Phần 1: Khi giấc mơ dân chủ tan vỡ
Myanmar đã quay trở lại bóng tối của chế độ quân phiệt sau một thập kỷ được nhìn thấy chút ánh sáng của Dân chủ và Tự do. Cuộc đảo chính của quân đội do Thống Tướng Min Aung Hlaing hôm 1 tháng Hai, 2021 đã đặt dấu chấm hết cho tiến trình dân chủ hóa ngắn ngủi do đảng cầm quyền Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD – National League for Democracy) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Báo chí Việt Nam dè dặt đưa lại tin một số báo chí nước ngoài và tránh bình luận hay phân tích sâu về sự kiện này. Giới đấu tranh dân chủ trên các diễn đàn xã hội nhìn nhận theo khía cạnh giản đơn, đưa ra những “bài học cho Việt Nam” đầy gượng ép. Câu chuyện về Myanmar có nhiều điều hơn để nói và nó không chỉ đơn thuần là một cuộc đảo chính ở quốc gia mà kẻ nào có nhiều súng hơn thì kẻ đó làm vua.
Phản ứng trước biến cố chính trị ở Myanmar, có thể nhận thấy rõ sự bối rối và bất ngờ của giới chức các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Liên Hiệp Quốc không đạt được sự đồng thuận của 15 quốc gia giữ ghế thường trực trong việc thông qua tuyên bố chung lên án cuộc đảo chính do quân đội Myanmar tiến hành. Giống như mọi lần khác, luôn luôn là Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống lại những nỗ lực của phương Tây. Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực nếu không sẽ xem xét các “hành động phù hợp” bao gồm việc tái áp dụng các lệnh trừng phạt đã được thu hồi kể từ khi quốc gia này chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào năm 2011.
Tuy vậy, có thể thấy tất cả những phản ứng yếu ớt và rời rạc này trong ngắn hạn sẽ không có tác động gì tới quyết định của phe quân đội tại quốc gia đã có lịch sử 50 năm cai trị bởi các tướng lĩnh Miến tàn bạo và tột cùng tham nhũng.
Reuters trích dẫn lời phát biểu của Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cảnh báo Myanmar có thể rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể là ý kiến đáng lưu ý nhất, hé lộ những vấn đề lớn hơn nhiều so với câu chuyện đảo chính ở quốc gia nghèo và lạc hậu nhất Đông Nam Á, nơi vẫn còn tới hơn một nửa dân số mù chữ và thu nhập dưới 1 USD/ngày. Hãy cùng mở ra tấm bản đồ Đông Nam Á và nhìn về quốc gia nằm bên bờ vịnh Bengal và biển Andanman có tên Myanmar – một cái tên mới chỉ xuất hiện kể từ 1989 khi giới quân phiệt cầm quyền đổi tên nó từ tên cũ: Burma.
Những người thuộc thế hệ 7x, 8x hẳn còn nhớ những bộ phim Rambo do diễn viên Sylvester Stallone đóng? Trong phần III của loạt phim cơ bắp này nhiều cảnh quay ở Myanmar. Nội dung bộ phim cũng hàm ý tới vai trò của Hoa Kỳ trên con đường đấu tranh cho Tự do và Dân chủ ở vùng đất này. Người Mỹ dường như có nhiều hứng thú với những câu chuyện “siêu anh hùng” có sức mạnh siêu nhân và lòng hào hiệp cứu giúp dân chúng.
Tuy vậy, thực tế lịch sử và những bộ phim của Hollywood sản xuất có vẻ như là một vực thẳm quá lớn. Và có lẽ không một dân tộc nào thấu hiểu được nỗi đau đó hơn… Việt Nam. Những người Hmong trên Tây Nguyên từng chiến đấu cho những lý tưởng như thế, đã bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ lại trên những “núi đồi bi thảm” sau 1973, vẫn tiếp tục kéo dài tấn thảm kịch tới tận ngày hôm nay. Không biết khi giới quân đội Myanmar bắt giam toàn bộ nội các chính phủ của đảng cầm quyền NLD và Aung San Suu Kyi, cựu Tổng Thống Obama và những người bạn Hoa Kỳ của bà sẽ làm gì? Chúng ta hãy đợi xem hành động của Hoa Kỳ trong thời gian tới trong khi nhìn lại những hình ảnh không thể thắm thiết hơn khi ông Obama ôm hôn “bông hồng Dân chủ Aung San Suu Kyi” và tuyên bố sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ với bà cùng với nền Dân chủ non trẻ.
Sự thành công của tiến trình Dân chủ hóa đất nước Myanmar không chỉ giới hạn trong biên giới của quốc gia này và sự sụp đổ nền dân chủ mong manh cùng với biểu tượng Aung San Suu Kyi ở một phương diện nào đó là sự thất bại của nỗ lực mở rộng các ảnh hưởng về giá trị Nhân quyền, Dân chủ của thế giới Tây phương. Không chỉ dừng lại đó, quốc gia giàu có tài nguyên và sở hữu vị trí quan trọng trên con đường tiến ra vịnh Bengal của tham vọng “giấc mơ Trung Hoa” khi rơi trở lại quĩ đạo của Bắc Kinh sẽ nhanh chóng trở thành cơn ác mộng địa chính trị cho Tây Phương trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trung Quốc không gọi cuộc chính biến ở Myanmar là đảo chính mà sử dụng một cụm từ uyển ngữ “cải tổ nội các” – chiêu thức đánh tráo khái niệm sở trường của giới chức cộng sản và công khai tuyên bố sẽ ủng hộ bất cứ chính thể cầm quyền nào ở Myanmar. Mặc dù được coi là có quan hệ tốt với cả chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi và giới quân đội nhưng cần nói rõ rằng, lợi ích lớn nhất về kinh tế của những tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc gắn liền với chế độ quân phiệt trước đây và những tướng lãnh người Miến. Trung Quốc cũng đồng thời là bà đỡ cho tất cả các phiến quân vũ trang ở Bắc Myanmar và duy trì một tình trạng hỗn loạn ở quốc gia này để trục lợi từ nhiều thập kỷ qua. Chính sách của Trung Quốc ở Myanmar là chính sách “thuộc địa Đỏ” – tàn bạo và phi nhân hơn nhiều với chính sách thuộc địa thời Anh Quốc. Và khi những phong trào dân sự phản đối Trung Quốc ở Myanmar này phát triển, Tập Cận Bình không muốn những đốm lửa nhỏ biến thành đám cháy lớn và ảnh hưởng tới tiến độ thâu tóm hoàn toàn quốc gia có vị trí chiến lược bên bờ vịnh Bengal. Một chính thế quân phiệt thân Trung Quốc và một nền kinh tế hoàn toàn bị Trung Quốc chi phối sẽ tốt hơn cho những mưu đồ bá chủ của Bắc Kinh.
Myanmar và biểu tượng Aung San Suu Kyi
Burma – tên cũ của Myanmar – có nghĩa là “cư dân đầu tiên trên thế giới,” nơi những người thuộc sắc tộc Môn đã từng đặt những viên đá nền móng đầu tiên cho ngôi chùa Shwedagon vào năm 588 trước Công nguyên, nhiều thế kỷ sau đó vẫn được coi là vùng đất Phật thiêng liêng, một trong những trung tâm Phật Giáo cổ xưa nhất. Burma hay tên gọi khác là Miến Điện cũng được biết là quốc gia nổi tiếng với những ngôi chùa bằng vàng lộng lẫy, sở hữu nguồn tài nguyên giàu có với đá quí, vàng, dầu khí, gỗ có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất thế giới, đồng bằng vùng Châu thổ Irrawaddy màu mỡ và vựa cá khổng lồ ngoài biển Andaman… Quốc gia này từng là thuộc địa của Anh và là thuộc địa mang lại nhiều của cải nhất cho đế quốc vào thế kỷ 19. Khi đó, xã hội Miến Điện được Kyaw Nyein mô tả về thời kỳ thuộc địa này như sau “Đó là một xã hội hình tháp mà dưới đáy là hàng chục triệu người Miến nghèo khổ, ngu dốt và bị bóc lột thê thảm còn trên đỉnh là một thiểu số người ngoại quốc là Anh, Ấn và Hoa kiều…”
Cuộc chiến đấu của người dân Miến dưới sự lãnh đạo của Aung San – vị anh hùng của dân tộc Miến, đồng thời là cha đẻ của bà Aung San Suu Kyi – đã dành được độc lập từ người Anh. Người đàn ông đó đã có những viễn kiến vượt xa hơn ngoài biên giới Miến và thời đại. Ngay giữa cuộc tranh đấu cho nền tự chủ của đất nước, ông đã có những suy tư rất sớm về nhu cầu kết hợp các quốc gia Đông Nam Á như một thực thể riêng biệt không phải chỉ để đương đầu với cường lực Tây Phương mà còn với ba quốc gia lớn ở Châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Những dự định còn dang dở thì ông đã bị ám sát bởi những đối thủ chính trị vào năm 1947. Khi đó, bà Aung San Suu Kyi mới 2 tuổi.
Aung San Suu Kyi đã tự biến cuộc đời của bà trở thành một huyền thoại sống, kiên định một cách phi thường theo đường lối đấu tranh bất bạo động của Gandhi, bất chấp muôn vàn những đe dọa, khủng bố và tù đày suốt hai thập kỷ. Bà trở thành tượng đài không thể phủ nhận của khát vọng Tự Do và Dân chủ, xứng đáng với giải thưởng cao quí Nobel Hòa Bình 1991 cho nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ và những thành tựu mà bà đã làm được cho Myanmar. Công bằng mà nói bà là gương mặt tiêu biểu nhất cho quốc gia này trong suốt nhiều thập niên và là chìa khóa mở ra cánh cổng đã khép với thế giới phương Tây, từ đó mang lại nhiều thay đổi tích cực cho xứ sở của bà.
Mặc dù, khi bà ủng hộ việc đàn áp tộc người thiểu số Rohingya và là tiếng nói lớn nhất bênh vực những vi phạm nhân quyền mà quân đội gây ra thì nhiều chính trị gia và những nhà đấu tranh nhân quyền phản đối và kêu gọi thu hồi giải thưởng Nobel của bà. Song nếu như nhìn nhận vấn đề ở góc độ toàn diện hơn để thấy rằng sự nhượng bộ và chia sẻ quyền lực của giới quân đội – lực lượng vẫn nắm quyền kiểm soát nền chính trị, kinh tế của đất nước – chỉ là tạm thời và ở mức độ rất hạn chế. Chính quyền dân sự còn rất yếu và cầm quyền trên danh nghĩa, phải tìm cách thỏa hiệp trong nhiều vấn đề với những nhóm lợi ích quân đội đã tồn tại nửa thế kỷ trước đó. Dù cho những chỉ trích của báo giới quốc tế về hồ sơ nhân quyền và cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya năm 2015, thì Aung San Suu Kyi vẫn là chính khách có uy tín lớn nhất ở Myanmar.
Trước khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi nắm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc do giới quân phiệt xây dựng đã đưa Miến Điện gần như quay trở về thời… đồ đá. Tình trạng còn tệ hơn nhiều so với thời thuộc địa. Bị cô lập về chính trị và nền kinh tế bị phá hủy tới tận gốc rễ. Sự hào phóng của thiên nhiên và lịch sử lâu đời về tôn giáo, văn hóa không giúp gì cho đa số dân chúng quốc gia này thoát khỏi đói nghèo và thất học. Đối lập với hình ảnh của những ngôi chùa dát vàng, những dinh thự mênh mông xa hoa của giới quân phiệt, các ông trùm ma túy và giới doanh nhân Hoa Kiều là sự nghèo khó tận cùng của người dân ở đây.
Không chỉ bị cai trị bởi bàn tay sắt của chế độ quân phiệt mà đất nước còn bị xâu xé bởi những phiến quân chiếm giữ vùng biên giới giáp 4 nước Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan và Lào còn được biết tới với cái tên nổi tiếng – Tam Giác Vàng – vùng đất không tồn tại luật pháp của những ông “vua” ma túy và lãnh chúa cực kỳ tàn bạo. Myanmar hàng năm sản xuất khoảng 8% sản lượng ma túy trên thế giới và một phần ba quốc gia này ở những bang như Rakhine, Shan, Kachin nằm trong vùng ảnh hưởng của các lực lượng vũ trang khác nhau.
Lịch sử cận đại của Myanmar hết sức phức tạp với vô số những mầm mống hỗn loạn bởi sắc tộc, phe phái vũ trang được hình thành từ giai đoạn chiến tranh Quốc – Cộng sau Thế Chiến Thứ Hai. Tàn quân của Quốc Dân Đảng dưới trướng của tướng Lý Mỹ từ Vân Nam tràn xuống, phiến quân Cộng sản và quân ly khai Karren giành giựt những cánh đồng thuốc phiện và thị trường tiêu thụ. Giờ đây, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính, vũ khí bởi Trung Quốc, các nhóm phiến quân mới dấy lên các phong trào ly khai như nhóm “Quân đội Arakan” (AA) ở bang Rakhine, “Quân đội Kachin độc lập” (KIA) ở bang Kachin và “Quân đội bang Wa thống nhất” (UWSA) và cả nhóm Hồi Giáo của tộc thiểu số Rohingya… Tất cả những phe phái vũ trang được hình thành từ lịch sử cận đại hỗn loạn và cuộc tranh giành bất tận nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác tài nguyên và ma túy đã tham gia vào bức tranh đầy máu me của Myanmar. Tuy nhiên, có thể thấy nổi bật lên tác nhân lớn nhất góp phần tạo ra tấn bi kịch thê thảm cho đất nước Myanmar, đó chính là người láng giềng Trung Cộng.
Bài viết có tham khảo một số tác phẩm của Ngô Thế Vinh – nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và môi sinh các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, đã có những công trình đồ sộ như “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng,” “Mekong dòng sông nghẽn mạch”… Xin gửi lời cảm ơn ông vì những đóng góp, viễn kiến sâu sắc và những tác phẩm giá trị để lại cho thế hệ tiếp nối.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://viettan.org/chinh-bien-o-myanmar-dai-hoi-dang-csvn-13-va-su-sup-do-cua-hong-kong-trung-quoc-dang-ve-lai-ban-do-chau-a-nhu-the-nao/
#Việttân #myanmar #báquyềntrungcộng #AungSanSuuKyi
Leave a Comment