Mạc văn Trang – BVN
Đêm rồi lúc hơn 2 giờ sáng, tôi thức giấc, rồi ngủ lại chập chờn, bỗng mơ gặp Phạm Toàn. Anh cười, nói: Tết này không về liên hoan Nhóm Cánh Buồm à?… Tôi giật mình vùng dậy. Bà xã hỏi, sao thế? – Mình mơ thấy anh Phạm Toàn đến thăm… Không có gì đâu, ngủ đi. Thế rồi tôi thao thức, phải viết chút gì về Phạm Toàn.
Sinh thời, cứ giáp Tết, Phạm Toàn lại họp mặt nhóm Cánh Buồm liên hoan giản dị mà hoà đồng, vui tươi, cười nói hỉ hả… Ông thường nói “Cuộc sống phải có tiếng cười”. Luôn biết hài hước là một đặc sắc của trí tuệ Phạm Toàn.
Tết năm ngoái, tôi còn cùng mấy em nhóm Cánh Buồm viếng mộ ông. Các em cứ ngồi bên mộ ông khóc, rồi chợt nhớ, thầy bảo phải cười vui, thế là chúng trò chuyện với ông, mách ông, trêu ông, hỏi ông bao nhiêu chuyện cho đến tối mịt, y như ông vẫn đang sống ngồi bên chúng. Tôi chưa từng thấy ai đi viếng mộ người chết lại có các cung bậc cảm xúc thân thương, tự nhiên đến thế…
Năm nay không về viếng mộ ông và liên hoan với nhóm Cánh Buồm được, quả là có cái gì đó thấy thiếu thiếu, thấy nhớ nao nao. Càng lùi xa càng thấy Phạm Toàn lớn lao. Càng ngày tôi càng thấy Phạm Toàn xứng đáng là Nhà Giáo dục LỚN của Việt Nam đương đại! Tiếc rằng ngành Giáo dục, ngành Khoa học giáo dục và cả xã hội chưa hiểu được giá trị những việc làm của ông.
Vào năm 2014 tôi nói với Phạm Toàn: Công trình của anh dạy thực nghiệm môn Văn và Tiếng Việt cho học sinh lớp 1-2-3-4 rất thành công, đủ để tổng kết khoa học được rồi. Anh không những phải lưu giữ các sản phẩm của học sinh và phân tích định tính, mà quan trọng là khoa học thực nghiệm Tâm lý học – Giáo dục học hiện đại đòi hỏi phải đo đạc lượng hoá với các tiêu chí, chỉ số, bằng các Test, bảng hỏi, bài tập… khách quan. Phải phân tích theo phương pháp khoa học định lượng mới thuyết phục…
Phạm Toàn bảo: Anh làm đi! Làm ngay đi!
Nhưng rất tiếc, lúc đó tôi làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng Ma tuý (PSD), đầy mới mẻ, khó khăn, không có thời gian giúp ông làm việc này. Còn Phạm Toàn cứ như một kỵ sĩ trên mình ngựa lao vào “trận chiến” không ngừng nghỉ: Ông làm tiếp sách Văn và Tiếng Việt theo sự phát triển của học sinh thực nghiệm, lên lớp 5-6-7-8-9… Không những thế ông còn ôm đồm làm cả môn Tiếng Việt cho trẻ Mẫu giáo, sách Giáo dục Lối sống lớp 1-2-3-4-5; rồi sách Khoa học, sách học Tiếng Anh, rồi tủ sách Sư phạm Cánh Buồm… Và chuẩn bị tổng kết 10 năm thực nghiệm giáo dục của Cánh Buồm thì ông ra đi! Trước lúc lâm chung, ông gọi tôi và cô Minh Hà đến dặn dò, ông bảo tôi hãy tiếp tục dẫn dắt Cánh Buồm. Tôi nói, để các em trẻ nó làm, tôi ngoài 80 rồi, không kham nổi nữa! Ông buồn. Thế là 2 lần, tôi đã không làm được điều ông mong muốn. Dù hoàn cảnh không thế, tôi vẫn cảm thấy như có lỗi, mắc nợ với ông.
Tại sao nói Phạm Toàn xứng đáng là Nhà giáo dục lớn? Thực ra tôi không thích từ “vĩ đại”, nhưng người ta quen gọi các nhà Tâm lý học như J. Piaget, Lep Vygotsky … là vĩ đại; gọi những Nhà giáo dục như Takasugi Shinsaku, FUKUZAWA YUKICHI, A.S. Makarenko, Maria Montessori …là những Nhà giáo dục nổi tiếng, vĩ đại… Những kết quả 10 năm thực nghiệm môn Văn và Tiếng Việt của Phạm Toàn, tạo nên sự phát triển tuyệt vời ở học sinh bằng nội dung và phương thức giáo dục mới, cũng có thể được đánh giá như vậy lắm chứ? Cụ thể là:
1. Từ hai bàn tay trắng ở tuổi ngoài 70 Phạm Toàn “dụ dỗ” được mấy sinh viên sư phạm theo ông lập ra nhóm Cánh Buồm để thực nghiệm ý tưởng giáo dục mà ông đã nung nấu nhiều năm. Rồi từ đó Phạm Toàn thu hút được mấy chục nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ … tham gia làm việc cùng nhóm Cánh Buồm với tinh thần thiện nguyện. Một tổ chức Phi chính phủ, không tiêu một xu từ ngân sách Nhà nước, đã biên soạn bộ sách Văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 9 và dạy thực nghiệm thành công (được giáo viên hào hứng thực hiện, cha mẹ học sinh tin tưởng và nhất là học sinh thích thú học, đem lại sự phát triển quá mong đợi!)
Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam mấy chục năm qua, có tổ chức Phi chính phủ giáo dục nào làm được việc nghiên cứu, biên soạn sách và thực nghiệm kết quả như vậy không?
2. Với 4 đề tài khoa học ở học sinh Tiểu học:
– Hình thành LÒNG ĐỒNG CẢM của học sinh lớp 1 thông qua học môn Văn;
– Phát triển TRÍ TƯỞNG TƯỢNG của học sinh lớp 2 thông qua học môn Văn;
– Phát triển ÓC LIÊN TƯỞNG của học sinh lớp 3 thông qua học môn Văn;
– PHÁT TRIỂN TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA HỌC SINH LỚP 4 thông qua học môn Văn, nếu được tổng kết khoa học sẽ là công trình Tâm lý học/ Giáo dục học xứng đáng mang tầm “vĩ đại”!
Sở dĩ chỉ nói 4 đề tài trên, vì tôi đã xem thiết kế sách giáo khoa, quan sát giáo viên dạy và chứng kiến học sinh thể hiện kết quả giáo dục, xem các sản phẩm giáo dục của học sinh. Chưa nói bao nhiêu vấn đề khác của cái mô hình giáo dục Cánh Buồm đáng cho 2/3 cái Viện Khoa học giáo dục VN vào cuộc để nghiên cứu, tổng kết.
Chỉ 4 vấn đề nêu trên đã là những đề tài cho 4 Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, 4 Luận án Lý luận giáo dục, 4 Luận án Phương pháp dạy học… và nhiều hơn nữa! Rất mới và thuyết phục! Chứng minh bằng thực nghiệm khoa học, các Luận án trên có thể bảo vệ ở Nga, Mỹ, Pháp… đều được đó!
Phạm Toàn đã làm thành công rồi, chỉ tổng kết khoa học và thực nghiệm kiểm chứng, viết Luận án Tiến sĩ thôi, mà không ai làm? Người ta chỉ thích sao chép, xào xáo nhiều cái tào lao, cũ mèm để thành Luận án Tiến sĩ! Cái nước mình lạ thế đấy!
3. Cái tâm lý nhược tiểu của dân tộc ta còn quá nặng nề. Người ta quen sùng ngoại, cứ đi cóp nhặt những cái nước ngoài đã làm, có khi họ đã bỏ, đem về xào xáo; rồi làm không cái gì đến nơi đến chốn biến thành của mình, như người Nhật, người Triều Tiên… Và cái gì do người Việt mình làm ra có giá trị cũng không thèm biết đến hoặc chê bai, rẻ rúng, coi thường. Bao nhiêu “hòn vàng thì vứt, cục đất thì ôm”!
Không phải ngẫu nhiên GS Hồ Ngọc Đại, nhiều người vẫn cho là ông “kiêu căng”, lại nói giữa cuộc hội thảo về sách Cánh Buồm rằng: Tầng lớp trí thức trong xã hội là một thực thể có tầng có lớp. Lớp trên cùng gọi là thiên tài, số cá thể đủ đếm trên đầu ngón tay: Nguyễn Du, Mozart, Einstein… Kế theo là tầng lớp người có ý tưởng, đông lắm nhưng các cá thể có thể gọi theo tên riêng cộc lốc, ví dụ, Phạm Toàn. Dưới cùng gọi là lớp học trò, đông không đếm xuể, nên tên gọi cá thể bao giờ cũng phải kèm theo hư danh, chức tước, bằng cấp,… ví dụ, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại! (Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, Tài liệu của Cánh Buồm, tr.184)
Còn Phạm Toàn nói, anh Đại là Thầy của tôi!
Phạm Toàn ơi, thông cảm nhé! Tôi quý Anh, hiểu Anh, nhưng lực bất tòng tâm, chỉ làm được vậy thôi. Hy vọng vào mấy em trẻ vẫn đang tiếp tục len lỏi qua các thác, ghềnh, đưa Cánh Buồm tiếp tục ra khơi theo cách của các em. Còn việc tổng kết, đánh giá thành tựu của Cánh Buồm và Phạm Toàn là vấn đề của Lịch sử.
30 Tết đón Năm Tân Sửu (11/2/2021)
M.V.T.
Xem thêm: Sách “Cánh Buồm” không liên quan gì với sách “Cánh Diều”
Leave a Comment