Tết Saigon, Tết Việt Nam, năm nay ra sao?

- Quảng Cáo -

Từ 28 Tết, người bán hoa ở Sài Gòn và nhiều nơi khác kêu trời, vì mưa đột ngột đổ xuống ầm ầm, hôm sau lại mưa. Những chậu mai chờ nở đúng ngày mất sạch, hoa rũ và rụng khắp nơi. nhiều người bán mai, dưa hấu, khóm… chưng tết lo lắng vì sợ nước mưa làm hoa, trái bị hư và mưa kéo dài khiến người dân ngại mua sắm.

Năm nay, trồng và bán hoa hồi hộp như đi đánh bạc. Một ăn một đền. Chỉ đánh vào ngày 30 tết. Lời hay lỗ cũng chỉ đánh vào ngày 30 tết mới biết. Trồng hoa cả năm trời chỉ mong những ngày tết bán được hoa, lấy lại vốn liếng mà bây giờ thông báo trước 17 giờ ngày 30 tết phải dẹp chợ. Ai cũng muốn bán nhanh, về nhà sớm nhưng tâm lý của người dân chỉ muốn mua cuối ngày 30 tết, giờ bảo phải dẹp chợ sớm người dân chúng tôi chẳng biết phải làm sao”, anh Bảy than thở.

Năm nay, nhiều chợ hoa, người bán kể mặc dù chợ hoa đã bày bán vào ngày 20 Tết nhưng chỉ toàn người đi xem, đi hỏi giá chứ ít mua.

Theo chia sẻ của một số người trồng hoa Tết lâu năm, thời điểm này năm ngoái hoa đã được thương lái đặt mua hết và chỉ đợi ngày xuống phố. Giờ này năm nay, hầu hết các vườn hoa Tết ở Quảng Ngãi đang ế ẩm, nhiều hộ trồng hoa vẫn chưa có thương lái đến đặt hoa.

- Quảng Cáo -

Anh Nguyễn Văn Hạnh, thôn Long Vĩnh, xã Bình Long, Bình Sơn cho biết, năm nay gia đình anh trồng 1.000 chậu hoa cúc. Tuy nhiên cho đến giờ chỉ mới có 300 chậu được thương lái đặt mua, số còn lại chắc gia đình phải tự mang xuống phố bán lẻ. Nếu số hoa bán hết với đúng giá như mọi năm anh sẽ thu được khoảng 160 triệu đồng. Nếu không thì anh sẽ lỗ hơn 50 triệu tiền vốn, chưa kể công sức.

“Thời tiết năm nay khó khăn quá, đợt lạnh mùa đông vừa rồi mưa liên tục khiến hoa hư hại cũng nhiều, giờ lại nghe tin dịch Covid-19. Kể ra chưa năm nào vất vả như năm nay, tình hình khó khăn thế này chắc năm nay là năm cuối tôi trồng hoa Tết”, anh Hạnh thở dài rồi nói.

Xuân Tân Sửu năm nay, theo ước tính của đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp ở Saigon, hiện nay có khoảng 276.000 công nhân đang làm việc và khoảng 76% trong số này (tương đương 210 ngàn người ở lại không về quê ăn tết.

Một phần vì khó khăn, một phần vì sợ quay lại bị kiểm dịch cách ly, nhiều người sợ ở quê lên, dịch tăng mạnh thì họ lại bị cách ly ít nhất cũng 14 ngày, vừa mất việc, vừa tốn tiền, vì nghe nói chính quyền từ đây sẽ không cho ăn miễn phí khi bị cách ly, mà đóng 80.000 đồng tiền ăn một ngày – trong khi đời công nhân, cả ngày chỉ ăn chưa tới 40.000 đồng.

Vậy là cái Tết này có đến 70% người lao động Sài Gòn không về quê. Vì ảnh hưởng của một năm 2020 buồn vì dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ dồn dập ở miền Trung, hơn 193.000 công nhân quê miền Bắc, miền Trung sẽ ở lại Sài Gòn. Thành phố này sẽ không vắng vẻ như mọi năm, nên ăn Tết, chắc cũng không đến nỗi.

Năm nay, nhiều cha mẹ già ở quê sẽ trông ngóng những đứa con xa xứ, mâm cơm đoàn viên của những gia đình này cũng vắng người hơn. Ngoài số hàng chục ngàn Việt kiều không thể về nhà thăm quê, cả năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc, phải đi làm thêm đủ nghề. Nhiều gia đình phải cắt giảm những chi phí không cần thiết mới đủ tiền xoay xở.

Năm nay cũng là năm thứ hai xa nhà của nhiều người Việt lao động xa xứ. Anh Hồng Văn Quý, đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 10 năm nay. Nhưng rồi dịch bệnh khiến anh lỡ hẹn sum vầy bên vợ con.

Vợ anh Quý nói, những năm trước anh Quý thường cắt phép về nước đúng dịp tết nên không khí rất đầm ấm. Năm nay dù có tiền cũng không mua được vé để về. Bây giờ đã qua rằm tháng Chạp rồi nên có mua được vé anh Quý cũng không thể kịp về đón tết cùng vợ con.

Theo trưởng thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú Hoàng Minh Luyến, toàn thôn có gần 200 người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, một số nước châu Phi… Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có lao động nào về quê ăn tết. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động ở các nước; số khác có tiền nhưng vì các hãng hàng không ngừng bay nên không mua được vé.

Ở Sài Gòn, cũng không có gì gọi là ăn Tết. Khoảng chục ngày này, Covid-19 bùng phát bất ngờ ở cả nước. Khu Mả Lạng giữa Sài Gòn hàng ngàn dân và nhiều khu khác bị phong tỏa. Phố Ông Đồ trước Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung Văn hóa Lao Động đóng cửa. Hàng trăm cội mai (hoa giả) khu vực này trơ trọi trong gió đông, tả tơi khung tre, mái lá. Phố đi bộ Bùi Viện hiu hắt vì nhà hàng, quán bar, pub ở đây thuộc những loại hình kinh doanh không thiết yếu, bắt buộc đóng cửa. Hoa Tết khắp nơi lặng lẽ, ế ẩm… Chiều 30 Tết, sau khi có lệnh tạm dừng các hoạt động văn hóa, giải trí, kinh doanh không cần thiết, đường phố Sài Gòn càng trở nên vắng vẻ. Chợ hoa tại Công viên (giữa quận 1) giữa Sài Gòn xưa buồn hiu hắt. 33 điểm bị phong tỏa liên tiếp đã đành, các cửa hàng gần đó cũng phải tạm dừng hoạt động. Lễ lạc ở các chùa chiền, nhà thờ phải ngưng…

Ở quận 5, những người buôn bán cũng dè dặt hơn vì sợ đội kiểm dịch làm khó. Hàng hóa trưng bày không rộn rịp nữa. Tết âm lịch mà quận 5 không nhộn nhịp thì cả nước cũng không thể có gì vui hơn.  tại nhiều chợ truyền thống lớn, vốn nổi tiếng đông đúc và tấp nập vào dịp cuối năm như Bình Tây (quận 6), An Đông, Hòa Bình (quận 5), … không khí lại vắng vẻ, đìu hiu. Đây là tết lần đầu tiên trong gần 50 năm qua, các tiểu thương chứng kiến không khí này.

Người buôn bán ở đây nói lượng khách hàng sụt giảm quá 50%. Tại khu vực kinh doanh bánh, mứt tết các chợ hiện chỉ còn gần 30 quầy sạp kinh doanh (trước đây trên 100 quầy sạp), bánh kẹo tết. Thời điểm này những năm trước, lượng khách hàng đến chợ lấy hàng sỉ (đưa về các tỉnh miền Tây Nam bộ, hay miền Đông, Tây Nguyên…) tấp nập, người khuân vác liên tục ra vào xếp hàng lên các xe tải, chật cả các cửa vào chợ. Còn hiện nay, người bán và công nhân bốc vác còn nhiều hơn khách đến mua! Không khí chợ những ngày giáp tết thậm chí còn buồn bã hơn cả những ngày bình thường trước khi xảy ra dịch bệnh.

Khu Ông Tạ, Sài Gòn, nơi bán vật liệu làm bánh chưng nổi tiếng thì cũng còn nhiều người đến mua. đậu, xôi, lá dong…v.v

Nhà báo Cù Mai Công viết rằng ông đã từng thấy hàng ngàn bếp lò Ông Tạ đỏ lửa suốt đêm “trông bánh chưng chờ trời sáng”.  Nhưng Tết Ông Tạ giờ không như xưa, cái này không nói ai cũng biết. Cũng chẳng lạ vì đâu đâu chả vậy. Nhịp sống Sài Gòn luôn thay đổi mạnh hơn nơi khác. Như người Bắc di cư Ông Tạ năm 1975 đã khác người Ông Tạ năm 1954. Người Ông Tạ năm 2000, hay năm 2020 càng khác. Chỉ cái chất Bắc xưa là còn, truyền đời tử đời tôn…

Năm nay sang năm Covid-19 thứ hai. Nơi nơi bà con khắp nơi ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn bị ảnh hưởng mạnh lắm. Ra giêng có lẽ khó khăn hơn. Phòng dịch là phải phòng, cái này không đùa được. Những người xếp hàng mua giò chả Tân Hương, chen mua bánh chưng Gia Nguyễn, đi các chợ khu Ông Tạ mua sắm… ai cũng khẩu trang, ít nhiều giãn cách, điều rất lạ mắt. Trong lúc “mong ước ngày sau như là ngày trước” thì ai nấy cũng chép miệng  “Tết mà”. Khổ cực, vất vả như bà con người Bắc di cư hồi 1954 thì cũng phải ăn Tết đã. Cũng đã “lây” tính người Nam lâu rồi: “Tới đâu hay tới đó”. Ra giêng tính…

Sài Gòn, thủ phủ của tâm hồn rộng mở và niềm vui chia sẻ, rõ ràng đang tiều tụy rất nhiều. Trên trang mạng xã hội facebook, người ta nhìn thấy thỉnh thoảng có dòng chữ nhắc nhau ” Sài Gòn ơi, cố lên”. Đúng vậy, Sài Gòn vẫn cố sống cùng những người lam lũ, cùng với những ước vọng đổi thay của những con người nghèo khó. Và năm nay chính Sài Gòn cũng chậm lại nhìn quanh, để thấy sự tiêu điều của mình.

- Quảng Cáo -