Lâu nay, mỗi khi có hiện tượng hàng hóa dư thừa, cung vượt quá cầu, giá quá rẻ so với sức mua và giá trị thực món hàng, v.v.. thì người ta hay lên tiếng kêu gọi giải cứu. Chẳng hạn giải cứu thanh long, dưa hấu, vải, khoai lang, bắp cải, hoa tết, thậm chí cả tôm hùm…
Sự “cứu” chỉ có ý nghĩa về tình cảm, đạo đức, san sẻ khó khăn chứ không đúng về quy luật kinh tế, nhất là kinh tế thị trường. Kẻ mua người bán đối với món hàng nào đó, thái độ và hành xử của họ là hoàn toàn tự nguyện. Bán được thì bán, mua được thì mua. Thuận mua vừa bán. Thế thôi.
Hoa đào cũng vậy. Không cần giải cứu nếu chỉ là món hàng trong điều kiện thương mại bình thường. Nếu hoa đào dư thừa, cung vượt quá cầu, người bán nói thách khiến người mua tẩy chay, nó sẽ tự héo.
Tết này, hoa đào đã chịu điều tiếng không hay từ cái lệnh mồm ất ơ về “đào rừng” của thủ tướng. Đó là nhân tai. Tuy nhiên khổ nạn của đào chưa hết, nó còn bị thiên tai, dịch tai. Đang yên đang lành, đang tràn hy vọng đem tiền về cho người trồng đào, đám đào phai đào bích ở vùng tâm dịch Hải Dương bỗng đột phắt thành món nợ đời, thành sự cay đắng cho họ. Dịch còn đang căng nóng chưa biết khi nào mới hạ nhiệt, mà tết đã cận kề, lệnh phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại và giao thương vẫn hiệu lực, thì đào chết đứng như Từ Hải giữa trận nghênh xuân. Người mua đào không được vào vùng dịch, mà có cho vào cũng không dám. Người trồng đào không được đem đi. Ai dám đảm bảo cành đào, gốc đào không nhiễm dịch, không là vật trung gian lây lan Cô vít ra ngoài. Cấm đào để chống dịch, ngăn dịch từ Hải Dương tỏa ra là sự cần thiết. Chả ai trách chính quyền, trách nhà nước trong chuyện này.
Tất nhiên, cả nước đâu chỉ Hải Dương trồng đào. Vùng hoa ven Hà Nội, Hải Phòng, rồi các tỉnh miền núi vẫn có thể đưa sắc đào ra thị trường, thậm chí còn được lợi hơn tí chút khi đào Hải Dương bị cấm vận. Luật đời xưa nay vẫn vậy. Rủi của người này là may cho người khác, và ngược lại.
Không cần giải cứu đào, nhưng rất cần giải cứu người trồng đào, cụ thể là những nông dân ở Hải Dương, nơi có dịch. Đừng để họ khốn khổ vì hoa, vì cái đẹp. Nhà nước, nhất là ông thủ tướng cũng đừng nói suông về gói trợ giúp này nọ. Đã bao lần, tiền chỉ đọng trên mồm thủ tướng và tivi, không đến được đối tượng cần giúp đỡ. Là người đứng đầu chính phủ (ít hôm nữa sẽ không còn giữ cương vị này), ông hãy lệnh ngay cho chính quyền vùng dịch Hải Dương thống kê cụ thể có bao nhiêu nạn nhân trồng đào cần trợ giúp, đáng được giúp bao nhiêu tiền, rồi căn cứ vào đó ký ngay tấm séc chuyển tiền cho bà con. Trước tết. Nói và làm ngay. Đứa nào chần chừ, lợi dụng chuyện nhân nghĩa để thâm lạm chấm mút thêm, cứ trị cho thẳng cánh. Chậm là tát vào mặt. Làm được như thế, hoa đào có thể vẫn tàn trên đồng nhưng hoa biết ơn nở trong lòng người trồng. Mà không chỉ nông dân Hải Dương, có khi nông dân cả nước sẽ đặt niềm tin vào ông, khi ông ngồi ghế chủ tịch.
Buôn dưa lê thêm với ngài thủ tướng: Cô em họ đằng bà xã tôi định cư ở “đế quốc Mỹ”, kể rằng khi Mỹ bị dịch Cô vít 19, ngay lập tức chính quyền ông Trump lên phương án về thiệt hại do dịch gây ra, cứ mỗi đầu người là bao nhiêu tiền, chỉ sau 2 ngày công bố lệnh, tiền chuyển ngay vào tài khoản, không chậm một phút. Ai cũng được, bởi ai cũng thiệt hại do dịch.Điều quan trọng nhất, tuyệt đối không được giải cứu bằng tivi. Ăn bánh vẽ mãi, dân chán tới cổ rồi./.
Nguyễn Thông
Leave a Comment