Giờ thì người bệnh nội trú có thể phải… cô đơn vì lệnh hạn chế tối đa người thân ở bên cạnh để gọi là ‘nuôi bệnh’.
Những ngày vừa qua, Việt Nam liên tiếp xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ dăm ca cộng đồng trong thời gian diễn ra đại hội Đảng thứ 13, dù có sự chuẩn bị trước song có lẽ do lãnh đạo địa phương “mắc kẹt” lại ở Hà Nội nên cũng khó trở tay nhanh chóng, vậy là sau đó dịch lan nhanh ra ở các địa phương, tỉnh thành.
Việc liên tiếp xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, dù tin tưởng vào công tác dập dịch, song cũng khó tránh khỏi những lo lắng. Càng lo hơn khi cái Tết nguyên đán đang đếm ngược từng giờ. Liệu rằng năm nay sẽ được đoàn viên bên mâm cơm gia đình hay ăn một cái Tết ‘trong cách ly’?
Rồi những gánh hàng rong, hàng quán, những nông dân bán bông, hoa màu… đã khó khăn, chật vật trong một năm với dịch Covid-19, tưởng chừng như sẽ “đỡ” hơn vào những ngày giáp Tết thì lại càng thêm… chán nản…
“Năm nay không như các năm trước. Giờ ai đâu có tiền đâu mà mua sắm như ngày xưa. Cũng không có ai chất đồ nhiều như những năm về trước. Riết rồi cũng chẳng thấy không khí Tết luôn”, bà Tư, một tiểu thương buôn bán ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM cho biết.
Cũng “đồng cảnh ngộ” như bà Tư, bà Lan – một tiểu thương ngán ngẩm: “Năm nay còn tệ hơn mọi năm nữa. Năm nay bán, giờ em dòm đi, thời tiết vầy mần ăn cái gì? Nói thiệt chớ ế như quỷ sứ, ai cũng vậy chứ đâu phải mình tui. Bán có được gì đâu”.
Có thể nói, việc xuất hiện những ca nhiễm trong thời gian những ngày Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến đã thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của nhiều người. Nếu người đang buôn bán, đi làm ảnh hưởng đến chén cơm thì đối với những người bệnh, lại ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Lúc trước quy định một bệnh nhân một người nuôi. Rồi cũng xảy ra đủ thứ chuyện về vấn đề này, dư luận đồng tình có, phản ứng cũng có. Họ phản ứng, nếu nghe qua thì thấy kỳ kỳ, nhưng trong cuộc mới biết, có nuôi bệnh, nhất là người mổ hoặc sản phụ sinh mổ mới biết như thế nào.
Đồng ý là một người (nếu giỏi) cũng có thể chăm hết nhưng sẽ rất là mệt, vừa chăm sản phụ mổ, vừa chăm bé, chính nữ hộ sinh cũng nói điều đó mà. Không biết có phải tới tai mấy ông y tế hay không mà sau đó vụ đó đúng là có thoáng hơn, có nơi cho hai người chăm với những trường hợp đặc biệt.
Giờ tự dưng bùng dịch trở lại, quy định gắt gao trở lại, người bệnh và thân nhân càng khó hơn. Điển hình như vừa rồi, người thân mình nằm ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nè, mổ phổi, bữa đó chỉ cho một người nhà ở ngoài phòng mổ. Vừa kêu đi mua dụng cụ ở nhà thuốc tây bệnh viện, vừa kêu người nhà ký giấy, một người làm sao có thể xoay sở hết được?”, ông Nguyễn Văn Sơn đang chăm người nhà đang điều trị nội trú ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, kể.
“Từ lúc xuất hiện ca bệnh tới giờ, bệnh viện quy định gắt gao hơn nhiều. Lúc trước buổi tối còn cho thân nhân ra mua đồ ăn, giờ không cho luôn. Có bữa buổi chiều thứ 7 cũng không cho ra luôn. Biết là làm vậy để phòng dịch nhưng tui nghĩ cái gì nó cũng tương đối à. Chứ như hồi bùng ở Đà Nẵng đó thấy không, cũng lây trong môi trường bệnh viện. Nói chứ bảo vệ gắt quá gây ra cự cãi với thân nhân nuôi bệnh cũng không hay”, ông Sáu, một người nuôi bệnh khác, góp chuyện.
Có thể nói, phải vào bệnh viện để ‘nội trú’ đã không được sung sướng rồi, tình hình dịch Covid-19 ngoài cộng đồng lại càng khiến lo âu nhân lên gấp bội. Giờ đây, với những quy định gắt gao hơn trong bệnh viện, nhằm phòng chống dịch Covid-19, càng làm cho bệnh nhân thêm khốn khó hơn, và cũng ‘cô đơn’ người thân ở cạnh bên hơn…/.
#covid-19 #giảncáchxãhội
Leave a Comment