Hiện nay có hai người là Phan Văn Giang tổng tham mưu trưởng và Lương Cường chủ nhiệm chính trị là hai ứng cử viên hàng đầu cho chức bộ trưởng quốc phòng Việt Nam.
Cả hai đều tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc.
Sau đó Lương Cường đi theo nhánh chính trị quân đội, Phan Văn Giang đi theo nhánh quân sự quân đội. Người làm chính uỷ, người làm tư lệnh.
Cùng trong năm 2016 người được làm chủ nhiệm tổng cục chính trị, người làm tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam.
Lương Cường đã được phong đại tướng, còn Phan Văn Giang là thượng tướng. Cái này không có gì lạ, vì vấn đề niên hạn, ông Cường sinh năm 1957 nhập ngũ năm 1975. Còn ông Giang sinh muộn hơn 3 năm, nhập ngũ năm 1978. Vấn đề cấp bậc không phải là ưu thế để xét duyệt chức bộ trưởng quốc phòng.
Vậy ai có khả năng trở thành bộ trưởng quốc phòng?
Về chức bộ trưởng quốc phòng thì nói thật là ở Việt Nam ít có chuyện chạy chọt, đấu đá để giữ chức này, như các ghế bộ trưởng khác. Chức này giao cho ai là phụ thuộc vào các đánh giá tình hình quan hệ quốc tế trong tương lai, từ đánh giá đó đưa ra đường lối cho quân đội, từ đường lối quân đội tìm người có tố chất phù hợp trong đội ngũ thứ trưởng đang có đủ yêu cầu.
Văn kiện đại hội đảng khoá 13 của đảng CSVN xác định một điểm mới là xây dựng quân đội cần một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại ( tức không phải chỉ từng bước hiện đại như trước kia).
Về chủ trương hiện đại hoá gấp một số binh chủng, quân chủng thì ông Phan Văn Giang có ưu thế hơn, ông tốt nghiệp trường tăng thiết giáp với số điểm cao nhất khoá ông học thời đó. Trước khi làm thứ trưởng, ông Giang là tư lệnh quân khu 1, đơn vị đóng quân ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Gần đây Việt Nam có nhiều bài báo nhấn mạnh việc hiện đại hoá quân đội, trong một bài báo tháng 11 năm 2020 trên báo Quân Đội Nhân Dân có tiêu đề.
– Hiện đại hoá quân đội mang tính chiến lược.
Bài báo cho biết dự thảo báo cáo chính trị của trung ương 12 báo cáo đại hội 13 có nhận định
– Tình hình biển Đông tiềm ẩn nguy cơ khó lường, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ còn cam go và phức tạp….dẫn đến phải nhanh chóng hiện đại hoá quân đội.
Từ những yêu cầu trong tương lai, có lẽ ông Phan Văn Giang có nhiều ưu thế được chọn làm bộ trưởng quốc phòng hơn ông Lương Cường.
Với trình độ chính trị, ông Cường chuyển sang ban bí thư trung ương đảng khoá 13 phù hợp hơn.
Về đánh giá diễn biến quốc tế, chẳng hạn việc đảng Dân Chủ thắng lợi, dưới sự cầm quyền của ông Biden, Trung Quốc sẽ lộng hành ở biển Đông hơn so với thời ông Trump, khiến cho Việt Nam phải cảnh giác đề phòng. Khách quan mà nói, đảng CSVN dù sao vẫn có sự dè chừng, cảnh giác người anh em láng giềng phương Bắc và đưa vấn đề này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội khoá 13.
Nếu ông Phan Văn Giang, một người đã trực tiếp chiến đấu ở biên giới phía Bắc và tư lệnh quân khu trấn giữ một vùng biên giới phía Bắc, một người có học hành thực tế với vũ khí hạng nặng, ông ta được chọn làm bộ trưởng quốc phòng. Đó cũng có thể gọi là một chút ưu điểm của đảng CSVN trong việc chọn nhân sự lần này ở vị trí bộ trưởng quốc phòng./.
#bộtrưởngquốcphòng #phanvăngiang #lươngcường
Leave a Comment