Triệu Tử Long – (VNTB) – Việt Nam cần có cơ quan độc lập về chống tham nhũng, kiểu như tổ chức có tên US Office Of Government Ethics, OGE.
Nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo đã tổ chức một hội luận ‘bỏ túi’ xoay quanh chủ đề đảng cộng sản Việt Nam đang muốn việc chống tham nhũng phải quyết liệt, hiệu quả và có tính răn đe hữu hiệu. Vậy nên làm gì?
Xin lược ghi một số ý kiến, và trong bối cảnh nhạy cảm chính trị của trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, xin được ẩn danh các cá nhân phát biểu trong bài viết này.
“Tôi cho rằng trên cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần tránh những vết đổ Nguyễn Đức Chung, trong vụ án Nhật Cường đã chuyển số lượng rất lớn ngoại tệ từ nội địa ra nước ngoài. Tránh vết đổ phải bằng luật, chứ không phải là các nghị quyết đảng. Ví dụ luôn, khi Abbott phân phối sản phẩm của họ vào thị trường Việt Nam, họ đã rất cẩn trọng khi gửi luôn cả nội dung có tên “Hướng dẫn tập huấn cho các công ty có quan hệ kinh doanh với Abbott”.
Theo đó, Abbott cam kết kinh doanh có đạo đức và hợp pháp và tuân thủ Đạo luật chống tham nhũng tại nước ngoài của Hoa Kỳ (U.S. Foreign Corrupt Practices Act – FCPA), Đạo luật chống hối lộ của Anh Quốc (U.K. Bribery Act), và các luật chống tham nhũng và chống hối lộ hiện hành khác. Abbott yêu cầu tất cả các công ty có quan hệ kinh doanh hoặc hoạt động đại diện cho Abbott (“các bên thứ ba”) tuân thủ thực hiện các luật pháp này…”.
“Tôi nhận thấy Đại hội XII trở về trước, trong văn kiện chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là không thể, không dám và không cần. Lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”, ngoài “ba không” như lâu nay, có thêm một không nữa là “không muốn” tham nhũng.
Tại sao lại nói “không muốn”, tôi nghĩ rằng thực tế Việt Nam có những cán bộ đủ ăn, thậm chí là thừa ăn vẫn cứ tham nhũng. Điều này khác với câu của ông cha ta nói “đói đầu gối phải bò”, “đói ăn vụng, túng làm liều”, một số cán bộ không đói, không túng mà vẫn tham nhũng. Trên thế giới cũng như vậy, tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng,… cán bộ cao cấp của một số quốc gia cũng tham nhũng.
Việt Nam khó ngoại lệ, nhất là với thể chế đơn nguyên, nên rất cần mạnh dạn đặt luôn vấn đề, rằng có thể trong hoàn cảnh nào đó, cán bộ cấp cao nhất là tổng bí thư đảng cũng khó tránh tay nhúng chàm. Vậy thì cần xử trí ra sao khi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đặt dưới quyền trực tiếp của tổng bí thư đảng?”.
“Chắc nhiều người còn nhớ đến ông Nông Đức Mạnh. Ông từng là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2001, và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2011.
Hậu trường chính trị ai cũng rành chuyện trước khi trở thành “thứ phi” của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12 và 13, thuộc đoàn đại biểu Bắc Ninh; cựu ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải tra tay vào còng.
Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên “mạnh” hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn… Đây cũng là một hình thức của tham nhũng, nhưng pháp luật Việt Nam, cũng như quy định của Đảng vẫn chưa đề cập đến”.
“Tôi nghĩ rằng mô hình US Office Of Government Ethics, OGE là gợi ý cần thiết cho Bộ Chính trị – Ban Bí thư và Quốc hội.
Có câu chuyện vầy, John Frederick là quan chức phụ trách các công trình xây dựng của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành hợp đồng một dự án xây dựng của chính phủ do công ty DMI thầu.
Vị quan chức này đã nhiều lần ngỏ ý với lãnh đạo DMI muốn kiếm một ít bổng lộc. Thế là DMI bèn chia một phần công trình mình thầu cho công ty do Frederick lập ra. Frederick không báo cáo việc này lên trên.
Trong vòng chưa đầy một năm, công ty của ông kiếm được thu nhập 26 ngàn USD, Frederick trích một phần thu nhập này “lại quả” cho lãnh đạo DMI. Như vậy John Frederick đã vị phạm quy định đạo đức cấm nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền để giúp cho cá nhân hoặc tổ chức khác giành được lợi ích kinh tế. Kết quả Frederick bị kỷ luật 6 năm theo dõi, 6 tháng giam lỏng quản chế, lao động phục vụ cộng đồng 100 giờ và nộp phạt 12.000 USD.
Tôi nghĩ Việt Nam không hiếm hoi những John Frederick”.
Leave a Comment