Tôi thường trả lời các câu hỏi, nhận xét hay phê bình trong tinh thần xây dựng. Có nhiều câu hỏi cần cả tháng vì phải đọc lại sách để trả lời và có câu trả lời ngay. Câu dưới đây trả lời ngay và chép qua đây để các bạn trẻ đọc.
Một ý kiến cho rằng chỉ còn hơn một tuần trước khi rời chức vụ ngoại trưởng, Mike Pompeo đưa ra tuyên bố hủy bỏ các “tự hạn chế” do chính Mỹ đề ra trước đây để làm vừa lòng TC chỉ là một cách “đâm sau lưng” Joe Biden?
Chính sách đối ngoại của Mỹ về Đài Loan (ĐL) tương đối thống nhất suốt 4 năm dưới thời TT Trump ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ chứ không chỉ trong vài tuần chót.
Phân tích dựa trên điều kiện mỗi quốc gia có thể khác với phân tích dựa trên điều kiện chung của toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương.
ĐL chỉ là một phần trong toàn bộ tranh chấp. Nếu gọi là “điểm nóng” thì Biển Đông còn nóng hơn vì trực tiếp liên quan đến nhiều quốc gia.
Tôi không nghĩ vấn đề là “đâm sau lưng” mà là một dạng “status quo” [chỉ tình trạng thực tế trước khi có sự thay đổi] do Pompeo đặt ra cho những chính quyền sau.
Nhiệm kỳ của Biden là bốn năm và sẽ qua nhanh trong khi các thay đổi trên Thái Bình Dương nếu có sẽ diễn ra rất chậm. Với quan hệ thương mại kinh tế chằng chịt ngày nay, không chỉ bốn năm mà mười lần bốn năm chưa chắc đã có gì mới.
Dù sao, chiều hướng đối ngoại của Mỹ và cục diện Thái Bình Dương phải khác với các đời tổng thống trước đây. Ngoại trừ Bill Clinton “chơi bạo” khi đưa USS Nimitz vào Taiwan Strait, chính sách của các TT khác gần như rập khuôn nhau.
Mới đây hải quân Mỹ thực hiện một FONOP [Tuần Tra Tự Do Hàng Hải (Freedom of Navigation Operation) được thực hiện bằng cách đưa các chiếm hạm tuần tra khu vực TC cho là thuộc chủ quyền của TC] để thách thức chủ trương bành trướng của TC trên Biển Đông cũng nằm trong chiếc lược cứng rắn chung đó.
Pompeo có cần phải tham khảo với Joe Biden trước khi ra tuyên bố?
Không. Pompeo không cần phải tham khảo với Biden vì đây chỉ là tuyên bố của Bộ Ngoại Giao chứ không phải quyết định có tính chính sách đối ngoại ở cấp tổng thống.
Tuyên bố của Pompeo cũng không nhằm thay đổi một chính sách lớn nào của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan. Mỹ vẫn công nhận One-China Policy, Mỹ không nâng cấp “Viện Hoa Kỳ” thành “Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ” hay thừa nhận ĐL như một “Statehood” theo định nghĩa của UN.
Những thay đổi của Pompeo chỉ thay đổi về phía Mỹ mà các chính phủ trước đây “tự hạn chế” một cách thái quá chỉ để làm vui lòng TC.
TC phản ứng lấy lệ vì họ biết những “tự hạn chế” đó lẽ ra không nên có từ đầu. ĐL là khách hàng mua nhiều tỉ dollar vũ khí và hàng hóa của Mỹ mà không có qua lại là điều vô cùng phi lý.
Tại sao phải cần FONOP?
FONOP là hành động Mỹ dùng để thách thức chính sách bành trướng của TC và hành động đó rất là quan trọng. Trong điều kiện hiện nay chưa có một biện pháp quân sự nào làm TC ngại hơn.
Trừ phi Mỹ thành lập được một dạng liên minh mới theo kiểu SEATO, trong đó công nhận sự có mặt thường xuyên kể cả thả neo trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa v.v.., FONOPS là biện pháp duy nhất. Nhưng không phải lâu lâu mới hải hành mà phải hải hành nhiều.
Suốt thời gian 8 năm của Obama chỉ có 5 FONOP trong khi thời Trump chỉ riêng 2017 đã có tới 6 lần.
TC rút khỏi các đảo họ chiếm chỉ vì sợ FONOP?
Không. Nhưng đó là những tiền lệ phải làm để cô lập các đảo nhân tạo TC vừa xây xong và cho họ Tập biết những đảo nhân tạo kia có thể chìm xuống biển trong vòng một tiếng đồng hồ./.
Trần Trung Đạo
Leave a Comment