Nếu làm theo đúng thứ tự ưu tiên như các nước phương Tây thì có thể Việt Nam phải mất tới 2 năm mới có thể tiêm chủng được cho toàn dân…
Vắc xin chùa
Việt Nam sẽ nhận từ 4,8 đến 8,2 triệu liều vắc xin COVID-19 miễn phí. Số vắc xin này được biết sẽ được dành để tiêm cho nhóm ưu tiên.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, phó cục trưởng cục y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, những người được xếp vào nhóm ưu tiên là “nhân viên y tế đang tham gia chống dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, các đơn vị tham gia chống dịch khác, sau đó là các nhóm đối tượng kế tiếp.” Những người này sẽ được tiêm vắc xin miễn phí.
Những liều vắc xin AstraZeneca miễn phí này sẽ lần lượt về Việt Nam trong quý 1 khoảng 25-25% và số còn lại sẽ về trong quý 2 năm 2021.
Số vắc xin này nằm trong số 330 triệu liều vắc xin của COVAX dành cho các quốc gia nghèo nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin COVID-19.
Những người được ưu tiên là nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 được ưu tiên hàng đầu là điều không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên câu hỏi chưa có câu trả lời ở đây là “nhóm đối tượng kế tiếp” sẽ được xác định ra sao? Số người được ưu tiên kế tiếp có phải là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền như ở các quốc gia phương tây?
Những vị lãnh đạo giữ các vị trí trọng trách chắc chắn sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước để làm gương cho dân chúng như là tổng thống Mỹ đã từng làm. Ai chớ lãnh đạo sẽ được ưu tiên hàng đầu với số vắc xin vừa xịn vừa miễn phí của Anh.
Lúc đó dân chúng sẽ vô cùng háo hức ngóng ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân và vô số các vị trong Bộ Chính Trị và uỷ viên trung ương khác xắn tay áo lên chích ngừa, được truyền hình trực tiếp chứ không phải làm giấu diếm vì đó là thông tin “tuyệt mật.”
Với tổng số lên đến 7,417 triệu người (số liệu năm 2019) chỉ nội cho người trên 65 tuổi đã không đủ cung cấp miễn phí. Vậy đối tượng nào sẽ được miễn phí có phải kèm thêm cái điều kiện gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, gia đình cách mạng, đảng viên, …?
Cho dù là đối tượng nào được ưu tiên tiêm chủng vắc xin của Anh đợt đầu tiên này hẳn đều rất vui mừng biết ơn chính phủ các nước Âu Mỹ đã nghĩ đến những sự công bằng tiếp cận vắc xin ở các quốc qua đang phát triển.
Vắc xin bao
Ông bí thư thành uỷ Hà Nội, Vương Đình Huệ hôm 02/02/2021 tuyên bố rằng tất cả người dân của Thành phố Hà Nội sẽ được tiêm vắc xin bằng nguồn vốn ngân sách của Thành phố và nguồn vốn hợp pháp khác.
Câu nói của ông Vương Đình Huệ có lẽ làm dân thủ đô nức lòng vì dám chơi sang. Cả nước đã có ông bí thư nào được mạnh miệng như ông Huệ đâu? Ngay cả ông Tổng Bí Thư diện đặc biệt, ngồi sang nhiệm kỳ thứ 3 còn chưa dám mở miệng đảm bảo tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vắc xin bằng tiền ngân sách.
Người Sài Gòn nghe ông Vương Đình Huệ nói chắc phải tủi thân lắm vì Sài Gòn đóng góp tới 27% cho ngân sách và chỉ được giữ lại phần tiền còm cõi để tái đầu tư, gồng mình chịu đựng 3 đợt dịch thì còn lại đâu mà chơi sang được như Hà Nội để cho dân Sài Gòn được miễn phí vắc xin? Nên cho dù có tức tiếng gáy, chắc ông Nên cũng không dám mạnh miệng hứa bao hơn chục triệu dân Sài Gòn chích vắc xin.
Thông tin ông Huệ đưa ra có vẻ để làm an dân, nhưng rồi sẽ lại có không ít người cắc cớ hỏi, vắc xin miễn phí vậy là vắc xin Anh, Mỹ, EU, Sinovac của Tàu, Sputnik V của Nga hay là vắc xin nội địa? Tới đây thì có lẽ cái viễn cảnh làm giá vắc xin xịn sẽ xảy ra không xa.
Ông Huệ đã nói người thủ đô được miễn phí vắc xin vậy những người dân không hộ khẩu dù là tuổi cao, bệnh tật thì chẳng lẽ lại phải lên ti vi hay lên báo để được tiêm chủng thay?
Rồi chưa kể các bí thư địa phương khác cũng học tập ông Huệ để phát ngôn câu sử dụng ngân sách để bao vắc xin cho dân trong tỉnh trong thành thì các đầu mối nhập vắc xin về sẽ được dịp làm mình làm mẩy tới đâu?
Đòi/đề xuất ưu tiên cho người địa phương mình trước như Hải Phòng trong bối cảnh cung chưa thể đáp ứng mức cầu sẽ làm cho những người ở địa phương khác cần được ưu tiên lại phải chờ. Liệu đó có phải là chính quyền địa phương mạnh ai nấy đang làm khó cơ quan phòng dịch của ông Vũ Đức Đam?
Vắc xin dịch vụ
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin khác. Bà Nguyễn Minh Hằng cho biết số 30 triệu liều vắc xin này được sử dụng tiêm chủng cho người 18 – 60 tuổi theo hình thức tiêm dịch vụ, tuy nhiên về giá thành hiện chưa được công bố.
Ở các quốc gia phương tây, tất cả đều mặc định là dành vắc xin cho nhóm người ưu tiên, những người không được ưu tiên kiên nhẫn chờ đợi vì họ biết rằng họ còn có cơ hội sống sót nếu biết giữ gìn, nhường cơ hội sống cho những người có tuổi, người có bệnh và nhân viên y tế – những người dễ bị tổn thương.
Vắc xin dịch vụ ở Việt Nam dành cho người 18-60 tuổi có sẽ lại cổ suý tư tưởng có tiền là có tất cả, cần trẻ chứ không cần già, sự ích kỷ… 30 triệu liều chỉ đủ tiêm cho 15 triệu người và họ sẽ giành nhau bằng mọi giá để được “ưu tiên” vì không ai muốn mua vắc xin Tàu hay vắc xin Nga, và ai cũng muốn khoẻ.
Gần một năm qua, bao nhiêu người dân đã phải gồng mình chịu khổ, bao nhiêu người còn chưa nhận đồng nào từ gói cứu trợ 62 tỷ đồng? Bao nhiêu doanh nghiệp phải đóng cửa, vay nợ chỉ vì không còn khả năng kinh doanh mà không nhận được đồng nào từ hỗ trợ doanh nghiệp? Bao nhiêu người làm thuê mất việc mà không có trợ cấp? Bao nhiêu người nông dân mất tết vì dịch bệnh?
Ai trong số những người này có tiền để mua 2 liều vắc xin dịch vụ chắc chắn không có giá dưới 10 đô la/liều như vắc xin viện trợ?
Ông Đại sứ Anh, Gareth Ward nói hôm 01.02.2021 rằng “Vương quốc Anh đã cam kết đóng góp lên tới 548 triệu Bảng Anh cho Cơ chế COVAX để cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho 92 quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong năm 2021.”
Vậy mà 30 triệu liều vắc xin đầu tiên mà Việt Nam mua về lại được sử dụng cho hình thức dịch vụ tức để lấy tiền, chứ không phải vì nhân đạo với chính người dân của mình. Nghe sao thiệt là tréo cẳng ngỗng!
#covid-19 #vaccine
Leave a Comment