới thành lập vào năm 1961 nó tên là Ban Pháp chế Trung Ương, tên này sát nghĩa hơn.

Năm 2006, khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng, không biết ai đã áp lực mà Ban Bí Thư khi đó lại dẹp bỏ Ban Nội Chính Trung Ương. Ban Bí Thư không có Ban Nội Chính làm cặp mắt giám sát, thế là quyền lực bên phủ thủ tướng lớn mạnh và lấn át văn phòng Trung Ương Đảng. Thời ông Nông Đức Mạnh quyền lực của Văn Phòng Trung Ương Đảng cứ dần rơi vào tay Nguyễn Tấn Dũng và chính vì thế ông này tự tung tự tác phá nát nền kinh tế đất nước mà không ai có thể cản nổi.

Năm 2011 ông Nguyễn Phú Trọng tiếp quản ghế tổng bí thư từ tay ông Nông Đức Mạnh, thì năm 2012 ông cho khôi phục lại Ban Nội Chính và kêu Nguyễn Bá Thanh về làm trưởng ban. Mục đích của ông Trọng là dùng ban này moi ra tội của thủ tướng. Ban đầu ông Trọng muốn đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính Trị để giúp ban này có quyền lực hơn trong vấn đề xử lý sai phạm phía đối thủ chính trị của ông, nhưng cuối cùng phe đối thủ hiểu ý và chặn ý đồ này của ông Trọng. Đó là lý do tại sao ông Trọng đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính Trị thất bại. Trong thế yếu nhưng Nguyễn Bá Thanh đã quá “háu đá” với lời tuyên bố thẳng thừng rằng: “hốt liền không nói nhiều”. Và kết quả là Bá Thanh bị “một đồng chí ẩn số X nào đó” tiễn về dưới địa phủ chầu… diêm vương. Kể từ đó, Ban Nội Chính như rắn mất đầu và chỉ tồn tại vật vờ cho đến bây giờ.

- Quảng Cáo -

Dù Ban Nội Chính vật vờ sau thời Nguyễn Bá Thanh nhưng quyền lực của ông Trọng vẫn mạnh lên sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng ở đại hội 12 năm 2016. Quyền lực của ông đạt đỉnh cao khi ông tiễn được Trần Đại Quang về họp mặt với Nguyễn Bá Thanh dưới âm phủ và thâu tóm luôn ghế chủ tịch nước của ông này.

Đại hội 13 là thành công cho ông Trọng, tuy nhiên việc ông Trọng phải cắt bỏ ghế mà ông đã dày công lập mưu ủ kế giành lấy từ tay ông Quang, thì điều đó cho thấy quyền lực của ông Trọng đã bắt đầu suy yếu. Khi ông mạnh thì tất ông giật ghế người ta, còn việc ông để người người ta giật hay bị người ta ép phải nhường cái ghế chủ tịch nước thì rõ ràng đó là dấu hiệu đồ thị quyền lực của ông Trọng đã bắt đầu chuyển sang bên kia sườn dốc. Ông đã không còn là kẻ vô đối muốn làm gì thì làm mà giờ đây ông cần phải ngồi lại ngã giá với người khác.

Ông Trọng là người đa mưu túc kế bật nhất trong ĐCS Việt Nam hiện nay, hẳn ông cũng cảm thấy quyền lực của ông đang bắt đầu đi xuống, cộng thêm vào đó là sức khỏe của ông cũng không chắc đảm bảo duy trì 5 năm trong nhiệm kỳ 3 này. Sức khỏe đi xuống thì ắt sức chiến đấu cũng giảm, mưu kế bày ra cũng không còn đủ độ thâm hiểm như trước đây nữa. Độ thâm hiểm của những thủ đoạn chính trị nó luôn tỷ lệ thuận với sự minh mẫn của trí lực ông Trọng. Như vậy khi sức khỏe giảm sút thì kẻ cơ hội quanh ông ta ắt sẽ trỗi dậy, đấy là viễn cảnh trong nhiệm kỳ 3 này, ắt hẳn ông Trọng phải hiểu ra điều đó.

Suốt nhiệm kỳ 2, việc vắng bóng Nguyễn Tấn Dũng nên ông Trọng cũng bỏ bê Ban Nội Chính. Trưởng ban nội chính Phan Đình Trạc vẫn chỉ là Ủy Viên Trung Ương Đảng, mà người đứng đầu một ban có chức năng giám sát nhiều ban bộ từ trung ương đến các tỉnh thành mà có người đứng đầu chỉ là ủy viên trung ương đảng thì khả năng hoạt động của nó ắt là rất hạn chế. Tuy nhiên ở đại hội 13 ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa được Phan Đình Trạc vào Bộ Chính Trị, hiện nay Trưởng Ban Nội Chính đang là Ủy Viên Bộ Chính Trị. Tuy nhiên liệu ông Trạc có tiếp tục ở lại Ban Nội Chính hay không đó là vấn đề khác.

Theo tin rò rỉ thì ông Trọng sẽ đưa ông Nguyễn Hòa Bình vào nắm trưởng Ban nội chính trong những ngày sắp tới. Đây nếu là sự thật thì phải nói ông Trọng rất thâm. Con người ông Nguyễn Hòa Bình đã thể hiện hết cho toàn dân biết bản chất qua việc xét xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải. Sai quy trì tố tụng, ông ta cũng ép cho đúng ý của ông ta, chứng cứ ngụy tạo trắng trợn ông ta cũng cho là đúng để quyết ép chết Hồ Duy Hải theo gian ý của ông ta. Điều này nói lên phẩm chất gì của ông Nguyễn Hòa Bình? Nó nói lên bản chất lưu manh cực độ, muốn ghép tội theo ý muốn là ghép bất cần luật pháp và bất chấp dư luận. Đây là một phẩm chất mà ông Trọng rất cần trong lúc này. Và đó là lý do tại sao ông Trọng quyết đưa Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính Trị mà phớt lờ đi mọi tai tiếng của ông này.

Khi quyền lực đi xuống, phe cánh đang ẩn mình muốn trổi dậy thì một ban nội chính với kẻ cầm đầu cỡ Nguyễn Hòa Bình làm giám sát là cần thiết. Nếu không có tội, Nguyễn Hòa Bình sẵn sàng ghép tội rồi bẩm báo cho Nguyễn Phú Trọng ra tay diệt. Chứ nếu là trưởng ban nội chính mà chỉ giám sát theo kiểu “có sao nói vậy” thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không an toàn trước thế lực đang ẩn mình chờ thời được. Đây là nước cờ rất hiểm nhưng liệu ông Trọng có an toàn trong nhiệm kỳ 3 hay không thì hãy chờ, biết đâu kẻ bị theo dõi cao mưu hơn mà thịt luôn cả kẻ chuyên “ăn không nói có” như Nguyễn Hòa Bình thì sao? Ông Nguyễn Phú Trọng cao tay lắm, nhưng liệu ông ta có yên ổn ngồi ghế tổng bí thư suốt 5 năm nữa hay không?! Hãy chờ xem, 5 năm sau sẽ rõ./.

-Đỗ Ngà-

#nguyễnhòabình

- Quảng Cáo -